“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 2): Những mối tình nơi tuyến lửa
Trong những ngày chiến đấu căng thẳng ấy, tứ bề là bom rơi, đạn nổ, ranh giới mong manh giữa sống và chết càng khiến họ biết trân trọng những cảm xúc, những phút giây hiếm có...
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Đông và cô dân quân Vũ Thị Phương. Ảnh: C.A
Trở về và thực hiện lời hứa
Từ Trung đoàn 224, F367 Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô, đầu tháng 2/1967, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Đông, người Chương Mỹ (Hà Nội) được bổ sung vào Đại đội 4, Trung đoàn Pháo phòng không 228 bảo vệ Hàm Rồng.
Hàm Rồng những ngày đỏ lửa. Mỹ đánh phá Hàm Rồng ác liệt. Năm 1972, chúng sử dụng máy bay B52 ném bom, trận địa pháo trên đồi C4 là mục tiêu quan trọng mà chúng muốn tiêu diệt. Khi ấy, chỉ có những đơn vị kết nghĩa mới được lên để hỗ trợ bộ đội đào công sự và đào hào. Chính những buổi lao động vất vả đó, ông Nguyễn Đình Đông và bà Vũ Thị Phương quen nhau. Ông Đông kể: “Khi ấy, Phương là công nhân Nhà máy Phân lân Hàm Rồng, đơn vị kết nghĩa với Đại đội C4 và là thành viên đại đội tự vệ của nhà máy. Ngoài việc sản xuất, còn có nhiệm vụ cứu binh, tải thương; đào hào công sự; hỗ trợ, thay thế pháo thủ...".
Ông nhận ra tình cảm của mình hơn khi được tin bà Phương bị thương ở bến phà 2 Hàm Rồng. “Phương đẹp và dũng cảm, nhưng đã bị bom đạn giặc cướp đi một cánh tay, khiến tôi rất đau xót. Thương lắm, nhưng bộ đội đánh nhau sao bỏ đi được. Thỉnh thoảng, có cân đường theo chế độ bồi dưỡng ra đa, rồi có nải chuối cũng cất dành gửi Phương. Thương nhất là Phương phải cưa đi cưa lại tay tới 3 lần. Từ thương đến yêu lúc nào không biết”, ông Đông nhớ lại.
“Gia đình tôi khi ấy ngăn cản gay gắt, bản thân tôi thì tránh né, tự ti. Phụ nữ mà bị cụt tay thì nào dám nghĩ đến lấy chồng và ai lấy mình?. Mối lương duyên của tôi là do các chị dân quân, các mẹ ở làng Đông Sơn gắn kết”, bà Phương kể.
Trước khi đi vào chi viện cho chiến trường miền Nam, ông Đông ngỏ lời muốn kết duyên với bà, dù chưa biết sống chết thế nào nhưng ông vẫn một lời hứa: "Nếu còn sống thì anh sẽ về cưới em”.
Lời hẹn của người lính còn chắc chắn hơn cả đôi tay cầm khẩu súng trường. Năm 1977, ông xin nghỉ phép để về cưới vợ. Lúc bấy giờ, đám cưới của anh bộ đội Nguyễn Đình Đông và cô dân quân Vũ Thị Phương đã được tổ chức tại Nhà máy Phân lân Hàm Rồng. Sau 48 năm kết hôn, họ đã có với nhau 4 người con. Cuộc sống có những lúc khó khăn vất vả, nhưng rồi quan trọng hơn là chàng trai Hà Nội đã gắn bó, coi mảnh đất Hàm Rồng là quê hương thứ 2 của mình.
Yêu nhau trong những đêm sáng rực trời
Làng Nam Ngạn thời ấy, so với làng Đông Sơn, Yên Vực,... ít bị trúng bom đạn giặc. Vì làng nằm bên bờ Nam sông Mã, về phía hạ nguồn cách cầu Hàm Rồng 1km, không phải hướng ném bom và thoát thân của máy bay Mỹ. Đứng ở làng Nam Ngạn, có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn từ bờ Bắc sang bờ Nam cầu Hàm Rồng. Mỗi khi giặc Mỹ ném bom cầu Hàm Rồng, người làng Nam Ngạn quan sát rất rõ diễn biến từng trận đánh, biết chỗ nào có người bị trúng bom, có thương vong để điều động dân quân tiếp viện. Vì thế, phong trào cả làng ra trận ở Nam Ngạn cũng được phát huy sớm nhất, trở thành hậu phương trực tiếp của các trận địa cao xạ bên bờ Nam cầu Hàm Rồng.
