(Baothanhhoa.vn) - Sống và cống hiến hơn nửa đời người với một công việc nào đó đã là cái duyên. Nhưng nhiều người, nhiều thế hệ trong một gia đình đều chung một nghề, cùng nỗ lực cống hiến sức mình dưới một “mái nhà chung” thì khi ấy, nghề đã thành nghiệp, truyền thống đáng tự hào.

“Tiếp lửa” những thế hệ

Sống và cống hiến hơn nửa đời người với một công việc nào đó đã là cái duyên. Nhưng nhiều người, nhiều thế hệ trong một gia đình đều chung một nghề, cùng nỗ lực cống hiến sức mình dưới một “mái nhà chung” thì khi ấy, nghề đã thành nghiệp, truyền thống đáng tự hào.

“Tiếp lửa” những thế hệ

Như mạch nguồn chảy mãi

Hành trình 60 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Thanh Hóa thực sự đã trở thành “mái nhà chung” của những người làm báo, ở đó có nhiều thế hệ trong một gia đình cùng góp mặt, chung tay góp sức xây dựng Báo Thanh Hóa ngày càng phát triển, vững mạnh.

Đó là câu chuyện, là niềm tự hào của gia đình bà Nguyễn Thị Tấn (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa)- một trong những phóng viên kỳ cựu, gắn bó với Báo Thanh Hóa từ những giai đoạn gian khó, vất vả nhất. Hơn 30 năm gắn bó với Báo Thanh Hóa, bà Tấn không thể liệt kê hết được những nơi mình đã đến, số lượng bài báo mình đã viết. Bà chỉ tâm niệm một điều rằng: Dẫu khó khăn, vất vả đến đâu mình vẫn luôn tìm cách khắc phục, nỗ lực vượt qua, hăng say làm việc để mang tới độc giả nhiều tin, bài hay, chất lượng, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Báo Thanh Hóa.

Làm báo từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, chiếc xe đạp cà tàng cùng bà băng qua làn mưa bom bão đạn. Có thời điểm, đứa con gái đầu mới chừng hơn 1 tuổi phải theo bà đội mưa đội nắng trên những cung đường đến với cơ sở. Bà Tấn loay hoay gửi con trước khi vào làm việc. Xong việc lúc nào, hai mẹ con lại tất bật trên chiếc xe đạp trở về nhà. Suốt quãng đời làm báo, nêu cao tinh thần “lấy ngòi bút làm vũ khí”, không ngại “nhìn thẳng, nói thật”, không ngại khó, ngại khổ, bà Tấn hăng hái lên đường, bám sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân để có thể viết được những bài viết hay, hấp dẫn, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan nhiều vấn đề nổi cộm, phát sinh ở cơ sở. Với bà, báo chí không chỉ là một nghề mưu sinh mà hơn hết, đó là tình yêu, niềm đam mê. “Không có tình yêu, niềm đam mê với nghề thì làm bất kể việc gì cũng khó, chứ đừng nói gì đến chuyện làm báo”- bà Tấn tâm sự.

Chính bởi đam mê, nỗ lực cống hiến ấy mà bà Tấn đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Định nghĩa về thành công của bà Tấn với nghề không dừng lại ở những thành tích về giấy khen, bằng khen. Bên cạnh sự ghi nhận, yêu mến của độc giả, thành công lớn nhất trong cuộc đời làm báo của bà Tấn là được nhìn thấy con, cháu tiếp nối “lửa nghề” và từng bước khẳng định mình với nghề. Tính đến thời điểm hiện tại, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, gia đình bà Tấn có 9 người theo nghề báo.

3 thế hệ trong một gia đình cùng theo nghề báo- đó là truyền thống, là niềm vinh dự, tự hào. Hỏi bà Tấn về bí quyết “truyền lửa”, bà khiêm tốn nói: “Tôi tin rằng, khi bố mẹ làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, say mê thì cũng chính là đang truyền lửa cho các thế hệ sau rồi. Đó là mạch nguồn rất tự nhiên”.

Nơi tình yêu bắt đầu

Ngay từ khi mới chập chững bước vào nghề, tôi luôn cảm thấy may mắn, tự hào khi được làm mảnh ghép nho nhỏ trong tập thể Báo Thanh Hóa. Ở nơi ấy, mọi người sống chan hòa, đoàn kết, gắn bó với nhau không chỉ bởi có chung niềm yêu thích, say mê với nghề, lấy phát triển tờ báo làm mục tiêu chung mà còn có bóng dáng của hạnh phúc gia đình, lứa đôi. Ví như câu chuyện xây dựng “tổ ấm nhỏ” của vợ chồng phóng viên Trần Văn Thanh (phòng Xây dựng Đảng - Nội chính) và Lê Thị Hòa (phòng Kinh tế) là minh chứng sinh động cho nhận định ấy.

