(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm liên tục có học sinh (HS) đạt giải tại kỳ thi Olympic quốc tế; gần 60 HS đạt giải quốc gia các môn văn hóa mỗi năm; tỷ lệ HS thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn đứng tốp đầu, Thanh Hóa đã và đang giữ vững “thương hiệu” trên “bảng vàng” thành tích chung của giáo dục nước nhà, xứng danh “Đất Thanh - đất học”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào “Đất Thanh - đất học”

Nhiều năm liên tục có học sinh (HS) đạt giải tại kỳ thi Olympic quốc tế; gần 60 HS đạt giải quốc gia các môn văn hóa mỗi năm; tỷ lệ HS thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn đứng tốp đầu, Thanh Hóa đã và đang giữ vững “thương hiệu” trên “bảng vàng” thành tích chung của giáo dục nước nhà, xứng danh “Đất Thanh - đất học”.

Tự hào “Đất Thanh - đất học”

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT chuyên Lam Sơn, thầy cô, bạn bè và người thân chúc mừng em Nguyễn Khánh Linh đạt HCV Olympic Vật lý quốc tế năm 2019.

Từ xưa, Thanh Hóa đã nổi tiếng là vùng đất có tinh thần hiếu học, trân trọng đào tạo nhân tài và khuyến khích việc học hành, thi cử. Vì lẽ đó, người Thanh Hóa có quyền tự hào là nơi đã sinh ra nhiều vị đại khoa, nhân tài cho đất nước, như: Trạng nguyên Trịnh Tuệ, Hoàng giáp Nguyễn Văn Nghi, Đốc học Nhữ Bá Sĩ, Tiến sĩ Trần Ân Chiêm, Thám hoa Đỗ Huy Kỳ, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng... Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, mỗi người con xứ Thanh hôm nay luôn nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách thi đua lao động, học tập, rèn luyện, cống hiến hết mình, làm rạng danh quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong những năm qua, bám sát định hướng, chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của Đảng và của tỉnh, ngành giáo dục đã vận dụng sáng tạo, tìm hướng đi đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, chất lượng và hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng lên.

Trong đó, đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng cao về chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn. Qua rà soát, đánh giá, hiện 99,98% đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh có trình độ đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 76,96%. Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp cũng được quan tâm thực hiện phù hợp với thực tiễn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện học tập của Nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập, giảm 86 trường ở các cấp học; hoàn thành việc giải thể, sáp nhập 13 trường THPT trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020 theo Nghị quyết số 103/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Hiện, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của tỉnh Thanh Hóa đã đạt 87,7%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 72,69%, tăng 20,69% so với năm 2015 và hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch về chỉ tiêu phòng học kiên cố, cao tầng, trường đạt chuẩn quốc gia mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Đây được xem là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như giáo dục mũi nhọn, đặc biệt là thành tích trên “đấu trường tri thức” quốc tế.

Đóng góp vào thành tích đáng tự hào của “đất học” xứ Thanh trong những năm qua trên “đấu trường tri thức” quốc tế có thể kể đến những gương mặt xuất sắc như, em Lê Huy Quang, đạt HCV Olympic Vật lý Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và HCB Olympic Vật lý quốc tế năm 2012; em Mỵ Duy Hoàng Long, đạt HCB Olympic Vật lý quốc tế năm 2013; em Nguyễn Khánh Duy, HCV Olympic Hóa học quốc tế năm 2016; em Lê Quang Dũng, đạt HCV Olympic Toán học quốc tế năm 2017; em Nguyễn Văn Chí Nguyên đạt HCB và HCV Olympic Hóa học quốc tế năm 2018 và 2019... Từ năm 2008 đến nay, số HS đạt giải quốc tế của tỉnh Thanh Hóa chỉ đứng sau TP Hà Nội, TP Hải Phòng, có nhiều năm vượt Nam Định về số lượng và màu huy chương... Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 12 em đạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế. Trong đó có 7 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ; 4 HS đoạt Huy chương Olympic khu vực châu Á-Thái Bình Dương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ); thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật, toàn tỉnh có 4 dự án tham dự vòng 2 chọn thi quốc tế, có 1 dự án đạt giải đặc biệt... Đây là thành tích rực rỡ nhất của Thanh Hóa trên “đấu trường tri thức” quốc tế từ trước đến nay.

Về thành tích thi đại học, trong những năm gần đây, tỷ lệ HS trong tỉnh đậu đại học luôn đạt từ 70% trở lên. Thanh Hóa là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng HS đạt tuyệt đối 30/30 điểm; thuộc tốp 5 của cả nước về số lượng HS thủ khoa và HS đạt từ 27 điểm trở lên. Tính riêng 2 năm gần đây, Thanh Hóa luôn giữ vững tốp đầu về số HS đạt điểm cao của cả nước. Trong đó, năm 2019, toàn tỉnh có 107 HS đạt từ 27 điểm trở lên (19 HS đạt từ 28 - 29,5 điểm). Đặc biệt, có 3 HS trong tốp 10 thuộc khối A có điểm cao nhất cả nước. Với kết quả này, Thanh Hóa đứng thứ tư về số HS đạt điểm cao tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học năm 2019. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Thanh Hóa có 257 HS đạt điểm 10, xếp thứ 6 toàn quốc. Trong đó, môn Toán có 23 điểm 10, xếp thứ nhì toàn quốc, sau TP Hà Nội.

Theo bà Phạm Thị Hằng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT, có được thành tích đáng tự hào trên, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, ngành GD&ĐT tỉnh nhà luôn đặt mục tiêu chất lượng giáo dục lên hàng đầu, từ đó, triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất... Trong đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, sáng tạo trong giảng dạy được xác định là khâu quan trọng. Cùng với đó, hằng năm, sở chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chất lượng giáo dục đại trà, nâng chất lượng đầu vào, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ HS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và HS giỏi các cấp. Đối với một số trường có tỷ lệ HS đạt giải các cấp hằng năm cao, nhất là Trường THPT chuyên Lam Sơn, đơn vị chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển của tỉnh tham gia các kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia và Olympic quốc tế, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trường học, quản lý công tác chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, coi trọng công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HS giỏi...

Có thể thấy, bề dày truyền thống hiếu học của đất Thanh được ươm mầm, bén rễ từ sâu xa trong quá khứ, từ những con người mà trí tuệ, tài năng đã được khẳng định trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, trung hưng và phát triển đất nước qua nhiều triều đại. Cho đến hôm nay, với sự nỗ lực của mỗi HS, niềm đam mê cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”, tận tâm, tận lực vì học trò của mỗi thầy, cô giáo khiến cho mạch nguồn truyền thống hiếu học cứ chảy mãi không ngừng. Mỗi thế hệ sau lại nối tiếp thế hệ trước ghi tên mình lên bảng vàng truyền thống, làm rạng danh quê hương xứ Thanh - trăm năm đất học, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]