Trận cầu đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước
Trận bóng đá lịch sử giữa đội bóng Tổng cục Đường sắt và Công nhân Cảng Sài Gòn diễn ra tại sân Thống Nhất cách đây tròn 48 năm (ngày 7/11/1976) là trận đấu đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, kết nối 2 miền, thắm tình đoàn kết dân tộc.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, đây là trận bóng đá đầu tiên giữa một đội bóng miền Bắc và một đội bóng miền Nam, sự kiện nhận được sự quan tâm sâu sắc của giới truyền thông trong nước và quốc tế. Với sự háo hức của khán giả đương thời, hòa chung bầu không khí sôi động, trận đấu này là minh chứng cho tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng hòa bình của người dân cả hai miền. Thời điểm đó, trận đấu mang ý nghĩa chính trị - xã hội vô cùng đặc biệt, không chỉ là cơ hội để hai đội bóng giao lưu thể thao, mà còn là sự kiện giúp gắn kết con người, mở ra một chương mới cho nền bóng đá nước nhà.
Cầu thủ 2 đội trong trận đấu lịch sử Bắc - Nam sum họp. Ảnh TL.
Tổng cục Đường sắt được biết đến là đội bóng mạnh của miền Bắc thời ấy, sở hữu những cầu thủ có thể hình tốt, lối chơi kỷ luật và thể lực dẻo dai. Với sự dẫn dắt của huấn luyện viên Trần Duy Long, người vừa tu nghiệp ở Học viện thể thao Kiev, các cầu thủ miền Bắc sẵn sàng mang đến trận đấu sự nhiệt huyết, tự tin với hy vọng giành chiến thắng trong lần đầu tiên đối đầu với đội bóng miền Nam. Cầu thủ Mai Đức Chung (hiện là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam), người góp mặt trong trận bóng năm đó chia sẻ: “Việc Tổng cục Đường sắt được chọn là có lý do đặc biệt, bởi thời điểm ấy rất mạnh, chỉ đứng sau Thể Công, từng nhiều lần là Á quân và vừa đoạt chức vô địch Công đoàn miền Bắc. Hơn nữa, việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt càng có ý nghĩa và hợp lý khi lúc đó tuyến đường sắt Bắc - Nam sắp khánh thành”.
Còn về phía Cảng Sài Gòn, là đội bóng của giai cấp công nhân và là đội bóng lớn nhất miền Nam, tập hợp những cầu thủ thiên về kỹ thuật và giàu kinh nghiệm, được dẫn dắt bởi Nguyễn Thành Sự, người từng cùng Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa chinh chiến ở nhiều giải đấu quốc tế khác nhau, bao gồm vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới vào năm 1973 và vô địch Giải bóng đá quốc tế năm 1974. Được đón tiếp những người đồng hương miền Bắc trên sân nhà, khán giả miền Nam háo hức “soi giò” các cầu thủ miền Bắc. Đội bóng Cảng Sài Gòn không chỉ thi đấu vì danh dự của đội bóng mà còn vì lòng tự hào của cả miền Nam.
Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên xen giữa tiếng cổ vũ, hò reo của khán giả dành cho cầu thủ hai miền khi bước ra sân. Ngay từ những phút đầu tiên, hai đội đã cống hiện cho khán giả những pha bóng hấp dẫn, đầy kỹ thuật. Tổng cục Đường sắt với sơ đồ chiến thuật 4-3-3 tổ chức chặt chẽ giúp lối chơi trở nên hiệu quả và thanh thoát hơn. Trong khi Cảng Sài Gòn sử dụng sơ đồ 4-2-4 đặc trưng, áp dụng chiến thuật tấn công nhanh, liên tục gây áp lực lên khung thành đối phương. Phút thứ 28 của trận đấu, từ đường tạt bóng sớm bất ngờ của tiền vệ Lê Thụy Hải, trung phong Mai Đức Chung có mặt đúng lúc, đón bóng và đánh đầu tung lưới Cảng Sài Gòn. Tỷ số 1-0 được duy trì đến hiệp 2. Phút 54, tiền vệ Lê Thụy Hải dẫn bóng, xoay xở vượt qua đội trưởng Phạm Huỳnh Tam Lang bên phía Cảng Sài Gòn, tung ra cú sút căng vào góc cao khung thành nhân đôi cách biệt cho Tổng cục Đường sắt.
Bàn thắng của trung phong Mai Đức Chung đội Tổng cục Đường sắt. Ảnh: TL.
Trận đấu kết thúc bằng hình ảnh cầu thủ hai bên ôm chầm lấy nhau vừa nghẹn ngào vừa xúc động, cổ động viên vây quanh hai đội, chia sẻ niềm vui chiến thắng, niềm vui của đoàn tụ. Gạt qua kết quả thắng thua, cầu thủ hai bên đã cống hiến cho khán giả một trận cầu giàu cảm xúc, trận đấu đã vượt qua khuôn khổ của một sự kiện thể thao, mang giá trị dân tộc trong ngày sum họp Nam – Bắc. Trận cầu đã thành công trong việc truyền tải thông điệp đoàn kết, là biểu tượng của lòng yêu nước và khát khao hòa bình, thống nhất đất nước.
Trận đấu ngày 7/11/1976 không chỉ là một trận bóng đá mà đã trở thành một biểu tượng lịch sử cho một thời kỳ mới của đất nước. Thông qua trận cầu ấy, người hâm mộ bóng đá nói riêng và người dân Việt Nam thời ấy nói chung đã được chứng kiến tinh thần hòa hợp dân tộc, sức mạnh của thể thao trong việc gắn kết lòng người. Đây sẽ mãi là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đánh dấu bước khởi đầu cho sự phát triển của thể thao nước nhà trong thời kỳ hòa bình và thống nhất.
C.D(Tổng hợp)
- 2024-10-19 12:28:00
Niềm vui của Pencak Silat Thanh Hoá ở lần thứ 3 liên tiếp Nhất toàn đoàn giải vô địch quốc gia
- 2024-07-03 11:00:00
Thanh Hoá xuất sắc giành “vàng” tại giải Vô địch Cờ tướng trẻ quốc gia năm 2024
- 2024-06-19 17:59:00
Võ sỹ trẻ Karate Thanh Hoá thi đấu thành công tại giải Vô địch trẻ quốc gia năm 2024
Nụ cười trở lại với HLV trưởng CLB Đông Á Thanh Hoá
HLV Popov bức xúc: “VPF bố trí lịch bất cập, không để cho cầu thủ kịp hồi phục"
Muay Thanh Hoá kì vọng trở lại mạnh mẽ trong năm 2024
[HIGHLIGHT] U19 Đông Á Thanh Hoá 2-0 U19 Luxury Hạ Long: Nhà ĐKVĐ giành vé dự VCK U19 Quốc gia
[HIGHLIGHT] U19 Luxury Hạ Long 0-2 U19 Đông Á Thanh Hóa: Chiến thắng nhẹ nhàng nhờ siêu phẩm đá phạt
Nhận thẻ vàng trong trận thua Bình Dương, HLV Popov “khen” trọng tài Việt Nam xuất sắc nhất thế giới
Highlight: U21 Đông Á Thanh Hoá 1-2 U21 Sông Lam Nghệ An