(Baothanhhoa.vn) - Dự án đường giao thông qua trung tâm xã Yên Lâm (đoạn thuộc đường tỉnh 518) được triển khai thực hiện từ năm 2019, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa thực hiện xong, một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án có đơn thư khiếu kiện kéo dài. Nguyên nhân nảy sinh khiếu kiện xuất phát từ cách triển khai đến những “lời hứa hão” của một số cán bộ chính quyền cấp xã khi tuyên truyền, vận động các hộ dân GPMB.

Xung quanh đơn thư phản ánh của một số công dân xã Yên Lâm (Yên Định) về việc bồi thường giải phóng mặt bằng

Dự án đường giao thông qua trung tâm xã Yên Lâm (đoạn thuộc đường tỉnh 518) được triển khai thực hiện từ năm 2019, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa thực hiện xong, một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án có đơn thư khiếu kiện kéo dài. Nguyên nhân nảy sinh khiếu kiện xuất phát từ cách triển khai đến những “lời hứa hão” của một số cán bộ chính quyền cấp xã khi tuyên truyền, vận động các hộ dân GPMB.

Xung quanh đơn thư phản ánh của một số công dân xã Yên Lâm (Yên Định) về việc bồi thường giải phóng mặt bằng

Đoạn đường đôi qua địa bàn thị trấn Yên Lâm.

Có hay không việc cán bộ xã vận động GPMB bằng lời hứa đất đổi đất tái định cư?

Trong đơn của 7 hộ dân trú tại thôn Đông Sơn, xã Yên Lâm (nay là tổ dân phố Đông Sơn, thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định) gửi đến Báo Thanh Hóa có nội dung phản ánh về việc chậm chi trả tiền bồi thường GPMB và thông báo đất đổi đất của chính quyền thị trấn Yên Lâm đối với các hộ dân liên quan đến Dự án đường giao thông qua trung tâm thị trấn Yên Lâm (đoạn thuộc đường tỉnh 518).

Theo đó, năm 2019 sau khi có chủ trương xây dựng đường đôi đi qua địa bàn, UBND xã Yên Lâm thời điểm đó đã ra Thông báo số 17/TB-UBND, ngày 23/5/2019 do ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm ký thông báo về việc thanh toán giá trị bồi thường GPMB đối với các hộ dân thuộc thôn Đông Sơn, xã Yên Lâm để xây dựng tuyến đường đôi qua trung tâm xã.

Theo đó, các hộ dân có lịch sử sử dụng đất từ ngày 18-12-1980 trở về trước đã được kiểm kê diện tích đất, hoa màu, tài sản trên đất hành lang thuộc diện bồi thường GPMB. UBND xã Yên Lâm đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư huyện, Ban GPMB huyện kiểm kê, lập dự toán và thông báo giá trị dự toán bồi thường GPMB đến từng hộ để đối chiếu trước khi ban hành quyết định phê duyệt chính thức giá trị bồi thường cho các hộ.

Thông báo nêu rõ: “Đối với các hộ đăng ký nhận giá trị bồi thường GPMB đất ở tái định cư, UBND xã Yên Lâm sẽ làm quy trình đề nghị cấp đất cho các hộ theo mặt bằng quy hoạch đã được thông báo với các hộ và đã được các hộ đăng ký. Đối với các hộ đăng ký nhận giá trị GPMB bằng tiền, UBND xã sẽ làm quy trình thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất để lấy tiền trả cho các hộ. Thời gian thanh toán tiền GPMB cho các hộ trong 6 tháng cuối năm 2019. Trong trường hợp số tiền bán đất thu được chưa đủ thanh toán 100% cho tất cả các hộ đăng ký nhận tiền thì UBND xã sẽ thanh toán cho các hộ theo tỷ lệ phần trăm (%). Số còn lại sẽ được thanh toán hết, chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2020”.

Từ những lời hứa trong vận động và thông báo bằng văn bản, nhiều hộ dân thuộc diện được bồi thường GPMB đã đồng ý và đăng ký nhận bồi thường bằng đất. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chờ đợi, người dân thực sự bức xúc trước những lời hứa của cán bộ cấp xã.

Xung quanh đơn thư phản ánh của một số công dân xã Yên Lâm (Yên Định) về việc bồi thường giải phóng mặt bằng

Các hộ dân bức xúc phản ánh với phóng viên.

