Vai trò của Trung ương Cục Miền Nam trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tập kết, chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc, năm 1954-1955
Từ căn cứ ở miền Tây Nam Bộ, Trung ương Cục Miền Nam trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện cam kết Hiệp định đình chiến, đưa lực lượng vũ trang về khu vực tập kết, chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc.
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Đảng chủ trương tuân thủ Hiệp định Giơnevơ, tiến hành tập kết, chuyển lực lượng vũ trang cách mạng từ miền Nam ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định. Lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên miền Nam tập kết ở 3 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười (tỉnh Long Châu Sa, nay là tỉnh Đồng Tháp); Khu tập kết 200 ngày ở Chắc Băng, Cà Mau. Từ căn cứ ở miền Tây Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện cam kết Hiệp định đình chiến, đưa lực lượng vũ trang về khu vực tập kết, chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc.
Ở miền Bắc, tỉnh Thanh Hóa là nơi đón tiếp chính đối với các đoàn tập kết đi bằng đường biển, với nhiều cơ sở đón tiếp, chăm sóc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, như: Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa... Các địa điểm đầu tiên tập kết là cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn). Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nhưng cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mới hoàn thành trên nửa nước, từ vĩ tuyến 17 trở vào, đồng bào, đồng chí Nam Bộ tạm thời dưới quyền kiểm soát của chính quyền do Mỹ dựng lên. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới trong điều kiện quốc tế và trong nước có những thuận lợi to lớn, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, phức tạp. Khi Hiệp định Giơnevơ vẫn là cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh, khi mà đế quốc Mỹ và tay sai chưa đủ điều kiện xé bỏ bản Hiệp định ấy, Bộ Chính trị vạch rõ nhiệm vụ trước mắt của miền Nam là: Thi hành triệt để hiệp định đình chiến; tiến hành tập kết chuyển quân, sẽ tổng tuyển cử sau 2 năm; chuyển hướng công tác cho thích hợp với điều kiện hòa bình; đoàn kết rộng rãi, tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình, đấu tranh để đánh đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, vận động thành lập một Chính phủ tán thành hòa bình, thừa nhận quyền tự do dân chủ, tán thành thống nhất bằng tổng tuyển cử, cải thiện dân sinh, thương lượng với chính phủ ta...
Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, tính từ ngày 21/7/1954, 35 ngày sau, đến 6 giờ ngày 26/8/1954, lực lượng chuyển quân tập kết xong tại ba địa điểm: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh Đồng Tháp và Cà Mau. Cũng tính từ ngày 21/7/1954, thời gian tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc là 80 ngày (đến 6 giờ ngày 11/10/1954); thời gian tập kết tại Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười là 100 ngày (đến 6 giờ ngày 30/10/1954) và thời gian tập kết tại Cà Mau là 200 ngày (đến 6 giờ ngày 10/2/1955). Lãnh đạo chuẩn bị và tiến hành tập kết, chuyển quân là một trong những công tác trọng tâm lớn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Trung ương Cục miền Nam và các cấp ủy Đảng ở Nam Bộ. Để thuận lợi cho công tác tập kết, chuyển quân, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục Miền Nam và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ chuyển về đóng dọc theo kinh Huyện Sử, chỉ đạo 2 nhiệm vụ: tổ chức chuẩn bị tập kết và lo bố trí cán bộ ở lại miền Nam.
Từ tháng 7/1954, Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ thị số 41 CT/TW “Về việc tập kết quân đội và chính quyền”, nêu rõ những yêu cầu về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, các tiêu chí lựa chọn cán bộ trong thực hiện tập kết. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tiến hành hành tập kết trong hoàn cảnh hết sức phức tạp đã nảy sinh những vấn đề bất cập: xáo trộn về tư tưởng, biến động tổ chức, tâm lý, tình cảm người đi tập kết, người ở lại. Trong khi đó, địch tung gián điệp vào các vùng của ta phá hoại cả về tư tưởng và tổ chức, dụ dỗ lừa mỵ nhân dân, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương của Đảng...