“Tiếp lửa” những thế hệ

Anh Thanh và chị Hòa gặp gỡ nhau vào quãng độ thanh xuân tươi đẹp nhất. Khi ấy, anh Thanh là phóng viên phòng miền núi. Sung sức, say nghề, anh Thanh bám bản, bám làng, hăng hái tìm tòi, khám phá, tận tâm lắng nghe đồng bào chia sẻ để có được những tin, bài hay chất lượng. Lúc bấy giờ, chị Hòa vẫn còn là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị Hòa nhớ lại: “Ngày ấy, vì là sinh viên tập tành viết lách nên trước khi gửi đến tòa soạn chị có gửi bài qua một người quen, cũng là cộng tác viên của nhiều tờ báo nhờ góp ý, chỉnh sửa. Sau mới biết, người quen ấy lại cẩn thận chuyển bài của chị cho anh Thanh, nhờ anh Thanh “chuốt lại” bài thêm một lượt rồi mới chuyển đến tòa soạn”.

Cũng qua người quen ấy giới thiệu, chị và anh Thanh quen biết nhau. Từ hai người xa lạ, những bài báo, những bức email gửi cho anh Thanh nhờ liên hệ công việc đã kéo gần khoảng cách giữa hai người. Khi chị Hòa về kiến tập ở Thông tấn xã Việt Nam, văn phòng đại diện tại Thanh Hóa, hai người chính thức gặp gỡ, yêu thương nhau. Sau hai năm yêu nhau, anh chị tiến tới hôn nhân, xây dựng tổ ấm nhỏ.

Anh Thanh làm việc tại Báo Thanh Hóa, chị Hòa trải qua nhiều công việc khác nhau, chờ đợi, tìm kiếm cơ hội được làm nghề, theo đuổi niềm đam mê. Sau nhiều khó khăn, thử thách, năm 2018, chị Hòa ký hợp đồng lao động với Báo Thanh Hóa, không chỉ là người bạn đời mà còn là bạn nghề, đồng nghiệp với chồng mình. Báo Thanh Hóa trở thành gia đình thứ hai của anh chị.

Hai vợ chồng làm chung một cơ quan, có nhiều niềm vui, thuận lợi. Cùng chung công việc nên những lúc khó khăn, hai vợ chồng luôn thấu hiểu, quan tâm, động viên, chia sẻ để tiếp tục rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng, tự hoàn thiện mình. Chị Hòa bộc bạch: “Nếu như người mới chân ướt chân ráo vào cơ quan sẽ có nhiều bỡ ngỡ, dè chừng, e ngại, dò dẫm làm quen, tìm hiểu mọi điều. Nhưng vì đã “làm dâu” Báo Thanh Hóa trước khi vào công tác, chị đã hiểu tờ báo và quen biết mọi người ở đây nên cũng có phần thuận lợi hơn”. Ngôi nhà nhỏ, bởi có hai người làm báo mà nhiều khi diễn ra nhiều chuyện hài hước. Chị Hòa vui vẻ kể: Như việc góp ý bài vở, ảnh hay chuyện tác nghiệp. Nhiều khi chồng bảo: “Nay em chụp cái ảnh này anh thấy chưa được tốt lắm. Em nên lấy theo góc này, góc kia... Bị nói nhiều, có lúc tự ái, cũng cãi này kia rồi vợ chồng giận nhau cả tuần. Đến lúc làm hòa rồi, nghĩ lại, hai vợ chồng ai cũng cảm thấy buồn cười” - chị Hòa tâm sự.

Chẳng có con đường nào luôn trải đầy hoa hồng. Hiện thực cuộc sống luôn là nơi “thử lửa”. Đôi vợ chồng trẻ từ những miền quê lên phố lập nghiệp như anh Thanh, chị Hòa phải đối mặt với không ít những khó khăn, thử thách. Vì tính chất công việc giống nhau nên có thời điểm cả hai vợ chồng đều đi làm tin thời sự hay quay cuồng theo dòng sự kiện, đề cương thì việc gia đình, con cái không thể chu đáo hết được.

Hai vợ chồng làm cùng cơ quan có nhiều điều thuận lợi, đong đầy niềm vui nhưng cũng đi liền với trách nhiệm, áp lực. Chị Hòa vẫn luôn tự nhủ với lòng: “Quá trình công tác, phấn đấu ở Báo Thanh Hóa không chỉ để khẳng định bản thân mà còn để hai vợ chồng tự hào khi nghĩ về nhau. Đó là động lực để hai vợ chồng luôn cố gắng, nỗ lực làm việc, cống hiến hết mình”.

Không chỉ có gia đình bà Tấn hay vợ chồng anh Thanh - chị Hòa, Báo Thanh Hóa đã trở thành nơi ghi dấu truyền thống, nỗ lực phấn đấu của nhiều gia đình, nhiều cặp vợ chồng. Với họ, ấy là nguồn động lực lớn còn đối với Báo Thanh Hóa, đó là niềm tự hào. Vì trên hành trình xây dựng và phát triển của Báo Thanh Hóa luôn lấp lánh niềm vui, hạnh phúc lứa đôi, truyền thống, nền nếp gia đình, nồng ấm lửa nghề...

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]