Để niềm vui trọn vẹn, lâu dài
Thời điểm cải cách tiền lương lớn nhất trong nhiều năm gần đây sắp bắt đầu. Nhiều người đang đếm ngược thời gian chờ đợi.
Thực ra thì khoảng chục năm trở lại đây chúng ta đã có mấy lần tăng lương cơ sở. Nhưng lần này sẽ là cải cách tiền lương, dự kiến lương cán bộ, công chức, viên chức tăng bình quân khoảng 30%. Đây là con số tăng đột biến, vì thế người hưởng lương mong chờ sự tăng lương cũng là dễ hiểu.
Một tài khoản trên mạng xã hội có tên Thanh Phan mới đây đã biểu thị niềm hân hoan của mình rằng: “Mặc dù mất điện nóng bức, nhưng nghĩ đến ngày 1/7 tăng lương, tự nhiên trong lòng cảm thấy mát như kem”. Tuy nhiên, ngay bên dưới đã có tài khoản bình luận rằng: “Kem mát đấy, nhưng kem cũng tan nhanh đấy”.
Nội dung bình luận ít nhiều cho thấy sự lo lắng về các biện pháp kiểm soát giá sau khi tăng lương. Sở dĩ như thế vì gần như lần nào tăng lương cũng đi kèm với tình trạng leo thang về giá. Lương chưa chính thức tăng, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã “hò nhau” tăng giá.
Sự biến động về giá cả lần này cũng thế, có chiều hướng tăng mạnh: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chung 5 tháng đầu năm 2024 tăng tới 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có tới 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có nhóm hàng bưu chính, viễn thông có chỉ số giá giảm.
Tăng lương là để bù vào việc trượt giá. Còn cải cách tiền lương là để nâng cao hơn một bước đời sống của người lao động, giúp họ có thể tích lũy. Nhưng nếu không có biện pháp điều tiết thị trường, kiểm soát giá cả tốt, thì cải cách tiền lương cũng khó mà đem lại giá trị thực tế đối với người hưởng lương.
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành phải tăng cường quản lý giá cả, thị trường. Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương. Còn tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, “thành thói quen", làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Để bình ổn thị trường, phải đảm bảo thông suốt việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ; kiểm tra việc niêm yết giá tại các chợ truyền thống.
Điều này cho thấy, quyết tâm của Chính phủ rất cao, để chính sách tiền lương mới thực sự có ý nghĩa lâu dài. Vậy nên, đi kèm với tăng lương đòi hỏi phải là các biện pháp căn cơ, trọn vẹn, cùng với việc đẩy mạnh điều tiết, kiểm soát vĩ mô, rất cần sự vào cuộc thật sự trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền các địa phương, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất thường, “tát nước theo mưa”. Bởi chỉ cần một mặt hàng, một địa phương để xảy ra tình trạng tăng giá bất thường sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhanh và rộng, dẫn đến mặt bằng giá cũ bị phá vỡ và thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn, các biện pháp sau đó vừa mất công vừa khó giúp vãn hồi.
Thái Minh
{name} - {time}
-
2025-01-14 21:06:00
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài 2): Núp bóng đầu tư “chui”
-
2025-01-14 20:05:00
“Còn thông tin về mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”
-
2024-06-18 15:17:00
Những người thợ làng nghề tất bật dưới nắng nóng
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hoả táng trên địa bàn tỉnh
Đẩy mạnh truyền thông thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH
Ký kết chương trình phối hợp về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 2024 - 2028
Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong dịp hè
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Ứng dụng công nghệ trong kiểm soát tải trọng xe
Loại bỏ phiền hà
Tăng cường quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ
Cùng nhau lan tỏa tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của hiến máu tình nguyện