Trong khi thi hành chủ trương tập kết của Đảng, nhiều cấp ủy Đảng đã buông lơi lãnh đạo, xuất hiện tư tưởng sai lầm như cho rằng việc đi tập kết là “để chạy giặc, để hưởng lợi lộc cá nhân”. Những sai lầm đó đã gây những ảnh hưởng đến các tổ chức cơ sở xã, huyện. Ở Long - Châu - Hà, chưa khai thông tư tưởng, đã tập kết cán bộ đảng viên, nhiều xã có tới 50 cán bộ đi tập kết. Nhiều cán bộ các tỉnh vùng du kích tạm bị chiếm, tản cư về ở vùng căn cứ Bạc Liêu cũng yêu cầu được đi tập kết ra Bắc. Đã có hiện tượng cán bộ bán nhà cửa, ruộng vườn để đưa gia đình ra Bắc... Ở các địa phương, việc bàn tán, đồn đại tên những cán bộ đi, ở và những việc liên quan đến kế hoạch chuyển quân diễn ra phổ biến, có nguy cơ làm lộ bí mật trong khi địch đã tung nhiều gián điệp vào vùng ta để điều tra số cán bộ ở lại nhằm tiêu diệt, phá hoại tổ chức Đảng sau này.
Từ tháng 8 năm 1954 đến đầu năm 1955, Trung ương Cục Miền Nam tiếp tục ban hành một số nghị quyết, chỉ thị nhằm bổ sung và chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo chặt chẽ công tác tập kết, chuyển quân. Chỉ thị 50/CT-TW, ngày 20/8/1954, về “cải bổ Chỉ thị về tập kết số 41/CT-TW” nhấn mạnh việc triệt để giữ bí mật những vấn đề liên quan đến kế hoạch chuyển quân tập kết, tuyệt đối giữ bí mật danh sách cán bộ, đảng viên đi hay ở lại, nhằm đảm bảo cho thành công của công tác chuyển quân đồng thời đảm bảo an toàn cho cán bộ đảng viên hoạt động sau này. Đối với các đồng chí tự nguyện ở lại địa phương công tác, Trung ương Cục Miền Nam chỉ thị cho các tỉnh Vĩnh Trà, Bến Tre trong khu vực tập kết Cà Mau sắp xếp tạo điều kiện để cán bộ ở lại có thể bám sát dân, hoạt động trong hoàn cảnh đấu tranh chính trị sắp tới.
Trung ương Cục Miền Nam chỉ rõ, cần phải chấn chỉnh những sai lầm tai hại bằng cách: giáo dục tư tưởng, chính trị để cán bộ đảng viên thông suốt nhiệm vụ đi ra Bắc hay ở lại cũng đều là để chiến đấu, đều vinh quang. Cấp ủy, chính quyền không được buông lỏng lãnh đạo; phải dựa vào tiêu chuẩn tập kết để lựa chọn người đi hay ở lại cho đúng và phù hợp với điều kiện, tình hình cán bộ, đồng thời không áp dụng máy móc, hoặc bừa bãi những tiêu chuẩn của Trung ương đã đề ra. Trung ương Cục Miền Nam nhấn mạnh, về công tác tư tưởng, là nâng cao ý thức chiến đấu cho cán bộ, đảng viên, nhân viên trong các cơ quan kháng chiến, làm cho họ nhận thức rõ nhiệm vụ liên tục chiến đấu để phục vụ nhân dân, để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ. Việc tập kết quân sự là do đấu tranh thắng lợi của ta mà có. Tập kết là để xây dựng một lực lượng quân đội nhân dân hùng mạnh, trụ cột bảo đảm hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ. Những người được chọn đi tập kết có nhiệm vụ nặng nề vinh quang đó. Những người được chọn ở lại là cần thiết bám sát nhân dân, vận động nhân dân đấu tranh chính trị, cũng là để củng cố hòa bình, thực hiện dân chủ, thống nhất, hoàn thành độc lập.
