(Baothanhhoa.vn) - Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều HTX hoạt động cầm chừng, mờ nhạt, không tập hợp được thành viên tham gia sản xuất, không phát huy được vai trò “bà đỡ” cho người dân trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả, bền vững (Bài 2): Nhiều tồn tại trong hoạt động của khu vực kinh tế tập thể

Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều HTX hoạt động cầm chừng, mờ nhạt, không tập hợp được thành viên tham gia sản xuất, không phát huy được vai trò “bà đỡ” cho người dân trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả, bền vững (Bài 2): Nhiều tồn tại trong hoạt động của khu vực kinh tế tập thểLãnh đạo Liên minh HTX tỉnh thăm vùng sản xuất dược liệu của HTX dược liệu Bá Thước. Ảnh: P.V

Bình mới, rượu cũ

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Huyện hiện có 51 HTX; trong đó có 42 HTX dịch vụ nông nghiệp, 1 HTX tiểu thủ công nghiệp, 4 HTX thương mại dịch vụ, 3 quỹ tín dụng Nhân dân và 2 HTX khác. Tổng số thành viên của HTX gần 7.100 người, tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 426 người; doanh thu bình quân một HTX đạt khoảng 2,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân hơn 30 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt bình quân khoảng 30 triệu đồng/năm. Bên cạnh những HTX hoạt động hiệu quả, trên địa bàn huyện vẫn còn những HTX chưa có nhiều đổi mới, hoạt động cầm chừng, mờ nhạt, không thu hút được nhiều thành viên tham gia hoạt động.

Được thành lập từ năm 1999, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Long chuyển đổi theo Luật HTX từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chủ động, sáng tạo phát triển ngành nghề kinh doanh mới để phù hợp với điều kiện thực tế, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, thu nhập của các thành viên HTX thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập dao động khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở vật chất của HTX cũng xuống cấp, không cạnh tranh được với các loại hình kinh tế khác. Hiện trụ sở của HTX là căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, tường vôi bong tróc, tài sản bên trong cũng chỉ có bộ bàn ghế cũ nát.

Đề cập vấn đề kinh doanh dịch vụ của HTX, ông Trịnh Văn Thành, giám đốc HTX cho biết: Hiện nay HTX chỉ thực hiện nhiệm vụ phục vụ thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, bảo vệ hoa màu và phục vụ tưới tiêu cho 430 ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã. Trong quá trình hoạt động, mặc dù HTX cũng muốn đảm nhận phần việc này, công trình kia để tạo vốn, tăng thu nhập, nhưng không có cơ hội do năng lực tài chính yếu, nhân lực thì vừa thiếu vừa yếu. Ban quản trị HTX cũng đã cố gắng liên hệ với các doanh nghiệp để cung ứng trực tiếp, giảm khâu trung gian, nhưng do vốn ít, và số lượng cung ứng chưa nhiều, nợ đọng trong dân cao, nên chưa mang lại hiệu quả. Nhiều năm qua, hoạt động của HTX rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn nhưng không có tài sản để thế chấp, không có tài sản thì không thể vay ngân hàng với số tiền lớn để mở rộng kinh doanh dịch vụ. Do vậy, “cái khó bó cái khôn” khiến HTX hoạt động cầm chừng, lay lắt, hiện chỉ có 19 thành viên tham gia hoạt động; trong đó có 3 người tham gia ban quản trị. Từ sau khi chuyển đổi đến nay, HTX lâm vào tình cảnh “bình mới, rượu cũ”.

Cũng được thành lập từ năm 1999, đến nay HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Đông Khê (Đông Sơn) hoạt động không hiệu quả, không phát huy được vai trò “bà đỡ” cho sản xuất của người dân. Được biết, trước đây HTX thực hiện các khâu thủy lợi, phục vụ tưới, tiêu và kinh doanh giống, vật tư phân bón. Sau khi HTX tổ chức đại hội xã viên để chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong phương án sản xuất, kinh doanh, ngoài các khâu dịch vụ trên, HTX đăng ký thực hiện thêm dịch vụ làm đất và kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Do vậy HTX chỉ cố gắng duy trì các dịch vụ cũ nên chưa có bước đột phá trong hoạt động. Hiện nay, HTX có 18 thành viên do hoạt động cầm chừng, thu nhập của thành viên rất thấp, thành viên HTX, kể cả ban quản trị đều không có khả năng tham gia các khoản bảo hiểm xã hội. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Đông Khê Lê Thế Dân cho biết: HTX mong muốn được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan để có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh và thêm cơ hội để kết nối tiêu thụ trên thị trường. Đồng thời, cần ban hành các cơ chế đặc thù, cụ thể để tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động của HTX.

