Kho Mường thức giấc giữa đại ngàn
Những năm gần đây, Kho Mường đang dần trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, nhờ vẻ đẹp hoang sơ, văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái và sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Video: Cảnh đẹp Kho Mường.
Nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) từng là một bản làng hẻo lánh, tách biệt với thế giới bên ngoài. Con đường dẫn vào Kho Mường uốn lượn giữa những triền núi và ruộng bậc thang xanh rì.
Càng tiến sâu, du khách càng ngỡ ngàng trước khung cảnh như tranh thủy mặc – những nếp nhà sàn nằm nép mình dưới chân núi.
Những thửa ruộng trải dài uốn lượn theo khe suối, tiếng suối róc rách vang vọng qua hang Dơi – điểm du lịch tự nhiên độc đáo, nổi tiếng của bản.
Anh Dương Mạnh Hà (đội mũ), hướng dẫn viên du lịch tiếng Pháp, chia sẻ: “Kho Mường đẹp một cách tĩnh lặng và chân thật. Tôi từng đi nhiều nơi của Việt Nam, nhưng về đây tôi thấy thật bình yên, người dân rất thân thiện, cảnh quan vẫn giữ được nét hoang sơ. Tôi ấn tượng nhất là bữa tối với các món ăn dân tộc do chính người bản địa nấu.”
Hiện nay, Kho Mường có khoảng 6 hộ dân làm du lịch cộng đồng theo mô hình homestay.
Khách đến đây không chỉ để ngắm cảnh mà còn được trải nghiệm cuộc sống của người Thái: ngủ nhà sàn, ăn cơm lam, cá suối nướng, tham gia dệt thổ cẩm, làm nương hay tắm suối.
Hang Dơi là điểm đến lý tưởng khi tới với Kho Mường, dành cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên hoang sơ và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Ông Lò Văn Nam (áo xanh, 58 tuổi), một người dân bản đang làm du lịch chia sẻ: “Lúc đầu cũng lo lắm vì không biết có ai đến không, nhưng nhờ xã và huyện hỗ trợ đào tạo kỹ năng, học tiếng Anh cơ bản, giờ khách đến đều đặn. Có hôm cả nhà phải nhờ bà con hàng xóm sang giúp nấu nướng, đón tiếp. Khách Tây rất thích học cách dệt vải, đi bộ vào hang Dơi, hoặc ngồi sưởi bếp lửa ban đêm nghe kể chuyện bản xưa.”
Tuy nhiên, du lịch phát triển cũng mang đến không ít thách thức. “Đường vào bản vẫn còn nhỏ hẹp chỉ đi được xe máy, mùa mưa hay trơn trượt, nguy hiểm. Một số hộ dân chưa có điều kiện cải tạo nhà cửa để đón khách,” ông Nam nói thêm.
Ông Hà Văn Thào, Trưởng bản Kho Mường, cho biết: “Bản hơn 60 hộ dân, trước đây bà con chủ yếu sống bằng trồng lúa, làm nương, thu nhập bấp bênh. Từ khi làm du lịch, đời sống khá lên rõ rệt. Trẻ con được học hành đầy đủ hơn, thanh niên ít bỏ bản đi làm xa như trước.”
Chính quyền xã Thành Sơn và huyện Bá Thước đã có nhiều chương trình hỗ trợ như tập huấn du lịch cộng đồng, quảng bá hình ảnh Kho Mường qua các hội chợ du lịch, kêu gọi đầu tư nâng cấp hạ tầng. Huyện cũng đang xây dựng kế hoạch kết nối Kho Mường với các điểm du lịch khác trong vùng lõi Pù Luông như bản Đôn, thác Hiêu... để hình thành tuyến du lịch khép kín.
Du lịch ở Kho Mường đang ở giai đoạn đầu, nhưng nếu được định hướng tốt, đây sẽ là hình mẫu du lịch cộng đồng xanh – sạch – bền vững. Những giá trị văn hóa bản địa vẫn được bảo tồn, thiên nhiên không bị xâm phạm, và người dân trở thành chủ thể trong quá trình phát triển.
Trưởng bản Hà Văn Thào, khẳng định: “Chúng tôi không muốn đánh đổi cảnh quan và văn hóa chỉ để lấy lợi ích ngắn hạn. Mỗi cây, mỗi suối, mỗi lễ hội trong bản đều là thứ quý giá mà chúng tôi muốn giữ gìn cho con cháu, cũng như để khách đến Kho Mường cảm nhận được bản sắc thật sự của núi rừng xứ Thanh.”
Từ bản làng nghèo, Kho Mường đang từng bước “lột xác” nhờ du lịch – nhưng là một sự chuyển mình nhẹ nhàng, giữ vững cốt cách, đầy hy vọng cho tương lai.
Hoàng Đông
{name} - {time}
-
2025-05-20 09:35:00
Kiệt tác giữa đại ngàn Pù Luông
-
2025-05-19 08:05:00
Chèo bè suối Chàm: Trải nghiệm bình yên ở Chiềng Lau
-
2025-05-18 11:10:00
Pù Luông: Mùa vàng đang gọi
Nơi thời gian lắng lại
Đặc sắc Tết năm cùng của đồng bào dân tộc Dao xứ Thanh
Ban Công khởi sắc từ nông thôn mới
Chăm lo Tết cho đồng bào dân tộc Mông
Lên vùng cao Quan Sơn xem người Mông thi giã bánh giầy đón tết
Trà Quýt Hoi - đặc sản bản địa từ núi rừng Pù Luông
Đi cấy trên nương miền biên viễn xứ Thanh