(Baothanhhoa.vn) - Khai mạc, gợi mở các vấn đề để đại biểu cùng thảo luận tại Hội thảo “Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Chính sách dân tộc đã được các văn kiện của Đảng thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ với nguyên tắc, định hướng chiến lược là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển” . Để bạn đọc theo dõi đầy đủ hơn, Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc này.

Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển

Khai mạc, gợi mở các vấn đề để đại biểu cùng thảo luận tại Hội thảo “Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Chính sách dân tộc đã được các văn kiện của Đảng thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ với nguyên tắc, định hướng chiến lược là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Để bạn đọc theo dõi đầy đủ hơn, Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc này.

Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo.

Kính thưa các đồng chí

Hôm nay tôi rất vui mừng đến dự và phát biểu tại Hội thảo triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị này. Đây là sự chủ động phối hợp của Ủy ban các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa để triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi. Đây cũng là sự lan tỏa kết quả Đại hội Dân tộc thiểu số toàn quốc vừa được tổ chức thành công rực rỡ tại Hà Nội, cũng là kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nên tôi rất hoan nghênh các đồng chí Trung ương, cùng lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, các địa phương, các đại biểu tiêu biểu đã dự Hội nghị quan trọng này. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt với đồng bào dân tộc, với công tác dân tộc, sự phát triển của miền núi, dân tộc thiểu số, biên giới. Riêng đối với Thanh Hóa, đây là sự kiện rất có ý nghĩa, cũng là tâm huyết của đồng chí Trịnh Văn Chiến, đồng chí Đỗ Trọng Hưng và các thế hệ cán bộ lãnh đạo Thanh Hóa đã dày công phối hợp, nên tôi tin Hội nghị của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí

Qua từng thời kỳ phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước đã đề ra và triển khai hàng loạt chủ trương, chính sách dân tộc, góp phần quan trọng tạo nên sự ổn định, phát triển của các dân tộc. Chính sách dân tộc đã được các văn kiện của Đảng thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ với nguyên tắc, định hướng chiến lược là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; thể hiện khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhằm nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Vấn đề dân tộc tiếp tục được Đảng xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng, được chú trọng, đổi mới và được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19-5-2020 với sự đồng thuận của 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết. Điều này càng khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là niềm tự hào, là động lực to lớn đối với toàn thể đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hòa cùng với phát triển chung của cả nước.

Thưa các đồng chí

Miền Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái: Là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị; có hệ sinh thái đa dạng; là đầu nguồn sinh thủy, có những nhà máy vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng các tỉnh này. Với khoảng 1,9 triệu người dân tộc thiểu số ở cả 3 tỉnh, đa số đồng bào sinh sống ở khu vực miền núi, biên giới, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; ở 3 tỉnh có 10 huyện nghèo, hàng trăm xã đặc biệt khó khăn, hàng vạn hộ nghèo.

Tới nay, ở 3 tỉnh, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...; hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; giao đất, giao rừng; khuyến nông, khuyến lâm... được quan tâm triển khai thực hiện, nhờ đó, kinh tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; ngành nông nghiệp chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với thị trường; khoa học kỹ thuật và công nghệ được chuyển giao tích cực hơn, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả; cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác, khí hậu và thổ nhưỡng. Nhiều địa phương đã nâng cao được giá trị sản phẩm gắn với đặc điểm, thế mạnh của vùng; các loại hình du lịch, như: du lịch lịch sử văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch danh thắng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đã khởi sắc và phát triển. Đã thực hiện thành công mô hình chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, cả 3 tỉnh đã thực hiện được cơ cấu nông, lâm nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Lưới điện quốc gia đã đến được với các thôn, bản phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Thưa các đồng chí

Để có cơ sở các đồng chí thảo luận, bàn các biện pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, tôi xin nêu một số nội dung để hội nghị quan tâm:

Trước hết, khi thảo luận về xác định nhiệm vụ cụ thể: Chúng ta đặc biệt quan tâm xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Từ đó, cần có nhận thức đúng đắn, thống nhất về nhiệm vụ từ nay đến 2030, chúng ta phải thực hiện cho được:

1) Giải quyết tình trạng việc thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; 2) Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; 3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; 4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; 5) Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; 6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; 7) Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; 8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; 9) Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; 10) Coi trọng truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện.

Về biện pháp thực hiện, đề nghị các đồng chí thảo luận để thống nhất: cần huy động mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho vùng; phải thực hiện kinh phí công khai, minh bạch; ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho vay để đồng bào phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện vùng khó khăn này; đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện của Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; chăm lo thiết thực, có hiệu quả hơn việc quy hoạch đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao tại các địa bàn này, đồng thời, tiếp tục việc đưa, đón cán bộ từ miền xuôi lên công tác lâu dài, tăng cường các cán bộ đào tạo cơ bản, hướng về cơ sở, góp phần củng cố hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, biên giới.

Nội dung bàn của chúng ta các đồng chí tiếp tục cho ý kiến, nhưng cần chú ý đặc thù của ba tỉnh: đều là tỉnh có biên giới trên biển, trên bộ, đặc biệt có nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thông báo số 55-TB/TW ngày 20-4-2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An trong thời kỳ mới, chủ trương phát triển tỉnh Hà Tĩnh. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến, phát huy các kinh nghiệm hay. Với quyết tâm chính trị cao, phấn đấu để thực hiện cho được mong muốn của Bác Hồ với tỉnh Thanh Hóa là: “tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”; với tỉnh Nghệ An là: “cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” và với tỉnh Hà Tĩnh là: “xây dựng một tỉnh Hà Tĩnh tốt về mọi mặt”.

Sau hội nghị này, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đảng bộ ba tỉnh sẽ có chương trình hành động cụ thể, khắc phục những khuyết điểm, những thiếu sót trong công tác dân tộc, miền núi, hướng về cơ sở, chúng ta cùng nói đi đôi với làm, mà làm thật, để đồng bào tin, đồng bào yêu mến và làm theo.

Muốn thực hiện được các yêu cầu rất cao đó, tôi đề nghị 3 tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các bộ, ban, ngành trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, thiết thực chăm lo cho đời sống của đồng bào. Tôi đề nghị các bộ, ngành Trung ương thực sự quan tâm đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới; chú ý đến các dân tộc còn rất ít người, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số; chăm lo công tác phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số; có cơ cấu hợp lý đại biểu là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan dân cử; tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng là người dân tộc thiểu số tại chỗ cũng là bước đào tạo nguồn cán bộ cho cơ sở, vùng cao, vùng biên giới; làm tốt công tác dân vận của chính quyền. Tôi cũng mong các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tại 3 tỉnh này.

Thưa các đồng chí

Hôm nay, chúng ta về Thanh Hóa, được tìm hiểu kỹ về Thanh Hóa, học tập ở đồng bào, đồng chí tỉnh Thanh Hóa, chia vui với những thành công của Thanh Hóa và cũng chia sẻ với những khó khăn của Thanh Hóa; tri ân, cảm tạ đồng bào, đồng chí tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, và tin rằng với khí thế mới, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo của những khóa trước, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, tin rằng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện thành công nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thanh Hóa, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh, đặc biệt quan tâm đến vùng cao, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

Chúc các đồng chí, đồng bào tiếp tục có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Nhóm PV XDĐ-NC (ghi)


Nhóm PV XDĐ-NC (ghi)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]