Chỉ thị số 50 của Trung ương Cục Miền Nam chỉ rõ đối tượng, tiêu chuẩn đi tập kết và ở lại Nam Bộ. Những người được lựa chọn đi để xây dựng lực lượng, gồm có: “Bộ đội, cần đi để xây dựng lực lượng vũ trang; cán bộ chuyên môn, kỹ thuật giỏi cần cho việc kiến thiết xứ sở; các chiến sĩ Nam Bộ và toàn quốc. Ngoài ra còn đưa đi những giáo sĩ, lãnh tụ tôn giáo do cấp ủy lựa chọn; một số cán bộ đi công tác do cấp ủy Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính chỉ định; thương, bệnh binh và một số cán bộ đau yếu và một số đối tượng ở lại không có lợi cho cách mạng”. Ngoài các tiêu chí chung, Trung ương Cục cũng đề ra các tiêu chuẩn cụ thể đối với các ngành, các cấp: quân sự, công nhân, cán bộ nhân viên Dân, Chính, Đảng, các tù binh và thường dân bị bắt do đối phương trao trả; gia đình cán bộ nhân viên..., để làm căn cứ lựa chọn, đi ra Bắc hay ở lại Nam Bộ. Đối với quân đội, thì ban hành chỉ thị riêng. Để bảo đảm an toàn cho công tác tập kết, chuẩn bị chuyển quân, tránh địch khiêu khích, trong dịp kỷ niệm lần thứ 8 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 15/9/1954 Trung ương Cục đã ban hành chỉ thị gửi các tỉnh. Chỉ thị yêu cầu: Đối với các vùng Pháp đóng quân, các cấp ủy Đảng “không biểu tình, không mít tinh bộc lộ lực lượng. Không nên có lời lẽ và hành động khiêu khích”.
Tiếp đó, ngày 23/10/1954, Trung ương Cục Miền Nam ra Nghị quyết số 13/NQ-TWC, “Nghị quyết Tổ chức Đảng ủy chuyển quân và tổ chức Đảng trong các lực lượng Dân Chính Đảng”. Nghị quyết này nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động tập kết, chuyển quân; đồng thời quán triệt cán bộ đảng viên nhận thức rõ cuộc chuyển quân ra Bắc là một cuộc chuyển quân quy mô, khó khăn, phức tạp, nhận rõ trách nhiệm và quyết tâm hoàn thành thắng lợi việc chuyển quân tập kết.
Tại khu vực chuyển quân 200 ngày ở Cà Mau, sau khi xem xét kỹ về đạo đức và năng lực công tác của cán bộ, Trung ương Cục Miền Nam ban hành Chỉ thị quyết định tổ chức Đảng ủy chuyển quân khu vực Cà Mau. Tổ chức này có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc chuyển quân của toàn khu vực Cà Mau ra Bắc và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Trung ương Cục Miền Nam. Thành phần Đảng ủy gồm đồng chí: Dương Quốc Chính, Phó Bí thư, Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây; các đồng chí Nguyễn Chánh và Bùi Văn Dự, Ủy viên Ban tập kết Quân Dân Chính Phân Liên khu miền Tây Tổ chức Đảng ủy chuyển quân tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy chuyển quân Khu, chịu trách nhiệm lãnh đạo chuyển quân trong phạm vi tỉnh. Thành phần của Đảng ủy chuyển quân tỉnh gồm có Trung đoàn ủy và 1 đồng chí trong lực lượng Dân Chính Đảng tập kết theo trung đoàn. Nhân sự cụ thể của Đảng ủy sẽ do các tỉnh đề nghị, Đảng ủy Khu đồng ý và phải được Trung ương Cục Miền Nam duyệt y. Trung ương Cục Miền Nam quy định rõ phạm vi trách nhiệm của các tổ chức Đảng ủy chuyển quân: Chỉ chịu trách nhiệm lãnh đạo về mặt chuyển quân, còn việc xây dựng lực lượng hoàn toàn thuộc về Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh, các Quân đoàn ủy và Ban Chỉ huy trung đoàn. Tất cả các lực lượng Quân Dân Chính sau khi biên chế thành đơn vị và các đồng chí trong đại đội được tổ chức thành 1 chi bộ; nếu có nhiều chi bộ thì có Liên chi lãnh đạo chung.
