(Baothanhhoa.vn) - Nhắc về con tàu là gợi nhớ về những chuyến đi. Mỗi người có những chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc, mang theo dấu ấn cá nhân mình. Những chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã hằn in bao ký ức, hoài niệm đẹp đẽ, thiêng liêng trong trái tim của cả người đến và người đón tiếp.

Khi ký ức cất lời

Nhắc về con tàu là gợi nhớ về những chuyến đi. Mỗi người có những chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc, mang theo dấu ấn cá nhân mình. Những chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã hằn in bao ký ức, hoài niệm đẹp đẽ, thiêng liêng trong trái tim của cả người đến và người đón tiếp.

Khi ký ức cất lờiĐược biểu diễn trò Tú Huần trước sự chứng kiến của đông đảo Nhân dân, trong đó có cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc là niềm vinh dự lớn lao trong cuộc đời ông Vũ Đức Vận (làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa).

Miền Nam là thành đồng của Tổ quốc, muôn năm!

Chiều dần buông trên vùng đất biển! Hai người “bạn già” Nguyễn Thị Nhũ (85 tuổi) và bà Phạm Thị Thiệu (85 tuổi), phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn ngồi bên nhau hồi tưởng lại ký ức về những ngày cùng Nhân dân Sầm Sơn đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Bà Nguyễn Thị Nhũ bộc bạch: “Từ thời điểm nhận được thông báo cho đến ngày tổ chức đón tiếp, chúng tôi ai cũng háo hức, ngóng trông, chốc chốc lại hỏi người phụ trách đội: Bao giờ thì đồng bào, thiếu nhi miền Nam đến? Mặc dù lúc ấy chúng tôi chỉ là những đứa trẻ 14, 15 tuổi nhưng cảm nhận rất rõ sự gắn kết thiêng liêng của nghĩa tình đồng bào, một tình cảm trong sáng, vô tư. Vì vậy mà thấy vui sướng, tự hào lắm”.

Ngày “con tàu há mồm” đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam cập bến tại cảng Hới, Sầm Sơn, bà Nhũ, bà Thiệu đứng trong đội hình các em thiếu niên, xếp ngay ngắn hai hàng dọc lối đi, đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hoan nghênh cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc! Miền Nam là thành đồng của Tổ quốc, muôn năm!”. Sự xúc động khiến đôi mắt bà Nhũ, bà Thiệu rưng rưng, giọng nghèn nghẹn.

Là một trong những thiếu niên của làng Vĩnh Trị (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) tham gia biểu diễn văn nghệ đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết tại Sầm Sơn, ông Vũ Đức Vận ngỡ như những ký ức ấy chỉ mới vừa diễn ra. Ông Vận kể: “Thời điểm đó, làng Vĩnh Trị đã nhanh chóng tập hợp, lựa chọn thiếu niên nam, nữ để tập luyện trò diễn Tú Huần. Đây là nét đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian của làng Vĩnh Trị, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Khi nhận thông báo, cả đội sẽ được biểu diễn trò Tú Huần trong dịp đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc ở Sầm Sơn, chúng tôi hãnh diện, tập luyện hăng say, nghiêm túc suốt nửa tháng”.

Ngày xuống Sầm Sơn biểu diễn, cả đoàn đi bộ. Đường sá đi lại cũng khó khăn mà không thấy ai kêu than gì. Đoàn vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Cái vui, háo hức nó lấn át cái mệt, cái mỏi. Ông Vận nhớ lại: “Xuống đến nơi là khoảng 5 - 6 giờ chiều, không khí trên bến rất đông vui, rộn ràng; cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam được bà con Nhân dân Sầm Sơn đón tiếp thịnh tình, chu đáo. Đoàn hăng hái biểu diễn trong sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người”. Đến nay, khi đã hơn 80 tuổi, ông Vận vẫn say mê biểu diễn Tú Huần và truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng. Với ông, lần biểu diễn Tú Huần trước sự chứng kiến của hàng nghìn người, trong đó có cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam là niềm vinh dự lớn lao, kỷ niệm khó quên trong đời.

Ân tình đất và người Sầm Sơn trong trái tim đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

Đoàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam lưu lại Sầm Sơn một thời gian sau đó tỏa đi các địa phương khác. Chính khoảng thời gian sống yêu thương, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc, đáng trân trọng trong trái tim cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam. Để sau 70 năm, những dòng hồi ức, kỷ niệm vẫn đong đầy niềm thương, nỗi nhớ, lòng biết ơn.