Trao đổi trực tiếp với phóng viên, bà Đinh Thị Hường cùng một số hộ dân cho biết thêm: “Trong quá trình GPMB làm đường đôi, ông Nguyễn Xuân Thái, hồi đó làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Lâm đã ra thông báo và trực tiếp hứa với các hộ dân chúng tôi rằng ai lấy tiền hoặc lấy đất thì đăng ký và còn vận động chúng tôi là nên nhận đền bù bằng phương thức đổi đất bởi vì nếu nhận đền bù bằng tiền thì UBND xã cũng phải bán đất mới có tiền để trả đền bù cho các hộ?! Sau một thời gian dài chờ đợi, chúng tôi có thắc mắc, kiến nghị thì UBND xã lại mời dân lên họp và hứa, nhưng hứa hẹn đến 4-5 lần nhưng vẫn không thực hiện được. Đến cuối năm 2020, khi ông Nguyễn Hồng Phong giữ chức Chủ tịch UBND xã, thì tiếp tục mời các hộ lên họp và tiếp tục hứa hẹn, có ghi cả biên bản nội dung, song từ đó đến nay đã gần 3 năm mà lời hứa đó vẫn chỉ nằm trên giấy”.

Tại biên bản làm việc ngày 1-10-2020, giữa UBND xã Yên Lâm do ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã chủ trì làm việc với các hộ dân thôn Đông Sơn về GPMB, đoạn kết luận ghi nội dung: “Các hộ thống nhất lấy đất thì UBND xã cam kết sẽ cấp đất cho các hộ, chậm nhất là đến ngày 15-11-2020. Nếu sau thời gian cam kết nói trên chưa cấp đất cho các hộ, UBND xã sẽ chịu trách nhiệm.”

“Cán bộ xã vận động GPMB bằng lời hứa đất đổi đất là vậy, mà bây giờ lại vận động nhận đền bù bằng tiền, mà số tiền đền bù thì quá thấp. Nếu số tiền trên mà gia đình tôi được nhận ngay sau khi bàn giao đất để GPMB, đã mua được vài ba lô đất trên đường tỉnh 518C, thì bây giờ giá thị trường đã lên mức rất cao”, bà Hường phân trần.

Ngày 5-5-2022, làm việc với UBND thị trấn Yên Lâm về nội dung đơn phản ánh của các hộ dân nêu trên, chúng tôi được biết, dự án đường giao thông qua trung tâm thị trấn Yên Lâm, đoạn thuộc đường tỉnh 518 có chiều dài hơn 2,6 km, quy mô đầu tư tổng thể tuyến thành đường phố gom đô thị loại V, miền núi với nền đường rộng 26 m, mặt đường rộng 16 m chia 2 làn, dải phân cách giữa rộng 2 m. Dự án do UBND thị trấn Yên Lâm làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm, cho biết: Năm 2019, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định về việc giao cho UBND thị trấn Yên Lâm làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường đôi (đoạn km8+100 đến km 10+800 đường tỉnh 518), địa phương tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình đường giao thông, khắc phục tình trạng hư hỏng hoàn toàn của tuyến đường cũ bên phải tuyến, đồng thời góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, hiện thực hóa quy hoạch chung đô thị đã được duyệt.

Xung quanh đơn thư phản ánh của một số công dân xã Yên Lâm (Yên Định) về việc bồi thường giải phóng mặt bằng

Đoạn đường người dân phản ánh đã tháo dỡ công trình xây dựng lùi vào bên trong, nhưng việc bồi thường chưa thỏa đáng.

UBND thị trấn Yên Lâm đã phối hợp với Hội đồng GPMB huyện kiểm kê đất, tài sản, hoa màu trên đất đối với các hộ thuộc diện GPMB để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Trong số 650 hộ thuộc diện phải GPMB để thực hiện dự án, có 71 hộ có nguồn gốc, lịch sử sử dụng đất từ trước năm 1980 phải bồi thường, hỗ trợ GPMB với tổng diện tích đất thu hồi là 4.723,56 m2 đất ở. Sau khi có kết quả kiểm kê, UBND huyện Yên Định đã phê duyệt phương án và dự toán bồi thường GPMB tại Quyết định số 2519/QĐ-UBND, ngày 5-8-2019 với tổng kinh phí bồi thường GPMB trên 10,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, nên chưa có kinh phí để chi trả cho các hộ dân. Vì vậy, thị trấn đã làm tờ trình đề nghị huyện cho phép được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá đất để lấy tiền chi trả tiền bồi thường GPMB và được cấp đất ở tái định cư cho các hộ dân, nhưng không được chấp nhận.

“Ai sai đến đâu thì phải xử lý đến đó”

Tìm hiểu thêm tại UBND huyện Yên Định, chúng tôi được biết Dự án vốn LRAMP làm mặt đường tỉnh 518 do Sở Giao thông - Vận tải thực hiện vào dịp xã Yên Lâm đang phấn đấu để hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận thị trấn. Do đó, UBND xã Yên Lâm thời bấy giờ có đề xuất với lãnh đạo huyện từ năm 2018 - 2019 để đầu tư xây dựng đường đôi đi qua địa bàn và được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất, trong đó một phần vốn của Dự án LRAMP, huyện đảm nhiệm phần móng và hỗ trợ một phần kinh phí xây lắp.

