Bộ Y tế: Số ca mắc sởi cao hơn 111 lần so với cùng kỳ năm 2023
Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay số ca mắc sởi tăng cao, đã có 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi gồm: Thành phố Hồ Chí Minh: 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca.
Bệnh nhi mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm diễn ra ngày 28/11. Hội nghị kết nối điểm cầu Bộ Y tế đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thông tin về tình hình dịch bệnh, Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết sau đại dịch COVID-19, số ca mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam số mắc sởi cũng tăng cao, đã có 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (Thành phố Hồ Chí Minh: 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Tại các điểm cầu, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết số ca mắc sởi trong năm nay của địa phương này tăng đột biến với 657 ca sởi và phát ban nghi sởi. Đại diện CDC tỉnh Đồng Nai cũng cho biết bệnh sởi tại địa phương nghiêm trọng, trong tháng 9 có 20 ca, tháng 11 đã tăng lên 102 ca. Nhiều đối tượng cộng đồng chưa tiêm vaccine sởi.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân gia tăng dịch sởi do chu kỳ dịch đồng thời do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ông Tâm cũng lưu ý, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm vaccine sởi.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác để có đề xuất phù hợp.
Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại 31 tỉnh, thành, cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.
Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 1,130 triệu liều vaccine sởi do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ, phân bổ cho các địa phương. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh tự mua 300.000 liều MR từ nguồn ngân sách địa phương, không nhận phân bổ vaccine từ nguồn viện trợ./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-02 14:17:00
Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc
-
2025-01-02 13:39:00
Quân y Biên phòng Thanh Hóa khám bệnh miễn phí cho người dân biên giới
-
2024-11-27 14:55:00
Quốc hội thông qua Luật bảo hiểm y tế sửa đổi với 8 điểm mới
Sự suy giảm ca mắc và tử vong chưa đủ để xóa sổ AIDS trên toàn cầu
Bộ Y tế: Các ổ dịch bệnh bạch hầu nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về thanh toán tiền khám bệnh bảo hiểm y tế
Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé
Hướng dẫn cấp mới giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong giai đoạn chuyển tiếp đối với hồ sơ nộp đến thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực của các chức danh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Còn nhiều bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Chủ động tầm soát nguy cơ ung thư sớm để bảo vệ sức khỏe
Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
Triển khai bệnh án điện tử còn nhiều khó khăn