(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, huyện Thạch Thành đang tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, huyện Thạch Thành đang tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ caoTrang trại cây ăn quả ứng dụng hệ thống tưới tự động của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thủy Ngọc (Thạch Thành).

Nhằm phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, các loại cây trồng chủ lực của địa phương để tập trung phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng CNC gắn với chuỗi giá trị, huyện Thạch Thành đã tích cực đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ tập trung đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thị trường, xây dựng và hình thành các vùng nông sản tập trung quy mô lớn, chất lượng cao. Đến nay, huyện Thạch Thành đã thu hút được 7 doanh nghiệp đầu tư trồng cây ăn quả áp dụng CNC vào sản xuất với tổng diện tích 172ha tại các xã Thạch Quảng, Thành Công, Thành Minh, Thành Tâm, Thành Tân, Thạch Cẩm và thị trấn Vân Du... Trong đó, có 122ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, 50ha áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao trên 1ha canh tác, như: Cam, bưởi cho giá trị từ 200 - 300 triệu đồng, ổi lê Đài Loan 200 triệu đồng, mít Thái từ 150 - 200 triệu đồng...

Ngoài ra, tại các xã Thành An, Thạch Quảng người dân đã phát triển được 0,3ha nhà màng trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thủy Ngọc (Thạch Thành), cho biết: Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, công ty đã tích tụ tập trung đất đai được 83ha đất trồng cây ăn quả. Đến nay, công ty đã trồng tập trung được 12.000 cây cam Xã Đoài, 20.000 cây cam Canh, gần 4.000 cây bưởi da xanh đang cho quả năm thứ 4. Phần lớn diện tích trồng cây ăn quả được công ty đầu tư áp dụng CNC vào sản xuất, như: công nghệ tưới tiết kiệm của Israel, hệ thống tưới pest, sử dụng phân bón thông minh, phân hữu cơ sinh học trên các loại cây ăn quả... Với sự tiên phong đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất, công ty được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với sản phẩm cam và bưởi và là đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn này.

Thạch Thành là địa phương đầu tiên của tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi số để sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn huyện Thạch Thành đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2030, toàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ tập trung đất đai hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng CNC với tổng diện tích 2.825ha. Trong đó, vùng cây ăn quả tập trung 2.325ha; vùng rau, quả 500ha. Toàn huyện có 50% diện tích sản xuất tập trung được ứng dụng CNC, xây dựng 12 chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây ăn quả, rau củ các loại...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Trần Bá Sơn cho biết, căn cứ đề án được UBND tỉnh phê duyệt, huyện tập trung phát triển 2 loại cây trồng chủ lực là cây ăn quả và cây rau, quả theo hướng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng CNC. Cùng với đó, huyện thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tập trung đất đai đầu tư phát triển nông nghiệp quy mô lớn, CNC gắn với chuyển đổi số nông nghiệp. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy có hiệu quả việc áp dụng CNC vào sản xuất và chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh và sử dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, IPM, ICM... ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát dịch bệnh để nâng cao năng suất, bảo đảm ổn định sản lượng lương thực, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Ngoài ra, huyện tích cực lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có đủ năng lực tham gia phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số và tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn.

Với những chính sách thiết thực, hiệu quả, kỳ vọng lĩnh vực nông nghiệp CNC của huyện Thạch Thành sẽ có sự phát triển vượt bậc.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]