Trong quá trình chuyển quân từ các khu tập kết, Trung ương Cục thường xuyên theo dõi chặt chẽ và có sự chỉ đạo kịp thời. Ngày 1/11/1954, Trung ương Cục ban hành Chỉ thị số 68/CT-TW gửi các Trung đoàn ủy, các Đảng ủy chuyển quân cao cấp, các Liên Xí nghiệp Nam Bộ (các tổ chức Đảng ở các cơ quan cấp Nam Bộ). Chỉ thị nêu rõ: “Lực lượng ta ở hai khu vục Hàm Tân, Xuyên Mộc và Đồng Tháp Mười đã đi hết, nay đến lượt khu vực Cà Mau bắt đầu chuyển quân. Thời gian phải chuyển hết lực lượng đóng khung trong vòng 3 tháng... phải cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và khẩn trương”. Trung ương Cục nhắc nhở một số đơn vị bộ đội, cơ quan Dân Chính Đảng khắc phục hiện tượng chậm trễ trong công tác chuyển quân, phải khẩn trương mọi mặt để thực hiện chuyển hết trong thời gian quy định. Việc chuyển quân được tiến hành bằng đường biển và đường bộ. Chỉ thị lưu ý: Cuộc chuyển quân bằng đường biển chịu ảnh hưởng thời tiết rất nhiều, do đó, phải tranh thủ chuyên chở cho được càng nhiều càng tốt ngay trong những ngày đầu. Phương tiện chuyển quân lại nhờ phương tiện của các nước bạn, cần tận dụng tối đa các phương tiện đó, không để tàu nằm chờ lâu, để phục vụ cho hiệu quả nhất cho việc chuyển quân.
Những chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Cục đã góp phần làm cho công tác tập kết chuyển quân diễn ra thành công. Tại Phân Liên khu miền Đông (bao gồm cả đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn), lực lượng tập kết chuyển quân có 14.635 người, gồm: 19 tiểu đoàn và 8 đại đội vũ trang chiến đấu; 2 tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Ðông Campuchia; Phân liên khu bộ và các cơ quan Phân liên khu, trung đoàn bộ, tỉnh đội bộ; bộ phận đặc khu bộ và các cơ quan Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại Phân Liên khu miền Tây, lực lượng tập kết chuyển quân được tổ chức thành 4 trung đoàn, tổng quân số có 13.327 người, gồm: Trung đoàn 1 (Tiểu đoàn chủ lực 307, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Vĩnh Trà, Bến Tre); Trung đoàn 2 (Tiểu đoàn 410, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Cần Thơ, Long Châu Sa); Trung đoàn 3 (Tiểu đoàn 308, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Trà); Trung đoàn 4 (các cơ quan tham mưu, chính trị, cung cấp, quân nhu, các đơn vị binh chủng)
Từ ngày 26/8/1954, các con tàu vận tải mang tên Áckhăngghen, Xtazerôpôn (của Liên Xô), Kilinky (của Ba Lan) đưa những đoàn cán bộ chiến sĩ tập kết của Nam Bộ ra miền Bắc. Ngày 25/9/1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến Sầm Sơn. Ðến cuối tháng 10/1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở hai khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc và Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam Bộ khu vực Cà Mau ra đến miền Bắc. Ðến đây, việc tập kết chuyển quân ở chiến trường Nam Bộ ra Bắc được hoàn tất. Riêng bãi biển Sầm Sơn đã đón tiếp 45 chuyến tàu cập bến, với tổng số 79.996 người.
Tổng kết cuộc chuyển quân lịch sử, trong bản báo cáo trình bày trước Quốc hội khóa I (kỳ họp lần thứ 4, phiên họp thứ 2), ngày 20/3/1955, thay mặt Chính phủ, Ðại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định: "...Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của Nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn Liên Xô, Ba Lan trong việc vận chuyển, chúng ta đã thực hiện các việc nói trên đúng thời hạn hoặc sớm hơn thời hạn đã định. Hiện nay trừ một bộ phận lực lượng của ta còn tạm đóng trong vùng Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, trên 7 vạn quân ta và một số anh em cán bộ và đồng bào ta ở miền Nam đã an toàn chuyển ra miền Bắc”.