Về công tác GPMB, huyện Yên Định giao cho xã Yên Lâm chịu trách nhiệm kinh phí bồi thường GPMB và phối hợp với Hội đồng GPMB huyện triển khai và tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, Chủ tịch Hội đồng GPMB dự án đường giao thông qua trung tâm thị trấn Yên Lâm, đoạn thuộc đường tỉnh 518, cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện GPMB, chính quyền xã Yên Lâm làm rất quyết liệt và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành và ủng hộ GPMB bàn giao cho nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công. Tuy nhiên, do nóng vội trong công tác GPMB nên có một số nội dung trong công tác GPMB, xã đã làm không đúng thẩm quyền, như: Thông báo cho các hộ dân để đăng ký đất đổi đất. Khi Hội đồng GPMB gửi phương án kiểm kê để xã thông báo cho dân thì lãnh đạo địa phương cho biết Nhân dân đã ủng hộ, hiến đất hàng trăm tỷ đồng và thống nhất GPMB, không có hộ dân nào thắc mắc. Sau khi có phương án phê duyệt bồi thường GPMB, thì UBND xã Yên Lâm thời bấy giờ không bố trí được nguồn vốn để chi trả nên lãnh đạo xã đã đưa ra phương án đất đổi đất và làm tờ trình đề nghị huyện cho phép được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá đất để lấy tiền chi trả tiền bồi thường GPMB và được cấp đất ở tái định cư cho các hộ dân, nhưng không được chấp nhận”.

Được biết, sau khi nhận được đơn thư của các hộ dân, UBND huyện đã làm việc, đối thoại với các hộ dân và cũng đã trả lời bằng văn bản nhưng các hộ dân vẫn không đồng thuận. UBND thị trấn Yên Lâm đã có văn bản đề nghị UBND huyện Yên Định giải quyết đất tái định cư cho các hộ dân song UBND huyện Yên Định đã khẳng định không thể giải quyết trái quy định của pháp luật, bởi trong số 71 hộ dân thuộc diện GPMB không có hộ nào thuộc diện được tái định cư.

Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng GPMB dự án đường giao thông qua trung tâm thị trấn Yên Lâm, đoạn thuộc đường tỉnh 518, ông Bình cũng nhận một phần trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện GPMB để xảy ra tình trạng đơn thư phản ánh kéo dài, vượt cấp gây bức xúc cho người dân, làm mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ngày 5-1-2022, UBND huyện Yên Định đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-UBND phê duyệt tiền lãi chậm chi trả bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án đường giao thông qua trung tâm xã Yên Lâm với tổng kinh phí hơn 2,68 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thị trấn Yên Lâm, ngân sách huyện hỗ trợ và nguồn huy động hợp pháp khác. Quyết định cũng nêu rõ, sau khi phương án được phê duyệt, Hội đồng GPMB dự án phối hợp với UBND thị trấn Yên Lâm tổ chức chi trả tiền cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng trong quý I-2022.

Xung quanh đơn thư phản ánh của một số công dân xã Yên Lâm (Yên Định) về việc bồi thường giải phóng mặt bằng

Do đoạn đường người dân đang phản đối nên nhà thầu chưa thảm được nhựa.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết thêm: Sau hơn 2 năm phê duyệt phương án thì Hội đồng bồi thường GPMB dự án mới có tiền chi trả, do đó huyện phải tính đến phương án tiền lãi chậm chi trả bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án (tính từ thời điểm sau 30 ngày kể từ ngày phê duyệt phương án bồi thường GPMB đến thời điểm hiện tại) để chi trả tiền lãi chậm cho các hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 94 Luật Đất đai 2013. Sau khi có kinh phí chi trả tiền bồi thường GPMB, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể thị trấn Yên Lâm đã tích cực vận động, giải thích cho các hộ dân; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật liệu để xây dựng tường rào cho các hộ dân. Hiện nay, đã có trên 60 hộ thống nhất và nhận đủ số tiền bồi thường GPMB, còn lại 8 hộ chưa thống nhất nhận tiền và cản trở thi công, làm chậm tiến độ dự án và không thể nghiệm thu bàn giao công trình theo quy định của Sở Giao thông - Vận tải.

“Để giải quyết dứt điểm vụ việc trên, quan điểm chỉ đạo của huyện tiếp tục tuyên truyền vận động, giải thích cho người dân hiểu và chấp hành; đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy để chỉ đạo địa phương xây dựng phương án áp chế đối với các hộ dân còn lại. Thời gian tổ chức thực hiện dự kiến từ 15 đến 20-5-2022. Trong quá trình xử lý, giải quyết ai sai đến đâu thì phải xử lý đến đó theo quy định của pháp luật”, ông Bình nhấn mạnh.

Nhóm PV Bạn đọc - TL


Nhóm PV Bạn đọc - TL

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]