Khai quốc công thần Lê Khả Lãng
Là 1 trong số 35 vị công thần do chính tay Lê Thái Tổ “ngự danh” và phong tước, Lê Khả Lãng (Lê Lãng) chính là Thành hoàng làng, là niềm tự hào của người dân làng Hương Nhượng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân).
Thái phó Từ quận công Lê Khả Lãng được Nhân dân làng Hương Nhượng tôn làm Thành hoàng làng. Ảnh: CHI ANH
Theo GS Phan Huy Lê, “Lê Lợi - Lam Sơn, tên người và tên đất đó như quyện chặt với nhau và từ lâu đã đi vào lịch sử, đi vào lòng người như một biểu tượng anh hùng của xứ Thanh và của cả đất nước, cả dân tộc ta”.
Trong hành trình 10 năm “nếm mật, nằm gai”, bên cạnh Bình Định vương Lê Lợi là các tướng lĩnh từ dân tộc Kinh đến dân tộc ít người, từ nơi miền núi rừng sông Mã, sông Chu, đến miền đồng bằng, cùng tập hợp dưới lá cờ khởi nghĩa.
Ở nơi hữu ngạn sông Chu, Thọ Hải vốn là vùng đồng bằng, không có núi, không có đồi, đất đai màu mỡ, lại có vị thế thuận lợi, đời sống người dân không quá khó khăn. Đây là quê hương của vị Khai quốc công thần đầu thế kỷ XV Lê Văn Linh và nơi thờ tự Khai quốc công thần Lê Khả Lãng. Quanh Thọ Hải, trong phạm vi khoảng trên dưới 10km2 các làng dọc hai bờ sông Chu cũng là nơi sinh ra nhiều vị Khai quốc công thần, tướng lĩnh gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như Lê Nhữ Lãm (Xuân Lập), Lê Văn An, Vũ Uy (người ở Mục Sơn, nay là xã Xuân Bái); Lê Ngân (người xã Đàm Di thuộc Lam Sơn, nay là xã Xuân Thiên)...
Những công thần này không chỉ giữ các vị trí quan trọng, có cống hiến to lớn trong bảo vệ cũng như trong xây dựng đất nước, mà uy tín của họ còn tác động sâu sắc đến mảnh đất quê nhà, với sự thăng trầm của lịch sử, góp phần bảo vệ và xây dựng quốc gia Đại Việt.
Thần phả của làng Hương Nhượng, xã Thọ Hải chép về vị phúc thần thành hoàng làng là Thái úy Từ quốc công Lê Khả Lãng. Vốn quê ở thôn Dao Xá, hương Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hóa, ông từng theo nhà Trần dấy quân đánh đuổi giặc Minh. Song, sự nghiệp của nhà Trần không thành, ông trở về quê nhà.
Lê Khả Lãng có 5 người con trai, đều có công bình Ngô mở nước. Trong đó có 2 người ở bậc thượng chí tước công, được bao phong Đại vương. Sử cũ ghi lại, năm 1418, Lê Khả Lãng cùng với 2 người con trai lớn là Lê Đình Ngang (Lê Ngang) và Lê Liệt tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh dưới trướng của Bình Định vương Lê Lợi. Trải qua những năm tháng “nếm mật, nằm gai”, Lê Khả Lãng được sự tin tưởng của Lê Lợi, ông đã chứng tỏ vai trò và năng lực của mình để từ đó liên tục được ban thưởng, phong tước.
Ngày 15/4/1428, khi đất nước đã sạch bóng quân xâm lược, thuận theo ý trời, hợp với lòng người, Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Lê Khả Lãng được xét công ban thưởng và được phong Thái bảo, tước Từ quận công, giữ chức đồng tổng quản Thương Nam sách, phong tặng Thái phó Từ quận công.
Năm 1429 ông được thăng tước Hầu. Lê Khả Lãng mất ngày 25/1 năm Nhâm Tuất (1442), được phong thần và được thờ ở nhiều nơi. Ngoài Từ đường thôn Trung Hòa, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), Lê Khả Lãng được thờ chính tại đình làng Hương Nhượng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân). Năm 1484, vua Lê Thánh Tông truy phong ông là Thái phó Từ quốc công và Kiểm hiệu nhập thị kinh diên, Binh bộ thượng thư - Đô úy Thái sư tả Thánh văn vương.
So với nhiều vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê thì tài liệu về tướng quân Lê Khả Lãng còn rất ít ỏi. Những thông tin chủ yếu nằm ở Thần phả của làng Hương Nhượng cùng 2 sắc phong hiện đang được giữ tại từ đường thôn Trung Hòa.
Về Hương Nhượng, làng cổ nằm bên hữu ngạn sông Chu, một đầu mối giao thông quan trọng trong những năm Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Tự hào giới thiệu với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Thành, phó trưởng ban quản lý di tích, cho biết: "Đình Hương Nhượng là nơi tôn vinh, thờ tự Khai quốc công thần triều Lê - Thái phó Từ quốc công Lê Khả Lãng. Đây là công trình điêu khắc gỗ triều Nguyễn được dựng lại vào thế kỷ XIX. Ban đầu đình làm bằng tranh tre ở ngay ven sông Chu, về sau dân làng dời đình vào giữa làng, xây dựng trên một khu đất rộng cao và bằng phẳng".
Khuôn viên ngôi đình rộng lớn. Với kiến trúc hình chữ đinh, đình được dựng bằng gỗ lim, chia làm tiền đường và hậu cung. Ngắm nhìn những đường nét trang trí và chạm khắc tứ linh, tứ quý xen lẫn vân mây, hoa lá... mới thấy được tài nghệ của những người thợ mộc xưa cũng như những tâm tư, tình cảm mà Nhân dân trong làng gửi gắm.
Ngôi đình hiện tại dù mới chỉ có tuổi đời hơn 100 năm, nhưng đối với người làng Hương Nhượng từ thế hệ này qua thế hệ khác đều rất tự hào về làng mình, về Thái phó Từ quận công Lê Khả Lãng.
“Ghi nhớ công ơn của vị khai quốc công thần, theo kế hoạch, trong thời gian tới, đình làng sẽ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trùng tu, tôn tạo”, ông Nguyễn Trung Thành, phó trưởng ban quản lý di tích cho biết thêm.
CHI ANH
{name} - {time}
-
2025-03-29 22:49:00
Hòa cùng Lễ hội Cầu Ngư
-
2025-03-24 16:09:00
Chủ nhân vườn cây cảnh bạc tỷ ở Triệu Sơn
-
2025-03-14 14:09:00
Về với Lễ hội Phủ Suối