(Baothanhhoa.vn) - Thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã trở thành kênh thông tin liên lạc hữu hiệu giúp ngư dân theo dõi lịch trình ngư trường khai thác hải sản, chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai và được hỗ trợ kịp thời khi gặp sự cố trên biển.

Trăn trở về thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Bài 1 - Chủ trương đúng và hợp xu thế phát triển

Thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã trở thành kênh thông tin liên lạc hữu hiệu giúp ngư dân theo dõi lịch trình ngư trường khai thác hải sản, chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai và được hỗ trợ kịp thời khi gặp sự cố trên biển.

Trăn trở về thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Bài 1 - Chủ trương đúng và hợp xu thế phát triển

Các lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tại Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: Lê Hợi

Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương trong tốp đầu của cả nước về hoàn thành việc lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá trước ngày 30-8-2021 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Văn Thành, góp phần gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân lắp đặt thiết bị GSHT, ngày 17-7-2021 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị GSHT và phí thuê bao dịch vụ thiết bị GSHT cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ mua thiết bị GSHT là 10 triệu đồng/tàu cá với hình thức hỗ trợ 1 lần sau khi đầy đủ hồ sơ, mức hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị GSHT tàu cá theo hóa đơn thực tế nhưng không quá 300.000 đồng/tháng/tàu cá với hình thức hỗ trợ hàng năm (1 lần/năm). Với sự chủ động, tích cực trong tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương ven biển đến từng địa bàn các xã, phường, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá về các quy định để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ thiết bị GSHT và phí dịch vụ thuê bao GSHT; hướng dẫn các thủ tục giấy tờ liên quan và yêu cầu chủ tàu ký cam kết thực hiện các quy định về trách nhiệm của chủ tàu cá khi tham gia khai thác trên biển. Ngư dân Hoàng Anh Yến, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), cho biết: “Để đầu tư lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá, ngư dân phải bỏ ra chi phí mua thiết bị từ 18 đến 20 triệu đồng/thiết bị, chi phí dịch vụ thuê bao duy trì hoạt động của thiết bị từ 330.000 đồng đến 400.000 đồng/thiết bị/tháng và là mức chi không nhỏ với ngư dân. Tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và ngành thủy sản, địa phương hướng dẫn hồ sơ thủ tục thụ hưởng chính sách cho chủ tàu lắp đặt thiết bị GSHT, chúng tôi đã được hưởng chính sách hỗ trợ, giảm chi phí lắp đặt thiết bị nên các ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”.

Tìm hiểu thực tế tại các xã nghề cá ven biển, như: Ngư Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Trường (Hoằng Hóa); các phường Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn); phường Quảng Tiến, Quảng Cư (TP Sầm Sơn)... chúng tôi đều có chung cảm nhận về việc lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT trên tàu cá không chỉ là thực hiện đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và chống khai thác IUU, mà còn trở thành thiết bị quan trọng luôn đồng hành với ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi xa. Không những xác định được vị trí khai thác hải sản, cảnh báo phòng tránh vi phạm, thiết bị GSHT còn là cầu nối thông tin của ngư dân trên những chuyến vươn khơi. Thiết bị GSHT được lắp đặt và đưa vào sử dụng trên tàu cá đang phát huy hiệu quả, giúp các lực lượng chức năng quản lý tốt các tàu cá khi hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Ngư dân Phạm Văn Hòa, chủ tàu cá TH-90195-TS, công suất 370 CV, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), thường xuyên khai thác tại ngư trường Bạch Long Vĩ đến vùng biển Quảng Trị, cho biết: Việc lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá giúp ngư dân chúng tôi biết vị trí, vùng biển mình đang khai thác hải sản. Ngoài ra, thiết bị GSHT còn thường xuyên nhắn để ngư dân biết về tình hình thời tiết trên các vùng biển, cũng như được hướng dẫn di chuyển đến vùng an toàn, để ngư dân chủ động hơn trong việc ứng phó với thời tiết trong quá trình đi khai thác. Với những tính năng nghe gọi, nhắn tin và công nghệ vệ tinh của thiết bị GSHT, ngư dân có thể liên lạc hai chiều từ tàu về đất liền dù ở ngoài khơi xa, các cơ quan quản lý và người nhà cập nhật thường xuyên tình trạng các thuyền viên trên tàu. Điều quan trọng nhất là khi tàu cá vượt quá ranh giới sang vùng biển nước ngoài là thiết bị GSHT cảnh báo để ngư dân kịp thời quay lại lãnh hải của Việt Nam.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Trước đây, việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn, vì khó xác định được lịch trình khai thác của ngư dân trên các ngư trường. Từ khi hoàn thành lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá từ 15m trở lên, công tác truy xuất nguồn gốc hải sản rất thuận lợi và nhanh chóng. Bởi thiết bị GSHT lắp đặt trên tàu cá rất tiện ích ở đất liền chỉ cần kết nối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá là biết được lịch trình khai thác và vị trí của phương tiện trên biển. Khi gặp thời tiết mưa, bão trên hệ thống GSHT báo cho ngư dân biết được diễn biến của thời tiết để chủ động phòng tránh.

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đã lắp đặt thiết bị GSHT cho 1.123/1.131 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt tỷ lệ 99,3%. Trong đó, có 1.035/1.044 tàu cá chiều dài từ 15m đến dưới 24m đạt tỷ lệ 99,1%; tàu cá từ 24m trở lên 87/87 tàu, đạt tỷ lệ 100%. Tất cả các tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VN-Fishbase). Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Với việc hoàn thành lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ở các địa phương ven biển của tỉnh giúp cho các lực lượng có liên quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các phương tiện cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác IUU. Từ hệ thống giám sát tại trung tâm, thông qua các thiết bị GSHT tàu cá, các lực lượng trong tỉnh đã phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn nhiều trường hợp có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, thông qua thiết bị GSHT, chúng tôi đã xây dựng các bản tin dự báo ngư trường để giúp ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả cao hơn. Để phát huy hiệu quả của thiết bị GSHT trên tàu cá và duy trì kết nối thường xuyên, chi cục phối hợp với các lực lượng biên phòng tuyến biển, địa phương phổ biến cho ngư dân những quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá; hướng dẫn sử dụng các tần số liên lạc trong những trường hợp cấp bách với tần số liên lạc của đồn biên phòng, các tần số gọi cấp cứu hàng hải của Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trong việc sử dụng hệ thống giám sát tàu cá cho việc kiểm tra xuất, nhập bến, truy xuất nguồn gốc hải sản. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan thiết bị GSHT trang bị trên tàu cá để đủ sức răn đe. Ban quản lý các cảng cá, lực lượng bộ đội biên phòng kiên quyết không cho ra khơi đối với các trường hợp tàu cá không có tín hiệu GSHT trên hệ thống, thiết bị không có niêm phong kẹp chì hoặc bị hỏng.

Mặc dù, thiết bị GSHT được hỗ trợ cho ngư dân lắp đặt trên tàu cá đã và đang phát huy hiệu quả góp phần tích cực trong công tác chống khai thác IUU, tuy nhiên, sau thời gian đưa vào sử dụng, nhiều thiết bị xuất hiện hư hỏng, trục trặc, gây ra nhiều bất cập cần các ngành có liên quan, đơn vị cung cấp thiết bị vào cuộc tháo gỡ để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Bài 2: Nhiều bất cập nảy sinh cần tháo gỡ.

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]