(Baothanhhoa.vn) - Theo các cụ cao niên ở các bản Thái Quan Sơn, khua luống (hay còn gọi là quánh lóng) là một loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào người Thái ở tỉnh Thanh nói chung và đồng bào Thái ở Quan Sơn.

Đặc sắc làn điệu khua luống của đồng bào dân tộc Thái ở Quan Sơn

Theo các cụ cao niên ở các bản Thái Quan Sơn, khua luống (hay còn gọi là quánh lóng) là một loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào người Thái ở tỉnh Thanh nói chung và đồng bào Thái ở Quan Sơn.

Đặc sắc làn điệu khua luống của đồng bào dân tộc Thái ở Quan SơnKhua luống của đồng bào dân tộc Thái ở bản Bá, xã Trung Hạ.

Cũng như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, khua luống có nguồn gốc từ đời sống lao động sản xuất, gắn liền với hoạt động giã gạo của những người phụ nữ Thái. Hằng ngày, khi những nếp nhà của bản vẫn còn vùi mình say ngủ trong sương mù bảng lảng, người phụ nữ Thái đã phải thức dậy, bắt đầu một ngày làm việc của mình bên luống giã gạo. Nhịp chày giã gạo lúc khoan thai, lúc lại dồn dập. Cũng có những lúc ngẫu hứng, nhịp chày phá cách khua vào thành luống hoặc khua vào nhau tạo nên âm thanh rộn ràng. Cứ thế, dần qua thời gian, khua luống đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành khúc ca dung dị mà thân thuộc của người dân bản Thái.

Trong đời sống văn hóa của người Thái Quan Sơn, khua luống thường được diễn tấu trong các dịp vui xuân, đón tết, lễ hội hoặc trong bản có các sự kiện vui, buồn như đám cưới, đám tang với nhiều điệu luống khác nhau. Để có thể diễn xướng khua luống, người ta lấy 1 cây gỗ to, rồi đục một lỗ hổng rộng để tạo âm thanh và dùng những chiếc gậy bằng gỗ vừa tay cầm dài khoảng 1,5m để đánh vào thân gỗ. Tham gia khua luống thường có từ 6 đến 8 người nữ chơi, trong đó một người làm cái, một người gõ nhịp và các cặp còn lại dùng những chiếc gậy gỗ gõ vào thành của cây gỗ đã rỗng ruột, theo nhịp phách do người làm cái gõ tạo thành một loại âm thanh vừa rộn ràng, chắc gọn lại mộc mạc, giản dị, hòa lẫn tiếng cồng, chiêng tạo nên một không khí lễ hội tưng bừng, rộn rã. Khua luống thường kết hợp với trống, chiêng. Chiêng tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; luống là tượng trưng cho sông nước. Khi nhạc trống, chiêng, khua luống vang lên quện với nhau tạo thành một bản hợp xướng sôi động để mọi người cùng quây quần ca hát, nhảy múa.

Khua luống của đồng bào dân tộc Thái ở Quan Sơn thường có 12 điệu luống, như: Luống đón khách, luống mừng được mùa, đập lúa đêm trăng... cùng với luống còn rộn rã tiếng cồng, chiêng diễn tả hái lượm, bắt cá, bẫy chim thú... Tuy âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống không có được cái luyến láy, bổng trầm như những loại nhạc cụ hiện đại, nhưng nó lại như thứ keo kết dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một khối cộng đồng thống nhất của tình bạn, tình thương yêu, mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc và trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Thái ở Quan Sơn.

Bài và ảnh: Khánh Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]