(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví kho tàng di sản văn hóa dân tộc như “bức họa tinh thần - nhân văn”, thì xứ Thanh góp vào nét bút vừa “đậm” ở sự đa dạng, phong phú; vừa “thanh” ở sự tinh tế, độc đáo, đặc sắc và mỗi nét đều ẩn tàng những giá trị lớn lao cả về tinh thần lẫn vật chất. Với ý nghĩa và giá trị không thể thay thế, văn hóa - đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể - đang trở thành nền tảng hun đúc nên bản sắc và hệ giá trị văn hóa cho xứ sở này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ cho muôn đời sau

Nếu ví kho tàng di sản văn hóa dân tộc như “bức họa tinh thần - nhân văn”, thì xứ Thanh góp vào nét bút vừa “đậm” ở sự đa dạng, phong phú; vừa “thanh” ở sự tinh tế, độc đáo, đặc sắc và mỗi nét đều ẩn tàng những giá trị lớn lao cả về tinh thần lẫn vật chất. Với ý nghĩa và giá trị không thể thay thế, văn hóa - đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể - đang trở thành nền tảng hun đúc nên bản sắc và hệ giá trị văn hóa cho xứ sở này.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Ảnh minh họa.

Xứ Thanh sớm định danh trên bản đồ địa lý - lịch sử dân tộc như là nơi phát tích của nhiều nền văn minh - văn hóa, gắn liền với quá trình tiến hóa và phát triển lâu dài của loài người. Đó là văn hóa núi Đọ với hệ thống di tích núi Đọ, núi Nuông, núi Quan Yên, núi Nổ mà khối lượng hiện vật phong phú “đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, ngay từ thời xa xưa trong buổi bình minh của lịch sử, trên đất Thanh Hóa, con người đã sinh sôi nảy nở. Chính nơi đây đã chứng kiến cuộc đấu tranh gay go, ác liệt của tổ tiên chúng ta với mọi trở lực của thiên nhiên; chính nơi đây đã chứng kiến những mầm mống đầu tiên của tài năng và sự sáng tạo của con người” (Lịch sử Thanh Hóa tập I). Đó còn là hang Con Moong được các nhà nghiên cứu đánh giá cao không chỉ bởi tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử Việt Nam. Di chỉ này là nơi chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục, phong phú của xã hội loài người từ hậu kỳ đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới. Các cứ liệu nghiên cứu khảo cổ đã chỉ ra, chủ nhân văn hóa Sơn Vi tại hang Con Moong đã để lại vết tích ở lớp văn hóa sâu nhất... Và điều quan trọng hơn cả là chính những cư dân của văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở hang Con Moong sau này có nguồn gốc trực tiếp từ tổ tiên Sơn Vi của họ.

Và rồi, cách đây khoảng 7.000 năm, đồng bằng sông Mã với nguồn tài nguyên phong phú đã lôi cuốn chủ nhân văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn rời khỏi hang động, mái đá ở vùng núi phía Tây để tràn xuống miền đồng bằng trước núi, ven sông, làm nên nền văn hóa Đa Bút độc đáo và phong phú. Trải qua quá trình định cư lâu dài và đầy khắc nghiệt, cũng đồng thời là quá trình lao động sáng tạo đầy mồ hôi và máu, tổ tiên ta đã cải tạo những vùng đất hoang hóa trở thành những đồng bằng màu mỡ. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần trở nên phong phú, tạo ra cơ sở xã hội để người Thanh Hóa bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ bậc nhất: Văn hóa Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn còn để lại dấu tích đậm đặc, với cả trăm di tích được phân bố khắp các vùng, miền trong tỉnh. Đặc biệt, sự xuất hiện dày đặc các di tích thuộc nền văn hóa này ở các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa là minh chứng về khả năng làm chủ đồng bằng của người Việt cổ ở Thanh Hóa, với những làng định cư lâu đời, có lịch sử hàng nghìn năm như Đông Sơn, Thiệu Dương, Quỳ Chử...

