Tương lai của thành phố biển...
Định danh Sầm Sơn gợi nhớ về một phức hợp những giá trị thiên tạo và nhân tạo. Bàn tay tạo hóa khéo léo sắp đặt nên cuộc tự tình, giao hữu của sóng nước, đất đai, đá núi... để làm nên thắng cảnh Sầm Sơn say đắm lòng người. Trải qua hàng ngàn năm “quai đê, lấn biển”, các thế hệ người dân Sầm Sơn đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” lập nên làng, xã, hăng hái lao động sản xuất để có được cuộc sống như hôm nay. Phát huy những tiềm năng, lợi thế, kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn đoàn kết, mang hết tâm - trí - lực để tiếp tục thực hiện khát vọng phát triển thành phố trẻ.
Du lịch Sầm Sơn ngày càng khẳng định được thương hiệu, vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia. Ảnh: Hoàng Đông
Có thể hình dung, Sầm Sơn tựa hồ như một thiếu nữ kiều diễm, mơn mởn sức sống. Sầm Sơn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bãi tắm dài thoai thoải cát trắng, biển cả mênh mông soi bóng dãy Trường Lệ. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh độc đáo như: Đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền thờ Tô Hiến Thành, hòn Trống Mái,... gắn liền với các lễ hội dân gian, truyền thống và những câu chuyện kể nhuốm màu sắc tâm linh, huyền thoại... Tất cả đã hòa quyện, đan cài vào nhau, “thanh” - “sắc” đồng hiện, tỏa rạng sức lôi cuốn, hấp dẫn của thành phố du lịch biển có thương hiệu, có bản sắc riêng với nhiều giá trị du lịch độc đáo, nổi trội. Đầu thế kỷ 20, khi người Pháp cho xây dựng đường sá và những công trình hiện đại đầu tiên phục vụ nghỉ dưỡng, du lịch Sầm Sơn dần được khai phá. Sầm Sơn được người Pháp ví như viên ngọc biển, địa danh nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương.
Cái danh giá, tự hào của vùng đất ghi dấu những vang động lịch sử, lấp lánh tinh hoa văn hóa, truyền thống cách mạng; nơi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, được Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm địa điểm đầu tiên cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc... trở thành điểm tựa vững vàng, nguồn lực nội sinh quan trọng cổ vũ, động viên đất và người Sầm Sơn không ngừng nỗ lực, cố gắng. Đồng thời, cũng chính hào quang lịch sử, đẹp đẽ của cội nguồn văn hóa là “chiếc gương soi” để du lịch Sầm Sơn nghiêm khắc nhìn nhận, quyết tâm đổi mới.
Trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch trọng điểm, cần được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “xây dựng và phát triển Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế. Cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất: dịch vụ chiếm 84,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 14,3%; nông, lâm, thủy sản chiếm 1,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 200 triệu đồng/năm... Tầm nhìn đến năm 2045, Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu cả nước; kết nối chặt chẽ với TP Thanh Hóa về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.
Bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, những năm qua, TP Sầm Sơn tăng cường công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý du lịch; kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; một số khu đô thị mới, nhiều công trình lớn hoàn thành, đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo đô thị. Sầm Sơn được mở rộng cả về địa giới hành chính và không gian phát triển; tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng... TP Sầm Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thu hút đầu tư, nhất là các “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cùng “làn sóng” đầu tư nghìn tỷ thông qua các dự án, công trình tầm cỡ tạo nên nguồn động lực to lớn cho những bước chuyển mình mạnh mẽ trên khắp dải bờ biển xứ Thanh nói chung. Việc đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn văn minh, thân thiện, đẹp trong lòng bạn bè và du khách được xác định là nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính cấp thiết, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài của TP Sầm Sơn...
Nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, tạo ấn tượng lớn trong lòng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng như: Khu quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; tổ hợp công viên vui chơi giải trí ngoài trời - Công viên Sun World Sầm Sơn; tuyến phố đi bộ kết hợp với kinh doanh mua sắm hàng lưu niệm, giải khát, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP... Tại khu vực cảng Hới, phường Quảng Tiến, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc không chỉ tô điểm thêm cho diện mạo, cảnh quan nơi đây, mà sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử - cách mạng, khơi dậy ý thức, trách nhiệm cống hiến của Nhân dân.
