(Baothanhhoa.vn) - Sau 60 năm, Hàm Rồng “pháo đài bất tử" đã cùng Nhân dân Thanh Hóa mang theo dấu ấn lịch sử hào hùng bước vào xây dựng cuộc sống mới...

“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 3): Luôn có một niềm tin

Sau 60 năm, Hàm Rồng “pháo đài bất tử" đã cùng Nhân dân Thanh Hóa mang theo dấu ấn lịch sử hào hùng bước vào xây dựng cuộc sống mới...

“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 3): Luôn có một niềm tin

Bức ảnh chụp với Bác Hồ là “báu vật” của ông Lê Xuân Thanh. Ảnh: C.A

Vì một niềm tin Quyết Thắng

Ông Hoàng Xuân Cành, cựu dân quân, nguyên Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn sinh ra và lớn lên ở làng Nam Ngạn. 80 tuổi, ông rành rẽ từng câu chuyện, từng gương mặt. Ông kể: “Lúc đó, Khu đội dân quân Nam Ngạn gồm trung đội dân quân nam và trung đội dân quân nữ, người nhiều tuổi nhất là 30, ít nhất là 17. Chúng tôi chiến đấu với tinh thần chỉ chờ máy bay đến là bắn”.

Là người trực tiếp huấn luyện cho anh em về cách bắn máy bay tầm thấp, ông Cành khẳng định: "Nam Ngạn là địa phương có tổ chức chặt chẽ, từ đại đội trực chiến, tiếp lương, tải đạn, sản xuất,... với tư thế sẵn sàng đối đầu với kẻ thù dù chỉ được trang bị vũ khí thô sơ. Cả làng Nam Ngạn gồm 4 xóm: Toàn - Dân - Kháng - Chiến đều ra trận đánh giặc. Xóm nào cũng có các bà, các mẹ, có cả trẻ em tham gia. Người không trực tiếp cầm súng bắn máy bay thì làm nhiệm vụ cứu thương, tải thương, lo liệu thực phẩm".

Cùng ở Khu đội dân quân Nam Ngạn, nữ dân quân Ngô Thị Chuyền cũng sắp sang tuổi 80. Bà nói về những ngày “Ăn cơm nhà đi đánh giặc”, đặc biệt là ngày 26/5/1965, có 3 người là Ngô Thị Tuyển, Lê Thị Dung và Ngô Thọ Sáu sau này đều được phong anh hùng, trong đó có hai người đã hy sinh. Bà Chuyền nhớ lại: "Có ngày, chúng tôi tham gia chiến đấu tới 13 trận, không về nhà được, các bà mẹ phải gánh cơm ra trận địa, chặt từng quả dừa tiếp lương cho dân quân tự vệ. Trong khi đó, HTX giao cho 6 sào ruộng vẫn phải đảm bảo đủ ngày công". Bà Chuyền còn có người chị gái tên là Ngô Thị Tuyên cũng tham gia dân quân.

Chia sẻ lý do tại sao chiến sự ác liệt thế mà nhà nào cũng có người tham gia chiến đấu, thậm chí có nhà tới 4 người, ông Hoàng Xuân Cành và bà Ngô Thị Chuyền đều nói: “Đối với chúng tôi, hai chữ “Quyết Thắng” vô cùng thiêng liêng. Trên quân kỳ của Quân đội Nhân dân Việt Nam có 2 chữ “Quyết Thắng”. Trên sườn núi Cánh Tiên, quân dân Hàm Rồng vừa chiến đấu vừa góp nhặt từng viên đá cũng để dựng xây hai chữ này. Tinh thần ấy in sâu trong chúng tôi, để vững tin hơn đến ngày thắng lợi".

Tinh thần “Quyết Thắng” đã thắp lên ngọn lửa căm thù địch, nuôi hy vọng vào ngày mai tươi sáng, để đến nay, sau 60 năm, những người lính Hàm Rồng năm xưa mãi luôn là hình ảnh đẹp, tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc.

Quyết chiến để bắn được máy bay thứ 100

Nhân kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, vợ chồng ông bà Lê Xuân Thanh và Lương Thị Đan ở thôn 4, xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) có dịp đi thuyền trên sông Mã, ngắm nhìn lại không gian xưa, nơi ông gắn bó và chiến đấu trong gần 9 năm tuổi xuân.

“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 3): Luôn có một niềm tin

Nguyên Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn Hoàng Xuân Cành tham quan Nhà truyền thống lịch sử phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa). Ảnh: C.A

Khi quay lại những địa điểm cũ, chỗ nào ông cũng rành rẽ. Đến Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, ông nói: "Đây là Sở chỉ huy của Đại đội 4, dưới là trận địa 54 và kia là đồi 3 cây thông, đồi Yên Ngựa, đồi Không Tên,... làm sao có thể quên được".

