(Baothanhhoa.vn) - Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các vùng quê xứ Thanh khoác lên mình diện mạo mới, rộng lớn hơn, đổi mới hơn. Giữa những thay đổi đó, việc gìn giữ “hồn quê” là một trong những vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm, đồng thời xác định đây là nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giữ “hồn quê” trong diện mạo mới

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các vùng quê xứ Thanh khoác lên mình diện mạo mới, rộng lớn hơn, đổi mới hơn. Giữa những thay đổi đó, việc gìn giữ “hồn quê” là một trong những vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm, đồng thời xác định đây là nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giữ “hồn quê” trong diện mạo mới

Khu dân cư thôn 12, xã Xuân Du với những dấu ấn văn hóa đồng bào dân tộc Mường.

Xã Xuân Du - vùng đất cư ngụ chủ yếu của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ đang từng bước nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa sau sáp nhập. Trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Cán Khê, Phượng Nghi và Xuân Du, xã hiện có 36 thôn. Với trên 30% dân số là đồng bào Mường, những nét đẹp văn hóa truyền thống hiện vẫn được duy trì, gìn giữ ở một số khu dân cư.

Trong số đó, thôn 12 (xã Xuân Du cũ)- nơi có tới 98% đồng bào dân tộc Mường sinh sống là điển hình tiêu biểu. Điều khiến mỗi người khi đến đây đều cảm thấy ấn tượng đó là tường rào được bao bọc bởi cây xanh, đường ngõ thôn luôn được người dân gìn giữ sạch đẹp, góp phần kiến tạo nên không gian sống mang đậm bản sắc văn hóa.

Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn 12 Bùi Văn Dương cho biết: “Khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi thống nhất làm tấm lam trên tường rào của tất cả các hộ dân trong thôn đều chung một mẫu, khắc họa rõ nét hình ảnh hoa văn trống đồng và người Mường đánh trống chiêng, tạo dấu ấn riêng cho khu dân cư. Cùng với đó, đồng bào Mường trong thôn vẫn duy trì nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày. Sáp nhập là cơ hội để những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy tiếp tục được bồi đắp, lan tỏa. Thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn địa phương tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc, lớp trẻ được dạy tiếng Mường, các đội văn nghệ dân gian liên thế hệ ở các khu dân cư thường xuyên giao lưu, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp”.

Một trong những thuận lợi của xã Xuân Du đó là đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư trên địa bàn các xã Cán Khê, Phượng Nghi và Xuân Du (cũ) đều có những nét tương đồng. Mặt khác, các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT), tạo mối liên hệ mật thiết trong cộng đồng từ bao đời nay. Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Xuân Du Bùi Đức Chính cho biết: “Ở mỗi xã cũ trước khi sáp nhập, các hoạt động VHVN, TDTT được tổ chức vào các dịp lễ hội đều có các hoạt động truyền thống như đánh mảng, ném còn, cồng chiêng, múa cây bông. Người dân ở các khu dân cư có sự đoàn kết, hiểu biết phong tục, tập quán của nhau, do vậy sau khi sáp nhập là cơ hội để địa phương mở rộng không gian văn hóa. Trong đó, việc phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Mường tại thôn 12 sẽ là mô hình điểm để địa phương nghiên cứu, hướng tới nhân rộng đến các khu dân cư. Người dân địa phương cũng kỳ vọng các hoạt động văn hóa như: Lễ hội Phủ Na, Lễ hội Sết Boóc Mạy, Lễ hội mừng cơm mới sẽ là sợi dây để gắn kết cộng đồng hơn nữa trong thời gian tới”.

Đến với xã Thiệu Trung - nơi nổi danh với nghề đúc đồng, cảm nhận rõ những nỗ lực gìn giữ tinh hoa văn hóa giữa những đổi thay sau sáp nhập. Trước đây, Thiệu Trung là xã độc lập, sau sáp nhập với các xã Thiệu Vận, Thiệu Lý, Thiệu Viên và một phần của thị trấn Thiệu Hóa, giờ đây đã trở thành một đơn vị hành chính mới, với phạm vi và quy mô dân số lớn hơn. Xây dựng đời sống văn hóa trong diện mạo mới, chính quyền địa phương và người dân đang cố gắng để tiếp tục phát huy giá trị đặc sắc của nghề, lễ hội truyền thống và giá trị văn hóa đặc trưng của các khu dân cư.

Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Thiệu Trung Lê Duy Quang chia sẻ: “Sáp nhập hành chính giúp nguồn lực tập trung hơn, đồng thời cũng đặt ra thách thức trong việc giữ gìn di sản văn hóa truyền thống. Đó không chỉ đơn thuần là giữ gìn các lễ hội hay nghề truyền thống, mà là bảo vệ cả một hệ sinh thái văn hóa. Đối với một số lễ hội như Lễ hội truyền thống xã Thiệu Trung (ngày 10/2 âm lịch), Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu (ngày 23/3 âm lịch) và các hoạt động VHVN, TDTT cũng sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn, chú trọng tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng và lồng ghép trong phát triển kinh tế- xã hội”.

Không chỉ các xã Thiệu Trung, Xuân Du, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực gìn giữ “hồn quê” trong diện mạo mới. Điều đáng mừng là, cùng với chính quyền địa phương, người dân nhận thức rõ vai trò của mình trong hành trình xây dựng đời sống văn hóa sau sáp nhập. Từ những làng nghề truyền thống như Thiệu Trung, đến cộng đồng các dân tộc Thái, Thổ, Mường, Dao, Mông, Khơ Mú ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều mang trong mình những “sứ mệnh” riêng trong hành trình gìn giữ văn hóa trong diện mạo hành chính mới. Tuy nhiên, cần có những chính sách cụ thể để bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống mang tính toàn diện, từ việc quy hoạch lại không gian sinh hoạt văn hóa sau sáp nhập, cho đến việc duy trì lễ hội, làng nghề và cộng đồng dân cư truyền thống.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]