Các doanh nghiệp châu Á phải chuẩn bị cho một chặng đường đầy sóng gió, một tương lai phức tạp và bất định dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Doanh nghiệp châu Á trăn trở trước ngưỡng cửa nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump

Các doanh nghiệp châu Á phải chuẩn bị cho một chặng đường đầy sóng gió, một tương lai phức tạp và bất định dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Doanh nghiệp châu Á trăn trở trước ngưỡng cửa nhiệm kỳ mới của ông Donald TrumpTổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giới quan sát nhận định việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể phủ bóng lên triển vọng kinh tế châu Á, làm dấy lên lo ngại về một giai đoạn kinh tế nhiều bất ổn sắp tới.

Trong giai đoạn vận động tranh cử, ông đã đưa ra một loạt những hứa hẹn về việc áp đặt thuế quan sâu rộng - lên đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu. Đặc biệt, hàng hóa của Trung Quốc có thể chịu thuế tới 60% khi ông Trump liên tục cáo buộc nước này thực hiện hành vi thương mại không công bằng, gây tổn hại cho kinh tế Mỹ.

Những cáo buộc đó đã tạo tiền đề cho một giai đoạn tiềm ẩn nhiều biến động, buộc các doanh nghiệp trên khắp châu Á phải tìm cách đối phó.

Các chuyên gia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Ông Mark Linscott, thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Nam Á của Hội đồng Đại Tây Dương và cựu trợ lý Đại diện thương mại Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, cảnh báo các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận dành cho trường hợp “cực kỳ rủi ro” trong khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ông nhấn mạnh triển vọng hiện rất khó lường.Lập trường thương mại cứng rắn của ông Trump đe dọa đẩy nhanh sự tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc.

Diễn biến này sẽ gây ra những cú sốc cho chuỗi cung ứng khu vực vốn đan xen rất phức tạp. Phía Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả, khiến căng thẳng leo thang hơn nữa và gây phương hại cho quan hệ hợp tác giữa hai bên về các vấn đề toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tác động sẽ không chỉ giới hạn ở Mỹ và Trung Quốc. Những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ trên khắp châu Á, từ Ấn Độ đến Nhật Bản, phải đối mặt với nguy cơ tăng thuế đáng kể. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào cả Mỹ và Trung Quốc như Malaysia, Hàn Quốc... đang mắc kẹt trong thế khó và có thể chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà phân tích chính trị dày dạn kinh nghiệm tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), đánh giá ông Trump là người khó đoán định.

Do đó việc lập kế hoạch chiến lược trở thành cơn ác mộng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng chịu thiệt.

Theo một phân tích hồi đầu tháng 10/2024 của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, các hạn chế đầu tư vào Trung Quốc có thể chuyển hướng dòng vốn nước ngoài sang Ấn Độ, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất máy tính, điện tử và dệt may của nước này.

Tương tự, ngành công nghiệp chip của Đài Loan (Trung Quốc) được dẫn dắt bởi những “gã khổng lồ” như TSMC - có thể nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa sản xuất sang Mỹ. Các dự án đang diễn ra của TSMC tại bang Arizona (được khởi xướng dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden) có thể đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong môi trường thương mại bảo hộ.

Thị trường tiền tệ cũng sẽ chịu nhiều biến động. Những lo ngại về chính sách tài khóa của ông Trump sẽ tăng lạm phát có thể hạn chế khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Khi đó, khoảng cách giữa lãi suất tại Mỹ với lãi suất thấp ở các quốc gia như Nhật Bản sẽ ngày càng lớn.

Theo nhà phân tích cấp cao Chim Lee của Bộ phận phân tích, dự báo và tư vấn rủi ro EIU thuộc Tập đoàn The Economist, sự chênh lệch này có thể gây áp lực giảm đáng kể lên đồng yen và các loại tiền tệ châu Á khác.

Một đồng USD mạnh hơn, cùng với bất ổn địa chính trị và chính sách sẽ tạo ra một môi trường bất ổn cho các nền kinh tế châu Á. Ngoài thương mại, chương trình nghị sự về năng lượng của ông Trump cũng sẽ khác biệt rõ rệt so với trọng tâm vào năng lượng sạch của chính quyền Tổng thống Biden.

Cam kết tăng cường khai thác dầu khí và sự phản đối Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của ông đe dọa làm đảo lộn tiến trình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ông John Paulson, một nhà đầu tư tỷ phú và ứng cử viên tiềm năng cho chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã từng chỉ trích nguồn năng lượng Mặt Trời và gió là “không mang tính kinh tế” và các khoản ưu đãi thuế để thúc đẩy chúng là không hiệu quả.

Những phát biểu này càng củng cố lập trường ủng hộ nhiên liệu hóa thạch của chính quyền ông Trump.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho biết việc củng cố an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ vẫn là ưu tiên dưới thời Trump.

Ông đã hồi sinh nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia vào tháng 11/2017 sau một thập kỷ không hoạt động. Nhưng khuynh hướng cô lập và ưu tiên thương mại của ông có thể phá hỏng một số tiến bộ mà đương kim Tổng thống Biden đã đạt được trong việc củng cố quan hệ của Mỹ với Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Nhật Bản, một đồng minh chủ chốt của Mỹ tại châu Á có thể phải tìm kiếm các quan hệ đối tác chiến lược thay thế để giảm sự phụ thuộc vào một nước Mỹ khó đoán định.

Theo giới quan sát, ngay cả các đồng minh cũng khó tránh khỏi các mối đe dọa thuế quan của ông Trump. Giữa bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp châu Á phải chuẩn bị cho một chặng đường đầy sóng gió, một tương lai phức tạp và bất định dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]