(Baothanhhoa.vn) - Thời điểm cuối năm, khi nhu cầu về tiền vốn, chi tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sẽ triệt để lợi dụng, tung các chiêu dụ dỗ người dân “sập bẫy” khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp hơn.

Cẩn trọng sập bẫy "tín dụng đen” dịp cuối năm

Thời điểm cuối năm, khi nhu cầu về tiền vốn, chi tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sẽ triệt để lợi dụng, tung các chiêu dụ dỗ người dân “sập bẫy” khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp hơn.

Cẩn trọng sập bẫy tín dụng đen” dịp cuối năm

Người dân cần cẩn trọng với các hình thức cho vay tiền trực tuyến trên mạng và qua các app.

Thực tế hoạt động cho vay nhiều năm trở lại đây, ngoài các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép đang diễn ra khá sôi động, việc cho vay và vay vốn ngoài các tổ chức tín dụng là quan hệ pháp luật dân sự, không phải là hành vi bị pháp luật cấm, thậm chí còn được khuyến khích để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hỗ trợ lẫn nhau giải quyết công việc trong cuộc sống. Hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi xác định được lãi suất cho vay vượt quá quy định và có tính chất “bóc lột, lừa đảo”. Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp bóng dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, cầm đồ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, hỗ trợ tài chính.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 800 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, nhìn chung, đa số các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số cơ sở tiềm ẩn và có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: chứa chấp, tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc, cầm cố tài sản với lãi suất cao, tiêu thụ tài sản, “hợp thức hóa” các tài sản do người khác phạm tội mà có; cầm cố những giấy tờ, tài sản (căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) trái quy định. Tại một số cơ sở dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu cho vay lãi nặng hoặc khi đối tượng đến cầm cố tài sản có nghi vấn vi phạm pháp luật nhưng không báo cho cơ quan công an... Do biết rõ người đi vay khó khăn về tài chính, không chứng minh được thu nhập và không có tài sản thế chấp, khó tiếp cận vốn ngân hàng nên các đối tượng cho vay lãi nặng sử dụng chiêu trò quảng cáo thu hút người vay qua zalo, facebook, qua ứng dụng điện thoại thông minh hoặc qua mảnh giấy dán trên tường, cột điện có ghi số điện thoại người cho vay... với lời mời bằng thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn. Mức lãi suất cho vay cao, từ 3 - 10 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày nên nhiều người sau khi vay kinh doanh thua lỗ hoặc sử dụng tiền vay chơi lô đề, cờ bạc không trả được nợ dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ. Hầu hết các đối tượng cho vay lãi nặng đều sử dụng phương thức, thủ đoạn để “lách luật” như: viết giấy cho vay chỉ ghi tổng số tiền, không ghi mức lãi suất; trường hợp người vay có tài sản thế chấp thì viết giấy chuyển nhượng, mua bán tài sản với giá trị chuyển nhượng, mua bán thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của tài sản... Hai bên tự thỏa thuận mức lãi suất và trừ ngay vào khoản tiền vay. Đáng lo ngại, khi thấy người vay không còn khả năng trả nợ, nhiều đối tượng cho vay đã gây áp lực cho gia đình, người thân và người vay để đòi tiền, nhẹ thì khủng bố tinh thần, nặng thì cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... Trong khi đó, người đi vay hầu như cũng không có chứng cứ tố cáo đối tượng cho vay nặng lãi. Thực trạng trên không chỉ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn khiến nhiều người rơi vào cảnh “tán gia bại sản”, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, hiện nay còn xuất hiện một dạng cho vay lãi nặng dưới hình thức hỗ trợ tài chính gọi là cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng là một dạng “tín dụng đen” tinh vi. Hành vi cho vay có tính chất “lừa đảo, bóc lột” khó chứng minh cũng chính là nguyên nhân khiến cho những vụ cho vay với lãi suất “cắt cổ” chỉ bị phát giác khi đã chuyển hóa thành những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác. Theo anh N.V.P., xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn, do cần tiền đột xuất, cách đây 2 tháng anh đã “vay nóng” qua app 30 triệu đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục, khi bên cho vay chuyển tiền thì mới “tá hỏa” vì phải gánh mức lãi lên đến 18%/năm (thỏa thuận trước đó là 13%/năm). Thấy vậy, anh phải vay mượn người thân để hoàn trả số tiền đã vay dù phải chịu mức phí trả trước thời hạn. Trên thực tế, vay tiền qua app có thể khiến người vay đối mặt rắc rối. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra nhiều trường hợp khi đến kỳ hạn trả nợ, người vay chậm trả hoặc không trả, các đối tượng đã đòi nợ bằng cách đăng tải các bài viết, hình ảnh lên mạng xã hội để bôi nhọ người vay, thậm chí gây áp lực cho người thân, đồng nghiệp, lãnh đạo nơi công tác; ảnh hưởng uy tín, danh dự cá nhân, cơ quan, đơn vị và gây dư luận xấu trong xã hội.

Ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, cho biết, hiện đơn vị đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, mở rộng, đáp ứng các nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp nhằm góp phần đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”. Khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để phục hồi sản xuất. Đồng thời tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn, giảm chi phí không cần thiết.

Cẩn trọng sập bẫy tín dụng đen” dịp cuối năm

Khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần đến các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng uy tín để được hỗ trợ.

Để phòng ngừa và ngăn chặn “tín dụng đen” thời điểm cuối năm âm lịch, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cho người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” cho vay với lãi suất cao. Trong đó, đặc biệt tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số ngành ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả. Ngành ngân hàng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kết hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp Nhân dân.

Bài và ảnh: Lương Khánh


Bài và ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]