Chỉ rõ nguyên nhân

Những tồn tại khó khăn của các HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Khê (Đông Sơn) và Thiệu Long (Thiệu Hóa) cũng là tình cảnh chung của nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh. Được biết, hiện nay tỉnh Thanh Hóa có 1.314 HTX nhưng trong đó có tới gần 300 HTX xếp loại trung bình (chiếm hơn 22%), 27 HTX yếu kém (chiếm 2,05%), 184 HTX không đủ tiêu chuẩn xếp loại (chiếm 14%).

Thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả, bền vững (Bài 2): Nhiều tồn tại trong hoạt động của khu vực kinh tế tập thểHTX Dịch vụ Nông nghiệp Thiệu Long (Thiệu Hóa) chưa mạnh dạn đổi mới, hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng HTX hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, nhưng chủ yếu là do các HTX đều có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ còn manh mún; chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chưa linh hoạt, nhạy bén với cơ chế thị trường, vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế còn mờ nhạt, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao, chưa thiết thực nên thành viên thiếu tin tưởng vào HTX. Mối quan hệ giữa hội đồng quản trị và thành viên còn lỏng lẻo, thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống về kinh tế và tổ chức. HTX chưa khai thác hết năng lực nội tại của các thành viên cả về vốn và cơ sở vật chất. Nhiều HTX chưa chủ động sáng tạo phát triển ngành nghề kinh doanh mới để phù hợp với điều kiện thực tế; cơ sở vật chất, công nghệ dây chuyền sản xuất, kinh doanh còn lạc hậu.

Bên cạnh đó, phần lớn các HTX chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng thường xuyên với các ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện để thế chấp tài sản vay vốn. Từ thiếu vốn đầu tư nên hơn 90% HTX không có trụ sở, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu, sự liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế. Hình thức hoạt động của các HTX nhìn chung không thay đổi so với trước khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, chủ yếu mới lo được khâu dịch vụ đầu vào, chưa bao tiêu được sản phẩm đầu ra cho các thành viên; chưa tham gia vào chuỗi hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm kết nối nông dân với doanh nghiệp.

Cùng với đó, trình độ quản trị, khả năng tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm của thành viên HTX còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác mạng xã hội để quảng bá, bán hàng, đấu mối với các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm của đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cán bộ quản lý HTX tuổi đời cao, hạn chế về năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, trong điều hành hoạt động còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thiệu Long, đội ngũ cán bộ tại HTX từ giám đốc tới kiểm soát viên 5 người, tất cả đều đã ngoài 60 tuổi nên không còn đủ nhanh nhạy với thị trường. Với mong muốn tiếp tục phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX rất cần những người trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn về kế nghiệp. Thế nhưng, tới nay mô hình HTX nông nghiệp như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thiệu Long vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một trong nguyên nhân nữa khiến số lượng HTX tăng nhanh nhưng thiếu bền vững là do việc phát triển HTX được gắn với tiêu chí số lượng trong XDNTM. Do vậy, một số HTX thành lập để đủ điều kiện, đủ tiêu chí công nhận xã NTM nâng cao và kiểu mẫu, không gắn với thực tế sản xuất của địa phương. Việc vận động thành lập HTX chưa xuất phát từ nhu cầu của Nhân dân nên dẫn đến nhiều HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số HTX chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến hoạt động cầm chừng hoặc chỉ tồn tại theo kiểu “hữu danh vô thực".

Những nguyên nhân trên khiến nhiều HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, yếu kém; tình trạng nợ đọng kéo dài, hoạt động chỉ mang tính hình thức mà không phát huy được năng lực nội tại. Thậm chí có HTX đã ngừng hoạt động và giảm số lượng thành viên qua từng năm nhưng vẫn tồn tại trên giấy tờ, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương.

Nhóm Phóng viên

Bài cuối: Để kinh tế tập thể thành nền tảng phát triển ở các địa phương.

Tin liên quan:
  • Thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả, bền vững (Bài 2): Nhiều tồn tại trong hoạt động của khu vực kinh tế tập thể
    Thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả, bền vững (Bài 1): Tạo thuận lợi cho kinh tế ...

    Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX đã có bước phát triển vượt bậc, thể hiện vai trò quan trọng, là động lực để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khu vực KTTT vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, do đó các sở, ngành, đơn vị cùng vào cuộc đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]