Từ các cồn cát nóng bỏng trưa hè, heo hút những ngày đông, bên cạnh những dải trũng sắc nước bốn mùa trong xanh, còn nguyên vị mặn của thời biển khơi chưa bồi lấp, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Sầm Sơn đã nỗ lực tạo nên những giá trị mới, tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là kinh tế du lịch.
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, TP Sầm Sơn đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai toàn tỉnh, giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) gấp 1,6 lần năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ ba toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh cả về quy mô và chất lượng; công nghiệp, xây dựng phát triển khá; sản xuất nông, lâm thủy sản cơ bản ổn định. Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (DDCI) tăng từ vị trí thứ 9 năm 2021 lên vị trí thứ 2. Thành phố tiếp tục là địa phương dẫn đầu về chỉ số năng động và vai trò của người đứng đầu với điểm số 9,98 điểm...
Du lịch Sầm Sơn tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế. Doanh thu, số lượt khách du lịch của thành phố ngày càng tăng qua các năm. Tổng lượt khách du lịch 3 năm (2021-2023) ước đạt 15,8 triệu lượt khách. Số lượt khách du lịch của thành phố luôn chiếm từ 65 - 70% tổng số lượt khách của toàn tỉnh; doanh thu du lịch 3 năm ước đạt 32.365 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cả giai đoạn 2016-2020. 9 tháng năm 2024, thành phố đón được 8,58 triệu lượt khách, tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 100,9% kế hoạch; số ngày khách đạt 16,8 triệu ngày, tăng 14,6% so với cùng kỳ, đạt 102,1% kế hoạch; doanh thu du lịch đạt 16.482 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ, đạt 104,8% kế hoạch. Chỉ tính riêng dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2024, Thanh Hóa là địa phương đứng đầu cả nước về lượng du khách. Từng bước khắc phục tính mùa vụ của du lịch biển, thời gian qua, thành phố vừa là đơn vị đăng cai, vừa là đơn vị tổ chức, phối hợp tổ chức các sự kiện nối tiếp nhau, trải dài suốt các tháng trong năm. Thông qua các chương trình văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động thể thao, du lịch để giới thiệu đến Nhân dân, du khách trong và ngoài nước về những đổi thay tích cực, chuyển biến mạnh mẽ trong diện mạo đô thị và chất lượng dịch vụ du lịch Sầm Sơn với những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Có thể nói, dẫu quá khứ, hiện tại hay tương lai, Sầm Sơn vẫn luôn là vùng đất đặc biệt. Một dải đất hẹp ven biển, thành phố có diện tích nhỏ nhất cả nước mà thăm thẳm bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa; là “đầu tàu” du lịch của xứ Thanh; nằm trong top điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng ấn tượng, từng được công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam (năm 2017). Và biển muôn đời vẫn ôm ấp, chở che, chắp cánh ước mơ, nuôi lớn khát vọng bay cao, vươn xa của đất và người Sầm Sơn.
Hình dung về “thành phố lễ hội” lại nhớ đến những chia sẻ đầy tâm huyết, trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn Lê Văn Tú tại sự kiện khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn: Phát huy tiềm năng và lợi thế nổi trội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố luôn xác định và quyết tâm phấn đấu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại, là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, bên cạnh sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, TP Sầm Sơn đã và đang quyết tâm tập trung khai thác và phát huy các lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hình thành các khu vui chơi giải trí, khu du lịch mới tầm cỡ quốc tế. Tập trung xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh du lịch; hình thành phong cách ứng xử lịch sự, thân thiện, mến khách, tạo tâm lý thoải mái cũng như sự hài lòng của du khách đến với Sầm Sơn. Quyết tâm xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Hương Thảo
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-27 09:05:00
Người thầy của học sinh miền Nam
Hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng: Mệnh lệnh từ trái tim!
Nỗi nhớ thương “ngày Bắc đêm Nam”
Xứ Thanh... nghĩa tình
Những đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc
Vai trò của ngành LĐ-TB&XH trong việc ổn định đời sống đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Khi ký ức cất lời
Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình
Một cuộc chuyển quân lịch sử
Những chuyến tàu xóa nhòa giới tuyến