(Baothanhhoa.vn) - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương lớn Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch toàn thắng. Dấu ấn Thanh Hóa đối với Điện Biên từ trong chiến tranh cho đến hòa bình luôn sắc nét và ngược lại Điện Biên có một vị trí đặc biệt trong lòng Thanh Hóa. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Dấu ấn Điện Biên trong lòng Thanh Hóa

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương lớn Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch toàn thắng. Dấu ấn Thanh Hóa đối với Điện Biên từ trong chiến tranh cho đến hòa bình luôn sắc nét và ngược lại Điện Biên có một vị trí đặc biệt trong lòng Thanh Hóa. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Dấu ấn Điện Biên trong lòng Thanh HóaRất nhiều kỷ vật trong chiến dịch Điện Biên Phủ được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: B.T

Hoa ban, loài hoa biểu tượng văn hóa của tỉnh Điện Biên từ lâu đã xuất hiện ở các tuyến đường, được trồng ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Người dân Điện Biên vẫn lưu truyền sự tích về loài hoa này rằng, tương truyền vùng Tây Bắc có một người con gái tên Ban, vì muốn giữ trọn tình yêu với người mình yêu nên đã chết ở vách núi. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây nở hoa trắng vào mùa xuân. Người dân nơi đây đã đặt tên cho loài hoa đó là hoa ban. Và cũng từ ý nghĩa nhân văn này, hoa ban đã trở thành biểu tượng văn hóa của tỉnh Điện Biên.

Và cứ vào tháng 2, tháng 3 hàng năm, hoa ban nở rộ khiến cho người dân Thanh Hóa xao xuyến nhớ về Điện Biên, tự hào với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và nhớ rằng “Thanh Hóa có một phần vinh dự”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công, cùng với hàng vạn xe đạp thồ... vận chuyển 50% khối lượng lương thực phục vụ chiến dịch. Bên cạnh đó còn có hàng vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ, trong số đó, nhiều người đã nằm lại mãi mãi với mảnh đất Điện Biên. Nghĩa tình và tinh thần đoàn kết đã được Nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên gắn chặt từ thời chiến đến nay.

Mong muốn tình cảm giữa hai tỉnh tiếp tục phát triển như hoa ban khoe sắc giữa mùa xuân trong thời hiện đại, năm 2022 huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đã tặng TP Thanh Hóa 600 cây hoa ban trồng tại công viên Bố Vệ (phường Đông Vệ). Trong buổi lễ, lãnh đạo hai địa phương đều trân quý tình cảm khăng khít mà Thanh Hóa và Điện Biên đã có từ trước, đồng thời thể hiện quyết tâm tô thắm thêm tình cảm, tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa hai địa phương. Toàn bộ số cây được chăm sóc cẩn thận, đến nay mỗi năm đều bung hoa rực rỡ vào mùa xuân, trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của người dân Thanh Hóa dịp đầu xuân, tạo nên dấu ấn đặc sắc của Điện Biên trong lòng Thanh Hóa.

Đến nay, hình ảnh Điện Biên Phủ càng được khắc sâu trong tâm tưởng người Thanh Hóa, không chỉ trên sách vở, phim ảnh mà còn qua một số tuyến đường, trường học mang tên Điện Biên, Võ Nguyên Giáp, Tô Vĩnh Diện... cũng như trong những buổi kể chuyện truyền thống hết sức sôi nổi hào hứng của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa nhằm truyền lửa cho lớp trẻ. Trong đó, phường Điện Biên là một dấu ấn đặc biệt về âm vang “tinh thần Điện Biên” của tỉnh Thanh Hóa. Đây là phường duy nhất trong tỉnh được đặt theo tên một chiến dịch nổi tiếng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp - chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xứng danh với tên gọi Điên Biên, những năm qua phường đã vượt khó, nỗ lực gặt hái được nhiều thành tựu đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế của phường tăng trưởng ấn tượng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 22,9%, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn đạt 30.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 155 triệu đồng/năm... Điện Biên là phường đầu tiên của thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hằng năm, phường đều hoàn thành 100% các chỉ tiêu theo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ phường và các chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phố giao. Hiện nay, trên địa bàn phường đã hình thành nhiều tuyến phố lớn, kinh doanh sôi động như: dịch vụ văn hóa - văn nghệ ở tuyến phố Nguyễn Du, điện dân dụng ở tuyến phố Hàng Đồng, kinh doanh hàng hoa ở tuyến phố Triệu Quốc Đạt, dịch vụ tài chính ngân hàng ở tuyến phố Phan Chu Trinh, điện tử ở tuyến phố Trường Thi... Dịch vụ - thương mại trở thành trụ cột chính trong phát triển kinh tế của phường. Bên cạnh đó là các thành tựu về văn hóa, xã hội. Điên Biên là một trong những phường luôn nằm trong top đầu chất lượng giáo dục của TP Thanh Hóa và toàn tỉnh. Phường có 4 trường đều mang tên Điện Biên, gồm: Trường Mầm non Điện Biên, Tiểu học Điện Biên 1, Tiểu học Điện Biên 2, THCS Điện Biên. Hiện tại, cả 4 trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và được công nhận là đơn vị “kiểu mẫu”.

Đồng chí Lê Thị Quỳnh Thơ, Chủ tịch UBND phường Điện Biên, cho biết: “Phát huy tinh thần cách mạng, tinh thần “Điện Biên”, chính quyền và Nhân dân trong phường quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu lớn: Xây dựng Điện Biên trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới trước năm 2025, ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển của phường”.

Đặc biệt, người dân Thanh Hóa luôn có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh, chứng tích lịch sử và những câu chuyện huyền thoại về quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh. Phòng trưng bày hiện vật Thanh Hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1945-1975, trưng bày nhiều hiện vật như: bộ sưu tập giấy khen, giấy chứng nhận của các chiến sĩ dân công Thanh Hóa, bức ảnh các chiến sĩ Thanh Hóa trên đường hành quân bao vây Điện Biên Phủ, khăn mặt của ông Trịnh Đình Long (xã Đông Minh, Đông Sơn) dùng trong khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ... Trong đó, chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, biểu tượng của trí thông minh, tính sáng tạo và lòng quyết tâm chiến thắng kẻ thù của quân và dân ta lúc bấy giờ. Chiếc xe đạp thồ thô sơ với trọng tải từ 150 - 200kg/chuyến xe, thậm chí là trên 300kg/chuyến xe là phương tiện chính vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... phục vụ kháng chiến toàn thắng.

Bên cạnh đó là những hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch được hai tỉnh phối hợp tổ chức như Tuần lễ du lịch Điện Biên tại Thanh Hóa... khiến cho đất và người Điện Biên càng trở nên gần gũi trên đất Thanh, và ngược lại tình cảm mà người dân Thanh Hóa dành cho Điện Biên thêm khăng khít, sâu đậm.

Như vậy, những chứng tích lịch sử, câu chuyện huyền thoại, biểu tượng văn hóa... của Điện Biên luôn hiện hữu trong lòng Thanh Hóa, nhắc nhớ và liên tưởng đến chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Để những thế hệ mai sau thấy được đất nước luôn ghi nhớ trân trọng chiến công của những người đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, luôn ghi nhớ trân trọng sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]