Trong thời khắc ấy, ông Vũ Tiến Thịnh (1949) quê xã Hà Hải (Hà Trung) đã gặp cô dân quân Ngô Thị Nguyễn (làng Nam Ngạn). Ở vào tuổi đẹp nhất, chàng pháo binh đã mến thương cô gái dân quân.
Là nữ dân quân, bà Nguyễn khi không có chiến sự là học cách thao tác súng, bảo dưỡng súng, ngụy trang pháo, cứu thương, tiếp đạn... Bà có thể thay thế pháo thủ từ số 1 đến số 7.
Hơn 50 năm sống với nhau, vợ chồng cựu chiến binh Vũ Tiến Thịnh và cô dân quân Ngô Thị Nguyễn vẫn kể về những ngày đầu gặp nhau với ánh mắt nụ cười hạnh phúc. Ảnh: C.A
Khi được hỏi “ông bà gặp nhau trong hoàn cảnh nào”, ông Thịnh cười vui vẻ: "Pháo binh ở đâu thì dân quân phục vụ ở đó. Chúng tôi gặp nhau ở trận địa pháo phòng không 100mm, mà đến nay mọi người vẫn nói vui rằng, mối tình nảy nở từ khi “em ra hầm pháo”. Còn bà Nguyễn rơm rớm nước mắt: “Yêu nhau 4 năm, từ năm 1970 đến 1974, khi nước nhà chưa hoàn toàn thống nhất. Ngày cưới, ông ấy đi đón dâu bằng chiếc xe đạp, đèo tôi từ Nam Ngạn về Hà Trung".
Sau khi chiến đấu ở Hàm Rồng, ông Thịnh tiếp tục đi học Phòng không - Không quân ở Sơn Tây. Năm 1977-1988, ông chiến đấu bảo vệ thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ông nói: “Mối tình trong chiến tranh nhiều gian khổ, nói ra là tủi thân. Mãi về sau này, hai vợ chồng mới dành dụm mua được mảnh đất, rồi cũng nhờ có anh em, họ hàng, người cho gạch, cho vôi nên vợ chồng tôi đã xây dựng được 3 gian nhà cấp bốn”.
Hơn 50 năm nên nghĩa vợ chồng, ông bà đã có 3 đứa con và 4 đứa cháu. Đến tổ dân phố Nam Ngạn 2, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) tôi thấy vui lây với tiếng nói, cười của ông bà. Dù đang điều trị ung thư, nhưng ông Thịnh vẫn rất lạc quan: "Chúng tôi đã trải qua những năm tháng chiến tranh, tính ra là sống có lãi rồi. Giờ, chỉ mong mình khỏe để còn chứng kiến thêm nhiều lễ kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng".
Trong 9 năm chiến đấu, quân và dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã lập kỳ tích khi đưa cầu Hàm Rồng trở thành chiếc cầu được bảo vệ vững chắc lâu nhất trong lịch sử chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Hàm Rồng không chỉ là cầu nối giao thông tải lương, tải đạn cho chiến trường miền Nam, chính cây cầu đã kết nối nhiều số phận, nhiều con người lại với nhau. Những mối tình cũng chớm nở, thăng hoa từ nơi này. Ông Nguyễn Đình Đông cho biết: “Tình cảm phát triển trong chiến đấu quý giá hơn tất thảy, vì đó là máu, là xương,... gửi gắm, che chở cho nhau. Và tình yêu nảy nở như những đóa hoa xương rồng đỏ thắm trên cầu Hàm Rồng. Riêng Đại đội 4 của tôi có hơn 10 đồng chí kết hôn với nữ dân quân Hàm Rồng”.
Huyền Chi
{name} - {time}
-
2025-04-21 09:16:00
Kỳ bí hang Dơi
-
2025-04-21 09:12:00
“Ghi điểm” từ hạ tầng giao thông, Khu Kinh tế Nghi Sơn “đón sóng” đầu tư
-
2025-04-21 09:09:00
TS, Bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: Cần phải giải quyết những thách thức về nguồn lực...
Những vọng âm lịch sử...
Ký ức chiến tranh trên màn ảnh rộng...
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 1): Một dải gấm hoa...
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 1): “Pháo đài thép” kiên cường
“Thời tôi sống” - chuyện không chỉ của 50 năm trước
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 3): Để du lịch lễ hội “đẻ trứng vàng”
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 2): Gạn đục, khơi trong