(Baothanhhoa.vn) - Là địa phương có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp, những năm qua huyện Lang Chánh đã có nhiều đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm, qua đó tạo “đòn bẩy” để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Lang Chánh phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm

Là địa phương có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp, những năm qua huyện Lang Chánh đã có nhiều đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm, qua đó tạo “đòn bẩy” để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Lang Chánh phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩmSản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bằng cây tre tại Công ty CP Bamboo King Vina.

Dự án Nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng, tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi, thị trấn Lang Chánh, do Công ty CP Bamboo King Vina đầu tư xây dựng, có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng trên diện tích 15 ha, được khởi công xây dựng vào quý III-2021, đến nay đã xây lắp được gần 100% khối lượng so với thiết kế. Trong đó, một số dây chuyền sản xuất bắt đầu hoạt động, bước đầu cho thấy hiệu quả và sự khác biệt. Sản phẩm thân thiện với môi trường, chủ yếu là: Cây trồng nông nghiệp, hàng rào tre, nhà tre ghép, nội thất tre, thủ công mỹ nghệ, tre ghép thành, tre ghép khối... Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động 100% công suất, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho 2.700 lao động và hàng nghìn lao động gián tiếp tại huyện Lang Chánh và các huyện lân cận.

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: “Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm” là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lang Chánh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trên cơ sở đó, huyện Lang Chánh đã xây dựng đề án và ban hành các quyết định về phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, triển khai đến tất cả các xã, thị trấn về kế hoạch, lộ trình thực hiện; thành lập ban chỉ đạo phục tráng rừng luồng cấp xã. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân quan tâm phục tráng rừng luồng; xây dựng quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ FSC gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm lâm nghiệp để khai thác có hiệu quả cao hơn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 10.292 ha diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất, khoanh nuôi bảo vệ đã được cấp chứng chỉ FSC, đủ điều kiện xuất khẩu, mở ra cơ hội tiêu thụ với sản lượng lớn và nâng cao giá trị kinh tế cho vùng nguyên liệu.

Cùng với đó, huyện mở được 35 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng thâm canh, phục tráng rừng nứa, vầu, trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn cho 1.750 lượt người dân tham gia. Công tác trồng rừng, trồng rừng sau khai thác tiếp tục được quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã trồng được 2.288 ha, trong đó trồng mới được 200 ha, trồng rừng sau khai thác 2.188 ha, nâng tổng số diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện lên trên 6.800 ha. Thực hiện Quyết định 502/QĐ-UBND, ngày 23-2-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, việc phục tráng rừng luồng ở huyện Lang Chánh đã đạt những kết quả khả quan. Tính đến nay, toàn huyện đã thâm canh, phục tráng được 5.300 ha. Mở rộng diện tích trồng cây vầu tại các xã Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú và ở những xã có điều kiện phù hợp với diện tích 43 ha; sửa chữa, nâng cấp đường lâm nghiệp cho các vùng trồng rừng sản xuất tập trung. Trung bình mỗi năm, toàn huyện khai thác đạt 7 triệu cây luồng, trên 14.000m3 gỗ rừng trồng, 3.000 tấn nứa, vầu phục vụ cho chế biến. Tiếp tục trồng cây dược liệu tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương (ngải cứu, cúc hoa vàng), Giao An (mạch môn đông), Trí Nang (rau má, bách bộ, thiên môn đông), Yên Khương, Yên Thắng (bách bộ, thiên môn đông), Tam Văn (kim ngân hoa) với diện tích gần 30 ha.

Cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây luồng, vầu, nứa, huyện Lang Chánh cũng chú trọng tới việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí mặt bằng phù hợp để các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến. Trong đó, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu lâm sản nhằm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu luồng, vầu, nứa, nhất là những doanh nghiệp có công nghệ cao, có năng lực tài chính thực hiện dự án sản xuất. Đến nay, huyện Lang Chánh đã thu hút được 11 doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ luồng, vầu, keo, các loại gỗ tạp, tạo việc làm cho gần 300 lao động, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Theo đánh giá, sau khi xây dựng thương hiệu sản phẩm, giá trị của cây luồng tăng 3 triệu đồng/ha; keo tăng 10 triệu đồng/ha so với năm 2021.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]