Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường: Vẫn còn nhiều khó khăn
Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân và nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh nhà, hoạt động dạy và học ngoại ngữ (NN) trong các nhà trường đã có sự chuyển biến với những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc dạy và học môn này vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Phòng nghe – nhìn của Trường THCS Hải Long (Như Thanh) đơn giản chỉ là những bộ bàn ghế thông thường và 1 bộ máy chiếu phục vụ dạy, học. Ảnh: Phong Sắc
Đội ngũ giáo viên thiếu và yếu
Thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đầu vào của đội ngũ giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh, một đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, căn cứ theo bằng cấp, hầu hết các giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng trên thực tế, đầu vào của giáo viên tiếng Anh ở Thanh Hóa rất thấp, chưa đồng đều về trình độ. Trong tổng số hơn 2.200 giáo viên, chỉ có một số ít được đào tạo chính quy bài bản, số còn lại chủ yếu là không chính quy, chiếm tỷ lệ trên 55%. Đối với giáo viên cấp tiểu học và THCS về cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu chí khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu (chuẩn B1, B2). Đối với giáo viên THPT vẫn còn 2/3 chưa đạt yêu cầu (chuẩn C1). Trong khi đó, phương pháp giảng dạy của một bộ phận giáo viên vẫn còn nặng về kiến thức ngữ pháp, từ vựng, khả năng tổ chức các hoạt động dạy và học theo hướng giao tiếp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.
Trường THPT Nông Cống 3 (Nông Cống) hiện có 6 giáo viên biên chế môn tiếng Anh nhưng chỉ có khoảng 20% giáo viên đạt chuẩn khung năng lực NN theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Hiệu trưởng nhà trường Lường Văn Phán cho biết: “Hằng năm, nhà trường đều tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, song, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng trong giai đoạn hiện nay thì năng lực giáo viên vẫn còn những hạn chế nhất định. Đây là một khó khăn ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nhà trường”. Tương tự, tại Trường THPT Triệu Sơn 1 (Triệu Sơn) có 6 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó 1 giáo viên có trình độ thạc sĩ, 2 giáo viên đạt chuẩn C1, số còn lại có trình độ đại học. Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Quốc Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1, giáo viên tiếng Anh nhà trường có thế mạnh về dạy ngữ pháp, từ vựng, các mặt còn lại như nghe, nói vẫn còn hạn chế. Hiện, nhà trường đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh. Tuy nhiên, do năng lực tiếp cận của học sinh không đồng đều, nhiều em có tư tưởng chỉ cần tránh điểm liệt môn NN để đậu tốt nghiệp THPT, thêm vào đó cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học thiếu đồng bộ nên chất lượng môn tiếng Anh chưa phải là thế mạnh của nhà trường.
Không chỉ ở các trường THPT mà thực trạng này còn xảy ra ở nhiều trường học khác trên địa bàn toàn tỉnh. Theo kết quả khảo sát, đánh giá trình độ năng lực NN của giáo viên các cấp học trong tỉnh năm học 2019-2020 cho thấy, sau 2 đợt triệu tập khảo sát, đánh giá với tổng số 1.111 giáo viên, số giáo viên đạt chuẩn B2 và C1 chiếm rất ít, đặc biệt, trong số hơn 1.000 giáo viên được đánh giá có tới 551 giáo viên không đạt chuẩn khung năng lực NN theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Mới đây, Sở GD&ĐT cũng đã triệu tập khảo sát, đánh giá 1.021 giáo viên và cũng đã có 525 giáo viên sau khảo sát không đạt chuẩn theo yêu cầu. Bộc bạch về điểm yếu này, nhiều giáo viên thừa nhận, họ là sản phẩm của lối đào tạo cũ, chú trọng ngữ pháp, ít có cơ hội được tiếp xúc với người bản xứ, bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Cùng với những hạn chế về chất lượng, thì việc bảo đảm số lượng giáo viên ở bộ môn này cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thế Hải, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT, toàn tỉnh thiếu hơn 200 giáo viên tiếng Anh ở các cấp học, trong đó chủ yếu là ở cấp tiểu học. Trước thực trạng này, phòng GD&ĐT các địa phương đã tham mưu cho UBND huyện hợp đồng thêm giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, số giáo viên hiện tại mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.