Ngày 2/9/1965, ông Lê Xuân Thanh cùng 8 người trong xã Xuân Quang (nay là xã Xuân Sinh) nhập ngũ vào Đại đội 4, Trung đoàn Pháo phòng không 228. Từ khẩu đội trưởng C4 rồi làm Trung đội trưởng C4; Đại đội phó Đại đội 4, Đại đội trưởng C16,... trận chiến nào ông cũng kiên cường, dũng cảm. Nhiều hành động chiến đấu của ông mang tính tiêu biểu, có sức lan tỏa trong đơn vị và toàn quân. Chính vì thế, ông đã được kết nạp Đảng ngay trên trận địa. Ông đã được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Chiến sĩ Quyết Thắng toàn quân năm 1968...

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là ông được đại diện cho bộ đội Hàm Rồng, cùng 15 chiến sĩ, dũng sĩ diệt Mỹ của cả 2 miền Nam - Bắc ra Hà Nội gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Gần 60 năm qua, ông Lê Xuân Thanh vẫn nhớ từng câu, từng chữ khi báo cáo với Bác về tinh thần quả cảm của quân và dân Hàm Rồng: “Thưa Bác, cháu là Lê Xuân Thanh, quê ở Thọ Xuân, năm nay 22 tuổi. Cháu là chiến sĩ bảo vệ cầu Hàm Rồng, từ năm 1965 đến nay cầu Hàm Rồng vẫn nguyên vẹn. Quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 99 máy bay”. Bác đang ngồi, bỗng bật dậy, giơ tay. Bác nói: “Cháu về nói với quân dân Hàm Rồng, bắn rơi 100 chiếc, Bác sẽ vào thăm và có quà”.

Trở về đơn vị, ông đã truyền đạt lời căn dặn và mong muốn của Bác đến toàn quân, dân. Ngay sau đó, tinh thần: “Hàm Rồng quyết tâm bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100 để đón Bác Hồ vào thăm” đã trở thành khẩu hiệu hành động của toàn mặt trận.

Thực hiện mong muốn, căn dặn của Bác, đến ngày 26/12/1971, quân, dân Hàm Rồng - Thanh Hóa đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của không quân Mỹ. Nhưng tiếc rằng, Bác Hồ đã mãi mãi ra đi từ hơn 2 năm trước, ngày mùng 2/9/1969.

Viết tiếp bản hùng ca Hàm Rồng

Từ chiến trường khốc liệt, hứng chịu hàng tấn bom đạn, Hàm Rồng – Nam Ngạn hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành khu vực phát triển năng động của Thanh Hóa. Mảnh đất kiên trung năm xưa khoác lên diện mạo mới, chuyển mình thành những đô thị sầm uất, điểm đến văn hóa, lịch sử và du lịch hấp dẫn. 6 thập kỷ đã đi qua, hào khí của chiến thắng Hàm Rồng mãi vang vọng, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, động viên, cổ vũ quân và dân Thanh Hóa tiếp tục tiến lên phía trước, giành được nhiều thành tích, chiến công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 3): Luôn có một niềm tin

Ảnh: Chi Anh

Tại buổi Lễ kỷ niệm “60 năm Hàm Rồng chiến thắng”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh khẳng định: “60 năm đã đi qua nhưng sự kiện “Hàm Rồng chiến thắng” mãi là bản anh hùng ca bất tử, để lại những bài học quý giá, có ý nghĩa sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng trong nhận định tình hình, tổ chức chiến đấu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia chiến đấu. Đó là bài học về đường lối chiến tranh Nhân dân, về nghệ thuật tổ chức chiến đấu và sử dụng lực lượng tác chiến linh hoạt, đặc biệt là trong tổ chức thế trận phòng không Nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp, dày đặc, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ vững chắc mục tiêu chiến lược. Đó là bài học về lòng yêu nước nồng nàn - của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước; của sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; của lòng trung thành tuyệt đối và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân cả nước nói chung, quân và dân Thanh Hóa nói riêng”.

Kế thừa truyền thống hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa quyết tâm xây dựng tỉnh nhà trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giữ vai trò then chốt, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây cũng là năm đánh dấu thời điểm đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình trở thành quốc gia phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng".

Thời gian lùi xa nhưng những chiến công của quân và dân Thanh Hóa cách đây 60 năm mãi luôn là “ngọn đuốc” soi đường, “tiếp lửa” và ngày càng tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]