Khi những đoàn tàu chở cán bộ, Nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc cập bến tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), cán bộ, chiến sĩ miền Nam vô cùng xúc động, hân hoan trước quang cảnh tiếp đón của Nhân dân miền Bắc XHCN, mà trực tiếp là cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thanh Hóa. Khắp nơi, Nhân dân treo cờ, băng rôn rợp trời và hô vang khẩu hiệu “Hoan hô cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc”. Không khí hân hoan, phấn khởi bao trùm bãi biển, nói lên tình cảm của Bắc Nam chan hòa, ấm áp. Ủy hội Quốc tế giám sát tại Sầm Sơn có 3 người Ấn Độ, Canađa, Ba Lan, đến 6 giờ chiều thì rút. Trong những ngày ở Sầm Sơn, cán bộ, chiến sĩ miền Nam được Ban đón tiếp và Nhân dân Thanh Hóa quan tâm, chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ, trang bị quần áo ấm. Dù đang rất thiếu thốn về mọi mặt, lương thực không đủ nhưng đồng bào Thanh Hóa, đại diện cho Nhân dân miền Bắc đã hết lòng tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Buổi tối, các cuộc liên hoan văn nghệ được tổ chức sôi nổi. Anh chị em dân công vừa nấu ăn, vừa hò hát các bài hát “Chiến thắng Điện Biên”, “Hò kéo pháo”, nắm tay nhau múa bài kết đoàn, múa sạp của đồng bào Thái rộn ràng. Tình cảm của người dân nơi đây đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam “thấy được không khí phấn khởi của đồng bào miền Bắc trong ngày vui chiến thắng”, cảm nhận được “tình cảm Nam Bắc thật chan hòa ấm áp”, “tình cảm dạt dào của Trung ương và Nhân dân miền Bắc đối với chúng tôi, làm cho chúng tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ...”.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, từ sau khi ký Hiệp định Giơnevơ đến đầu năm 1955, Trung ương Cục Miền Nam - với vai trò là một bộ phận của Trung ương Đảng, đóng tại miền Tây Nam Bộ, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện cuộc kháng chiến ở các tỉnh Nam Bộ (từ Bình Thuận, Ninh Thuận trở vào) đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nhiệm vụ tập kết, chuyển lực lượng vũ trang, cán bộ cơ quan Dân Chính Đảng, cán bộ, đảng viên... của Nam Bộ ra Bắc theo chủ trương của Đảng. Trong quá trình đó, Trung ương Cục Miền Nam đã nắm chắc diễn biến tình hình thực tế, nhanh chóng phát hiện những bất cập trong điều hành, những lệch lạc trong nhận thức để có sự điều chỉnh kịp thời, bảo đảm giữ gìn bí mật, thực hiện chuyển quân đúng kế hoạch, khẳng định tinh thần tuân thủ nghiêm túc Hiệp định đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương của Đảng, quân và dân Việt Nam. Trước khi lực lượng kháng chiến của ta chuyển ra Bắc, Trung ương Cục Miền Nam đã lãnh đạo cấp ủy xây dựng Khu tập kết 200 ngày tại Cà Mau thành hình mẫu của chính quyền cách mạng, giúp cho người dân nơi đây được hưởng nền hòa bình, tạo điều kiện cho đồng bào cảm nhận về một chính quyền của dân, do dân và vì dân, gây dựng tình cảm sâu sắc của cán bộ chiến sĩ miền Nam đối với miền Bắc XHCN. Tình cảm đó càng sâu đậm hơn, khi những đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam được đón tiếp nồng hậu, ấm tình đồng chí, đồng bào của Nhân dân Thanh Hóa tại các nơi đón tiếp và chăm sóc sức khỏe trước khi nhận nhiệm vụ, ổn định cuộc sống trên miền Bắc.
Từ quá trình lãnh đạo và vai trò của Trung ương Cục Miền Nam đối với nhiệm vụ tập kết chuyển quân từ Nam ra Bắc để lại cho Đảng kinh nghiệm quý giá, đó là: Phải luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, làm tốt công tác cán bộ; phải chú trọng tuyên truyền, giáo dục cán bộ và Nhân dân giữ gìn bí mật, bảo vệ Đảng, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền; Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần tốt đẹp cho Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; không ngừng chăm lo xây dựng khối đoàn kết toàn dân là nguồn sức mạnh vô địch để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi mục tiêu, nhiệm vụ trong mọi thời kỳ cách mạng.
TS. Đoàn Thị Hương
Phó Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng,
Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-18 06:56:00
Những tư liệu, hiện vật quý về đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đối với học sinh miền Nam ở hậu phương miền Bắc
Trường học sinh miền Nam trên miền Bắc 1954-1975 là hình ảnh của nước Việt Nam thống nhất
Kỷ niệm của tôi với Đoàn văn công Liên khu V cách đây 70 năm
Công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn cơ bản hoàn thành
Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình
Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”
Cầu truyền hình trực tiếp “Niềm tin và Khát vọng” Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024)
Họp báo về các hoạt động Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn