(Baothanhhoa.vn) - Sau nửa năm triển khai Quyết định 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”, toàn tỉnh Thanh Hóa mới có 9 đơn vị cấp huyện tổ chức được hội nghị xét chọn sản phẩm OCOP 3 sao. Ban đầu phân quyền cho cấp huyện tự đánh giá, xét chọn sản phẩm OCOP chắc chắn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, e dè, nhưng cũng có không ít thuận lợi so với trước...

Thấy gì sau khi trao quyền cho cấp huyện xét chọn và công nhận sản phẩm OCOP?

Sau nửa năm triển khai Quyết định 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”, toàn tỉnh Thanh Hóa mới có 9 đơn vị cấp huyện tổ chức được hội nghị xét chọn sản phẩm OCOP 3 sao. Ban đầu phân quyền cho cấp huyện tự đánh giá, xét chọn sản phẩm OCOP chắc chắn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, e dè, nhưng cũng có không ít thuận lợi so với trước...

Thấy gì sau khi trao quyền cho cấp huyện xét chọn và công nhận sản phẩm OCOP?Cơ sở sản xuất bánh gai Bà Hùng, xã Nga Điền (Nga Sơn) vừa có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện.

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cấp tỉnh thành lập hội đồng xét chọn và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP. Có nghĩa là các sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao đều do cấp tỉnh xét và công nhận theo tiêu chí chung của Trung ương ban hành. Riêng sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia do Trung ương xét chọn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 148/QĐ-TTg phân quyền cho cấp huyện tổ chức chấm, xét chọn và công nhận các sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng phải theo thang điểm và bộ tiêu chí chung, vẫn bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt. Cấp tỉnh chỉ còn xét chọn và công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Tại Thanh Hóa, sau khi có Quyết định 148/QĐ-TTg, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã tham mưu cho tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố triển khai. Nhiều đơn vị cấp huyện đã thành lập hội đồng xét chọn, nhưng lần đầu triển khai nên nhiều khâu còn chậm. Tại huyện đồng bằng ven biển Nga Sơn, sau một số lần hoãn để hoàn thiện các quy định, thủ tục hồ sơ, các khâu cần thiết, cũng như hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn thiện thêm các tiêu chí cho sản phẩm, đến giữa tháng 7-2023 này, huyện đã tổ chức thành công hội nghị xét chọn sản phẩm OCOP lần đầu tiên. Căn cứ theo bộ tiêu chí chung được Trung ương quy định, hội đồng cấp huyện đã công nhận thêm 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: dưa vàng Thế Mạnh, bánh gai Bà Hùng, nem chua Lâm Tươi, nem thính Lâm Tươi và giò nạc Lâm Tươi.

Theo ông Phạm Văn Sinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Hội đồng Xét chọn sản phẩm OCOP huyện Nga Sơn, cho biết: “Được giao quyền, chúng tôi thấy trách nhiệm của các thành viên cấp huyện nặng nề hơn, bởi phải chịu trách nhiệm nếu làm chưa đúng quy trình hay các quy định chung. Các lãnh đạo huyện là thành viên hội đồng thì đều kiêm nhiệm, làm nhiều việc nên có thể sẽ không sâu sắc được như là thành viên cấp tỉnh là các sở, ngành chuyên môn”.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Sinh cũng phân tích nhiều thuận lợi khi thực hiện xét chọn sản phẩm OCOP theo Quyết định 148/QĐ-TTg: “Các thành viên trong hội đồng xét chọn sản phẩm OCOP cấp huyện có sự chủ động hơn về mọi mặt. Lãnh đạo huyện, các phòng, ban không phải nhiều lần lên tỉnh tham gia các vòng chấm. Chính các chủ thể cũng thấy thuận lợi bởi đã giảm được một bước chấm, không phải lên tỉnh nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ thủ tục...”.

Là huyện miền núi, nhưng Thạch Thành là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chủ động xét chọn sản phẩm theo Quyết định 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ trung tuần tháng 5 vừa qua, huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá, xét chọn. Căn cứ vào kết quả chấm điểm, huyện đã công nhận 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2023, gồm: cam Vy Giang, gạo nếp hạt cau Phú Quý, bánh lá Tiến Hưng và giò lụa Cường Tâm. Cùng thời điểm, huyện Thiệu Hóa cũng tổ chức đánh giá, chấm điểm và xét chọn thêm 9 sản phẩm OCOP 3 sao.

Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các sản phẩm khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tạo động lực để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất, đưa thêm nhiều sản phẩm uy tín phục vụ thị trường.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh - người được giao phụ trách triển khai Chương trình OCOP tỉnh, chia sẻ: “Qua theo dõi, ban đầu có tình trạng một số huyện ngại trách nhiệm nên chưa vào cuộc quyết liệt mà vừa làm vừa thăm dò. Sau đó, các sở như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế cũng đồng hành vào cuộc, được mời đánh giá tại các hội nghị xét chọn với tư cách là thành viên hội đồng xét chọn. Tính đến ngày 15-7, đã có 9 đơn vị cấp huyện tổ chức được hội nghị đánh giá, phân hạng và xét chọn sản phẩm OCOP với hơn 40 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận”.

Cũng theo ông Bùi Công Anh, việc phân quyền cho cấp huyện xét chọn và công nhận sản phẩm OCOP đã yêu cầu cấp xã phải có vai trò cao hơn, cấp huyện cũng phải có trách nhiệm lớn hơn, không thể lệ thuộc vào cấp tỉnh như trước đây. Sau giai đoạn lúng túng, e dè, đến nay nhiều huyện đang rất hào hứng và có sự chủ động hơn. Về mặt chất lượng các sản phẩm được đánh giá, tuy huyện xét nhưng vẫn khá yên tâm bởi vẫn phải tuân theo các tiêu chí chung, về mặt quản lý Nhà nước cũng đã có sự kiểm tra, giám sát.

Với mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa có ít nhất 559 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, thì việc phân quyền cho cấp huyện sẽ là một thuận lợi để hoàn thành. Theo đánh giá ban đầu, việc phân cấp sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện, cấp xã trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP. Đồng thời giúp nâng cao năng lực hỗ trợ các chủ thể của cán bộ quản lý OCOP cấp huyện, xã; tạo động lực để các chủ thể tiếp tục phát triển và nâng sao cho sản phẩm sau đạt chuẩn. Hơn nữa, quy định xã muốn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có 1 sản phẩm OCOP càng thôi thúc các xã, các huyện thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]