Cơ sở vật chất nhiều bất cập
Thực tế cho thấy, việc dạy và học tiếng Anh hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn đang “loay hoay” ở 2 kỹ năng đọc và viết. Thời lượng dành cho môn NN còn ít, sĩ số học sinh/lớp đông, không phù hợp với việc tổ chức các hoạt động lôi cuốn và hiệu quả trong giờ học. Chương trình học quá nặng về ngữ pháp, biến các em thành những “cuốn ngữ pháp biết đi”. Bên cạnh đó, ở bậc tiểu học, do thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất nên có trường dạy 2 tiết, 3 tiết/tuần, cũng có trường bảo đảm được 4 tiết/tuần theo chương trình mới hệ 10 năm. Điều này dẫn đến khi lên đến bậc THCS và THPT, đầu vào các trường “muôn hình muôn vẻ” khiến cho việc tổ chức dạy học vừa khó cho giáo viên, vừa không hiệu quả đối với người học.
Đáng chú ý, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học bộ môn này. Theo kết quả khảo sát gần đây nhất về trang thiết bị dạy và học NN ở các trường học của Sở GD&ĐT, hầu hết các trường học trong tỉnh đều chưa có phòng luyện âm/thực hành tiếng; nhiều trường hệ thống máy chiếu, video vẫn chưa được trang bị, đặc biệt là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các phòng học tiếng Anh riêng cùng các thiết bị hỗ trợ như: Máy tính, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, bảng thông minh... vẫn còn là mơ ước của nhiều giáo viên hiện nay. Cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh) chia sẻ: “Hiện nhà trường có phòng nghe – nhìn, nhưng đó chỉ là “tên phòng” còn thiết bị nghe – nhìn bên trong phòng để phục vụ cho dạy và học thì chưa có. Do thiếu thiết bị nên giáo viên chúng tôi không thể giảng dạy tại phòng nghe – nhìn mà phải giảng dạy tại mỗi lớp học bình thường với những thiết bị tự đầu tư như loa, đài, băng đĩa...”. Được biết, toàn huyện Như Thanh hiện có 18 trường tiểu học, 14 trường THCS, song, chưa có trường nào có phòng học tiếng Anh đạt chuẩn, chưa có trường nào có phòng luyện âm/thực hành tiếng nên hầu như việc “dạy chay, học chay” môn tiếng Anh vẫn là phổ biến.
Trong khi nhiều trường không có phòng nghe - nhìn để phục vụ giảng dạy, tại những trường thí điểm dạy học theo đề án của Bộ GD&ĐT được đầu tư phòng nghe – nhìn với số tiền hàng trăm triệu đồng, thế nhưng, những phòng học này cũng chỉ hoạt động được thời gian đầu. Đến nay, hầu hết đều trong tình trạng “cửa đóng, then cài” vì nhà trường không đủ kinh phí để nâng cấp cải tạo thiết bị đã hư hỏng, xuống cấp. Cô giáo Đặng Thanh Tịnh, giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 2 (Hậu Lộc) cho hay: “Do trang thiết bị xuống cấp, nhiều cabin nghe, nhìn hỏng nên cũng khá lâu rồi giáo viên không tổ chức dạy, học tại phòng nghe - nhìn của nhà trường”.
NN vẫn được ví là “chìa khóa vàng” để hội nhập quốc tế, nên việc dạy học NN hiện nay là cần thiết và quan trọng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Để khắc phục những khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng môn học này, thiết nghĩ, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có cơ chế đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác dạy học. Vẫn biết, thời gian qua ngành chức năng, chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư về nhiều mặt, song, kết quả vẫn chưa được như mong đợi, vẫn còn thiếu và yếu so với nhu cầu thực tiễn.
Bài cuối: Cần những giải pháp đột phá.
Phong Sắc
{name} - {time}
-
9:49 sáng qua
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn trao 196 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
-
5:23 sáng qua
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
-
03:15 26/11/2020
Trai Lam Sơn trên đất “địa linh, nhân kiệt”!
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường: Những hiệu ứng tích cực
Hỗ trợ 7 tỷ đồng xây dựng, cải tạo lớp học Trường THCS Hạ Trung
Tổ chức hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
Có một khối chuyên đáng nhớ
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Minh Tuấn chúc mừng Trường Chính trị tỉnh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khai giảng năm học 2020-2021
Phụng sự để nghề thêm cao quý
Nhân dịp 20 - 11: Điểm lại 5 chính sách đặc thù cho giáo viên
Khi thầy cô giáo là văn nghệ sĩ
Thời tiết
- 19°C - 22°CNhiều mây, không mưa
- 15°C - 22°CNhiều mây, không mưa