Khi ký ức cất lờiBà Nguyễn Thị Nhũ (85 tuổi) và bà Phạm Thị Thiệu (85 tuổi), phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) hồi tưởng chuyện tham gia đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

9 tuổi, ông Diệp Văn Sơn, Phó Trưởng ban Kiêm Tổng Thư ký Ban Liên lạc học sinh miền Nam TP Hồ Chí Minh đã lênh đênh trên biển theo chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Ông Diệp Văn Sơn kể về những ngày tháng cùng một số học sinh miền Nam khác sống trong gia đình của cặp vợ chồng đã có 3 đứa con ở xã Quảng Tiến, Quảng Xương (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn): “... Chúng tôi trưa chiều lên bếp dã chiến đem cơm về ăn, nhìn mấy đứa nhỏ chắc lâu ngày chưa được ăn cơm thấy mà thương! Bọn tôi bàn nhau mỗi ngày để ra 3 chén cho mấy bé. Nhìn chúng ăn ngấu nghiến, càng thương. Được mấy ngày, anh chồng nói với chúng tôi, các em xa cha mẹ ra đây được Bác Hồ, Đảng nuôi dạy không thể để sứt mẻ tiêu chuẩn, dù chỉ một chén cơm”. Anh gọi đứa lớn nói, con là anh cả, không nhớ lời cha mẹ, không làm gương cho mấy em, không được phép cầm gì của ai khi bố mẹ chưa cho phép, đói cho sạch, rách cho thơm”, anh còn nói nhiều nữa. Sau này khi trưởng thành với trải nghiệm bản thân, chiêm nghiệm ra rằng: Một dân tộc với những bậc cha mẹ dạy con như vậy mới đủ để đọ sức và chiến thắng Pháp - Mỹ”.

Ở Thanh Hóa vỏn vẹn chỉ 3 tháng, sau đấy ông Sơn chuyển về Hưng Yên nhưng tất cả những gì diễn ra ở đây đã để lại trong ông “đầy ắp một trời kỷ niệm”, đúng như 2 câu thơ của Giang Nam từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Ông Sơn trải lòng: “70 năm qua, tôi mang những kỷ niệm về những ngày đầu trên đất Bắc, trên đất Thanh Hóa, nơi thay mặt các địa phương đón tiếp những con em miền Nam tập kết, trên cuộc hành trình của một kiếp người nhiều gian khó nhưng lắm tự hào”.

Không chỉ có ông Diệp Văn Sơn, nhiều tham luận khi gửi tới Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức đã chia sẻ hồi ức, kỷ niệm cùng tình cảm yêu mến, lòng biết ơn sâu sắc trước tầm nhìn chiến lược, chủ trương rất nhân văn của Đảng, Bác Hồ, trước sự đùm bọc, chở che, chăm sóc của Nhân dân Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng trong những ngày đầu tiên đồng bào miền Nam đặt chân lên đất Bắc.

Trong bài viết “Lưu giữ ký ức những ngày đầu tập kết ở Thanh Hóa”, TS Nguyễn Thị Hậu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh chia sẻ kỷ niệm của gia đình mình với đất và người Sầm Sơn. Đây là những tâm sự mà cha của TS Nguyễn Thị Hậu đã lưu lại trong hồi ký: “Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên biển. Đồng bào đông đảo nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi đau quặn vì thấy bà con ăn bữa cháo, bữa rau, nhưng vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy, thịt đủ”. Hay những câu chuyện nhỏ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày khi tập kết tại Sầm Sơn vẫn luôn được mẹ của TS Nguyễn Thị Hậu kể cho con cháu nghe. Nghĩa tình Bắc - Nam càng thêm nồng ấm qua những chia sẻ thân tình: “Cùng chuyến đi với má tôi có nhiều cô đang mang thai, rồi sinh con trên đất Thanh Hóa. Tôi có vài người bạn là những đứa trẻ như vậy và họ thường nhận đồng hương với “người Thanh Hóa”. Ngoài ra còn có những anh bộ đội, cán bộ trẻ tập kết, trong thời gian ở Thanh Hóa đã kịp lấy vợ. Sau khi thống nhất đất nước lần đầu đưa vợ về quê nhưng được cả gia đình chồng thương yêu vì sự đảm đang và chân tình”.

Hồi ức, kỷ niệm về nghĩa tình Bắc - Nam trong những ngày đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sẽ tiếp tục được nhắc nhớ cho hôm nay và mai sau. Để mỗi người con đất Việt hiểu hơn về tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa, sức mạnh lớn lao như thế nào. Nghĩa tình ấy chính là nguồn nuôi dưỡng, động lực thôi thúc những “hạt giống đỏ” không ngừng nỗ lực, cố gắng, rèn luyện, học tập tốt để cống hiến, đóng góp sức mình cho cách mạng miền Nam, cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đó cũng là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước ta tiến đến những đỉnh cao mới của thời đại n

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]