Trên cái nền của quá khứ hết sức dày dạn và bền vững ấy, mảnh đất hội sơn tụ thủy này trở thành “vũ đài” của những cuộc tranh đấu cho quyền tự quyết dân tộc, liên quan đến mọi sự tồn - vong của dân tộc Việt Nam. Đó là Bà Triệu cưỡi voi phá giặc, là Lam Sơn dấy nghĩa Bình Ngô; là hùng khí vang dậy khắp Ba Đình, Ngọc Trạo... Qua hàng ngàn năm văn hiến, trải từ thời Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê đến Nguyễn, dấu ấn lịch sử ấy còn khắc lại mảnh đất này là hàng nghìn công trình kiến trúc - nghệ thuật có tráng lệ, nguy nga, có gần gũi, thân thuộc, từng và đang song hành cùng mọi sự đổi thay và phát triển của xứ Thanh. Tiếc là, nhiều di tích trong số đó, hiện hậu thế chỉ còn biết đến qua các sử liệu hoặc ký ức dân gian. Song, với khoảng 1.353 di tích còn lại, mà những cái tên nổi bật như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, hang Con Moong, các bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Lam Kinh và bảo tàng tỉnh...; cùng vô số đình, chùa, miếu mạo và nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá, đồng, gỗ đậm màu sắc dân gian, đặc biệt là hơn 100 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật quý có giá trị cao... Tất cả đã và đang tạo nên cho văn hóa xứ Thanh những mảng màu hết sức lung linh, đặc sắc và sinh động. Đồng thời, góp phần định hình vị thế, diện mạo và bề dày truyền thống của xứ sở này.

Là những sản phẩm vật chất - tinh thần có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, các di sản văn hóa - nhất là di sản vật thể - không chỉ là “tấm gương văn hóa” phản chiếu các giá trị hay bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất; mà nó thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng cho phát triển. Vấn đề ở đây là cách hậu thế ứng xử với di sản sao cho phù hợp, trên tinh thần đề cao, tôn trọng lịch sử, dựa trên cơ sở khoa học – lịch sử, để có cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách đúng đắn. Từ đó, vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần - tâm linh của con người, vừa mang lại lợi ích kinh tế mà không làm mai một đi giá trị của di sản. Từ năm 1998 đến nay, nhất là từ khi Luật Di sản văn hóa (năm 2001) được ban hành, đã có hàng trăm di tích (đền, chùa, đình làng, nhà từ đường của dòng họ...) được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và hàng trăm di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn do địa phương huy động. Nhờ đó mà hậu thế mới biết được diện mạo đủ đầy của Lam Kinh, mới từng bước khai phá được giá trị ẩn tàng của tòa thành hơn 600 tuổi, mới càng tự hào với quá khứ lịch sử hào hùng khi về với đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, đền thờ Lê Lai, đền Đồng Cổ, phủ Trịnh hay di tích Ba Đình, chiến khu Ngọc Trạo...

Những di sản được “ngưng kết” qua hàng vạn năm, bắt đầu từ “cuộc trường chinh” chống chọi với thiên tai để lấn biến, lấn rừng, mở mang không gian sinh tồn khắp non cao đến biển cả của tổ tiên ta. Đó cũng là thành quả của ngàn năm tranh đấu không ngưng nghỉ cho độc lập dân tộc. Bởi vậy, các di sản ấy luôn tỏa rạng ánh sáng tươi đẹp và làm nên bản sắc cho xứ sở này, cho quốc gia này. “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 581/QĐ-TTg, ngày 6-5-2009, đã nhấn mạnh “Bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề trọng đại, sống còn của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa là một lĩnh vực dễ bị tổn thương, trong đó bản sắc văn hóa, văn hóa truyền thống dễ bị tổn thương hơn cả”. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa khi cho rằng, di sản văn hóa là loại tài sản quý giá không thể tái sinh và không thể thay thế nhưng rất dễ bị biến dạng do tác động của các yếu tố ngoại cảnh như thiên tai, chiến tranh, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và cả việc bảo tồn, trùng tu thiếu chuyên nghiệp. Thực trạng ấy đòi hỏi chúng ta phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại sẽ làm phong phú cho văn hóa đất nước và thúc đẩy văn hóa phát triển.

Văn hóa là sáng tạo. Trong đó con người vừa là chủ thể của quá trình sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm văn hóa. Chính vì vậy mà phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng con người đang là xu thế tất yếu hiện nay. Có như vậy thì việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa mới trở thành quá trình “giữ lửa” truyền thống, để những giá trị cổ truyền có được vị thế xứng đáng và luôn thổi “hơi ấm” vào mùa xuân đương đại!

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]