(Baothanhhoa.vn) - Thấm nhuần lời dạy và Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí minh, 50 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã hoạch định những đường hướng, lộ trình cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế. Với sự đồng lòng, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, từ một tỉnh nghèo, Thanh Hóa đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trên mặt trận kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa thực hiện Di chúc của Người bằng những quyết sách đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân

Thấm nhuần lời dạy và Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí minh, 50 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã hoạch định những đường hướng, lộ trình cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế. Với sự đồng lòng, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, từ một tỉnh nghèo, Thanh Hóa đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trên mặt trận kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Thanh Hóa thực hiện Di chúc của Người bằng những quyết sách đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân

Cuối năm 1969, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại hội lần thứ VII. Tại đại hội này, Đảng bộ tỉnh đã tập trung đánh giá, tổng kết công tác lãnh đạo trong 5 năm chiến tranh phá hoại ác liệt (1965 - 1969); vạch ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung mọi nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, bảo vệ, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, tại Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, cùng với việc dồn sức đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong giai đoạn này, sản xuất nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ủy ban Hành chính tỉnh (sau này là UBND tỉnh) đã tập trung chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước mở rộng diện tích lúa chiêm xuân, mở rộng diện tích gieo cấy giống mới. Các cây công nghiệp, cây đặc sản như cói, đay, lạc, thuốc lá được gieo trồng thành vùng tập trung và phát triển theo hướng chuyên canh, thâm canh. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu được chú trọng. Phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhanh. Các cơ sở sản xuất điện trong tỉnh bị phá hoại trong chiến tranh đã được khôi phục, hòa vào lưới điện quốc gia, đáp ứng việc cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sử dụng của nhân dân.

Sau ngày hòa bình thống nhất Tổ quốc, quán triệt tinh thần các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (giai đoạn 1976 -1980), lần thứ V (giai đoạn 1981 - 1985), các cơ chế, chính sách của Trung ương; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, thứ IX, thứ X và XI đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Nhiều chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh đã được triển khai thực hiện. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung hoàn chỉnh thủy nông, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Nhiều công trình thủy lợi lớn đã được hoàn thành, như: Cống Quảng Châu, Sông Lý, Sông Hoàng, hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ... từng bước hoàn thiện hệ thống tưới nước, tiêu úng trên địa bàn tỉnh. Lâm nghiệp phát triển thành một ngành sản xuất chính. Công tác giao đất, giao rừng gắn với khai thác tu bổ rừng, trồng mới và bảo vệ rừng được tập trung thực hiện. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo khôi phục, mở rộng Nhà máy phân lân Hàm Rồng, Nhà máy giấy Mục Sơn, Nhà máy gỗ Điện Biên,... từng bước khôi phục sản xuất các ngành công nghiệp và có thêm một số sản phẩm mới như xi măng, chum lớn tráng men, bóng đèn... Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống Sân bay Sao Vàng; hoàn chỉnh tuyến đường thị xã Thanh Hóa - Sao Vàng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A qua thị xã Thanh Hóa, tuyến đường Khe Dứa - Bãi Trành, đường Nam Động - Lốc Toong, đường Hồi Xuân - Pù Nhi, đường Bến Sung - Yên Cát... đáp ứng nhu cầu vận chuyển phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (tháng 10-1986) đã đề ra phương hướng tiến hành đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, đó là: “Từ lương thực, xuất khẩu, sản xuất hàng hóa phong phú đa dạng mà đi lên. Từ đó xây dựng cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư, công nghiệp và dịch vụ sát hợp”. Trọng tâm trong giai đoạn này là 3 chương trình kinh tế lớn, gồm: Chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng và chương trình hàng xuất khẩu. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh vận dụng các nghị quyết của Trung ương Đảng đề ra Nghị quyết “khoán hộ” trong nông nghiệp, đổi mới quản lý kinh tế biển, kinh tế trung du - miền núi, kinh tế thương mại - dịch vụ; phát triển kinh tế nhiều thành phần, thực hiện “thông thoáng và mở cửa”; phân bổ lại và giao quyền sử dụng đất lâu dài... tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Nhờ các giải pháp trên, tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP), giai đoạn 1986 - 1995 tăng bình quân 5,3%/năm. GDP bình quân đầu người năm 1995 đạt 220 USD, gấp 1,3 lần năm 1990.

Đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011 - 2018, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Thanh Hóa bình quân tăng 9,2%/năm, trong đó, năm 2018 tăng tới 15,16% và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. 6 tháng đầu năm 2019 tăng 22,18%, gấp 2,5 lần cùng kỳ là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2018 đạt hơn 101.354 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2010, cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước. Đến nay, đã có 10/26 chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2015 - 2020) đạt và xấp xỉ kế hoạch cả nhiệm kỳ.

Đến nay, Thanh Hóa đã trở thành địa phương đứng đầu khu vực Bắc miền Trung trong lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu với giá trị tăng trưởng bình quân 15%/năm. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt con số 95.065 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2010. Cũng trong năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 38,9% cùng kỳ, gấp 3,85 lần bình quân cả nước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tỉnh tăng nhanh. Năm 2018, quy mô giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã đạt 2.894 triệu USD, gấp 7,4 lần năm 2010. Đây cũng là 1 trong 10 chỉ tiêu xấp xỉ kế hoạch đề ra của tỉnh đến năm 2020. Tỉnh Thanh Hóa hiện xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu, với 137 doanh nghiệp xuất khẩu và 54 mặt hàng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Sản lượng lương thực hàng năm ổn định ở mức 1,6 triệu tấn. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả khả quan. Nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao đã và đang được triển khai. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay, đã có 2 huyện, 312 xã và 783 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 52,02%, cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (43,02%). Các ngành dịch vụ có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng với giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 9,3%.

Thanh Hóa hiện đã đón tàu hàng container quốc tế vào Cảng Nghi Sơn, hứa hẹn trở thành trung tâm logictics của khu vực. Năm 2018, thu ngân sách toàn tỉnh đạt hơn 23.000 tỷ đồng, gấp 4,4 lần năm 2010 và đứng thứ 13 cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Nhiều dự án sản xuất, hạ tầng lớn đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 14.814 doanh nghiệp.

Từ những quyết sách chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sau 50 năm khôi phục và phát triển kinh tế, đã đưa Thanh Hóa vươn lên trở thành tỉnh khá của cả nước với quy mô kinh tế đứng thứ 8, thu ngân sách đứng thứ 13, phát triển doanh nghiệp đứng thứ 7 cả nước. Không chỉ một điểm nhấn Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, mà đó còn là sự hiện diện của hàng loạt các dự án công nghiệp sau lọc hóa dầu, cùng hàng loạt các dự án đang thi công ngày đêm ở Khu Kinh tế Nghi Sơn. Và, không chỉ mình Nghi Sơn, Thanh Hóa đang nỗ lực kiến thiết, có lộ trình vững vàng cho “tứ sơn” phát triển, đưa Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn thành những động lực tăng trưởng lớn về kinh tế của tỉnh nhà.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]