(Baothanhhoa.vn) - Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tạo đầu ra ổn định cho người nông dân

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tạo đầu ra ổn định cho người nông dân

Diện tích ngô ngọt tại xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) được liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty TNHH Thanh An (Ninh Bình).

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

Hình thức này bảo đảm cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhận thức được điều này, những năm gần đây, các địa phương luôn quan tâm, khuyến khích nông dân, HTX hợp tác với doanh nghiệp nhằm xây dựng, phát triển những mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1; sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương; vùng sản xuất chuyên canh các loại cây rau màu, như: Ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Hậu Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa... Tại hầu hết các vùng sản xuất, các HTX và người dân đều chú trọng đến hình thức liên kết chuỗi giá trị do doanh nghiệp đầu tư vốn, phân bón, giống, công nghệ, kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm cho người dân. Đây thực sự là mô hình liên kết phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành, tạo vùng nguyên liệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Từ năm 2016, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Trung (Hoằng Hóa) thực hiện liên kết sản xuất các giống cây trồng, như: Ngô ngọt, đậu tương rau, khoai tây... với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tại các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 2 lần trở lên so với canh tác, tiêu thụ truyền thống. Từ thành công của những mô hình liên kết, HTX đã tích cực tìm kiếm doanh nghiệp uy tín và những đối tượng cây trồng hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân địa phương để đưa vào sản xuất. Chúng tôi đến xã Hoằng Trung thời điểm diện tích ngô ngọt liên kết với Công ty TNHH Thanh An (Ninh Bình) chuẩn bị thu hoạch. Niềm vui thể hiện rõ rệt trên khuôn mặt của những người dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Yến, thôn Xa Vệ, cho biết: Nhờ HTX liên kết sản xuất các loại cây trồng như đậu tương rau, ngô ngọt, khoai tây... với 5 sào đất màu, gia đình luân canh sản xuất 3 vụ/năm. Việc liên kết giúp gia đình đỡ nỗi lo về tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, giá thành ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Theo ước tính, giá trị sản xuất đạt 12-15 triệu đồng/sào/năm. Được biết, diện tích cây trồng liên kết của xã Hoằng Trung đạt khoảng 150-180 ha/năm. Riêng vụ đông 2019-2020, thông qua HTX, hơn 150 hộ dân trong xã đã thực hiện liên kết sản xuất 35 ha cây ngô ngọt với Công ty TNHH Thanh An. Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, diện tích ngô đã đến ngày thu hoạch, năng suất ước tính đạt 100-120 tấn/ha, doanh thu đạt 80-100 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 30-35 triệu đồng/ha. Với cây ngô ngọt, có thể luân canh sản xuất 3 vụ/năm. Do đó, hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần so với sản xuất cây ngô thương phẩm. Nhiều hộ dân có diện tích cây trồng tham gia liên kết, như: Hộ ông Nguyễn Văn Trường, thôn Xa Vệ trồng 0,5 ha ngô ngọt; hộ bà Lê Thị Yến, thôn Xa Vệ trồng 0,2 ha ngô ngọt...

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến tháng 11-2019, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 150 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các sản phẩm thế mạnh, như: Rau quả an toàn, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm... Thông qua các chuỗi cung ứng, giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng, thị trường cơ bản ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả. Đồng thời, từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thực tế sản xuất cho thấy, quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ, cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường chưa cao. Điều này dẫn tới, dù có hình thành được chuỗi giá trị trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, để nâng cao giá trị kinh tế sản xuất nông nghiệp đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương cần xây dựng những vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ cao... để tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, các địa phương và HTX cần nghiên cứu để đưa những loại cây trồng phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường và có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thanh Hòa


Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]