Chiến thắng Hàm Rồng trong mắt bạn bè quốc tế
Chiến thắng Hàm Rồng không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Thanh Hóa, Nhân dân Việt Nam mà còn làm nức lòng bè bạn yêu chuộng hòa bình trên thế giới, bởi chưa ở đâu một chiếc cầu qua nhiều lần oanh tạc bằng phản lực tối tân Hoa Kỳ vẫn hiên ngang nối đôi bờ sông Mã, như một thách thức đối với kẻ thù xâm lược.
Nhà truyền thống phường Nam Ngạn lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn.
Nhằm khóa chặt tuyến giao thông huyết mạch, cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam, trong hai ngày 3 và 4/4/1965, mưa bom bão đạn của kẻ thù “đan lưới lửa” ào ào trút xuống mảnh đất nhỏ bé Hàm Rồng - Nam Ngạn. Với tinh thần “Quyết tử cho cầu Hàm Rồng đứng vững”, bộ đội chủ lực, quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn đã anh dũng, kiên cường đánh trả lưới lửa nhiều tầng của kẻ thù, viết nên bản anh hùng ca bên dòng Mã giang. Chiến thắng Hàm Rồng đã cho toàn thế giới thấy sự thất bại của chính sách xâm lược và hiếu chiến của đế quốc Mỹ. Ngay buổi sáng ngày 5/4/1965, các hãng thông tấn phương Tây đã đồng loạt đăng tin: “Ngày 3 và 4/4 là hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.
Với bạn bè quốc tế và lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, mỗi khi nhắc đến Hàm Rồng, đều dành cho mảnh đất này những tình cảm tốt đẹp và sự ngưỡng mộ sâu sắc. Họ chẳng thể tin, một cô dân quân bé nhỏ làng Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển mới 19 tuổi, cao hơn 1,4m, nặng 42kg lại có thể vác cùng một lúc hai hòm đạn nặng tới 98kg. Sau chiến thắng Hàm Rồng và câu chuyện vác 2 hòm đạn của nữ dân quân Ngô Thị Tuyển, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu tất cả những điều đó có phải là sự thật ? Và, để trả lời câu hỏi ấy, một số phóng viên nước ngoài đề nghị nữ dân quân Ngô Thị Tuyển diễn lại cảnh này trước mắt họ. “Đứng trước yêu cầu đó, bằng tất cả sức mạnh và lòng tự trọng, tôi đã vác trên vai 1 bì gạo và 1 bì khoai tây nặng 105kg. Lúc đó, không chỉ tôi mà mọi người đều vui, còn các phóng viên nước ngoài đã thốt lên: Giờ thì chúng tôi và cả thế giới đã tin. Thật tuyệt vời. Nhân dân Việt Nam thật tuyệt vời”, nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển nhớ lại.
Sau năm 1965, đặc biệt là sau ngày thống nhất đất nước, rất nhiều đoàn khách quốc tế đã đến thăm Việt Nam, thăm chiến công oanh liệt của quân, dân Thanh Hóa, tận mắt chứng kiến những kỳ tích của một dân tộc anh hùng. Trong lần về thăm Hàm Rồng, ngày 20/7/1965, một nhà báo nước ngoài đã không dấu nổi sự khâm phục: “Hôm nay đây, cầu vẫn đứng vững là một chiến công phi thường. Dù mai đây cầu có nằm xuống lòng sông Mã thì chiến công của các chiến sĩ và Nhân dân Hàm Rồng trong những ngày bảo vệ cầu vừa qua sẽ mãi mãi còn lại như là một bản anh hùng ca tuyệt đẹp”. Để chiêm nghiệm thực tế, ngày 17/7/1966, những sĩ quan cao cấp của phái đoàn quân sự Cu Ba đã đến trận địa Đại đội 6 trên cao điểm 57, một tuần thực tế làm pháo thủ, cùng ăn, ở, sống và sẵn sàng có máy bay Mỹ vào là chiến đấu đã xúc động ghi lại cảm tưởng: “Con người quyết định chiến tranh chứ không phải vũ khí” và “vũ khí chỉ có sức mạnh khi chúng được những người dũng mãnh và đầy đủ khả năng như các đồng chí sử dụng, do đó kết quả tất yếu là “chiến thắng".
Chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn tiêu biểu cho ý chí kiên cường và lòng dũng cảm của quân và dân ta. Tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “thà chết chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” đã làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của Nhân dân Thanh Hóa và trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Những người bạn yêu chuộng hòa bình trên thế giới, những người đã từng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam rất tự hào về chiến thắng Hàm Rồng, coi đó như chiến thắng chung của Nhân dân bị xâm lược trên thế giới, cổ vũ các dân tộc đang bị áp bức, phụ thuộc đứng lên đấu tranh cho tự do và độc lập của đất nước mình.
Trong bối cảnh khu vực Á, Phi, Mỹ La-tinh vẫn còn nhiều quốc gia đang đấu tranh đòi độc lập, tự chủ thì chiến thắng của Nhân dân Thanh Hóa tháng 4/1965 là tấm gương sáng về ý chí quật cường chống lại thế lực tàn bạo cho các nước học tập. Trong sổ vàng Nam Ngạn ghi ngày 13/2/1966, Đoàn châu Mỹ La-tinh đã viết: “Tấm gương của Nhân dân tiểu khu Nam Ngạn - Hàm Rồng đã chứng minh trước toàn thế giới khả năng chiến thắng đế quốc chủ nghĩa. Bài học này và tấm gương này hàng ngày chỉ dẫn cho các dân tộc bị áp bức hãy tiến theo”. Đoàn đại biểu khoa học nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đến thăm Nam Ngạn ngày 24/7/1967 cũng đã viết: “Chủ nghĩa anh hùng tập thể mà Nhân dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã phát huy không những là niềm tự hào của Nhân dân Việt Nam mà còn là niềm tự hào và vinh dự của Nhân dân Triều Tiên đang tiến hành chống đế quốc Mỹ xâm lược. Thắng lợi của các đồng chí trong việc đập tan thần thoại về sự hùng mạnh của đế quốc Mỹ đang cổ vũ mạnh mẽ các nước đang đấu tranh cho tự do, độc lập cho Tổ quốc. Chúng tôi tin rằng các đồng chí sẽ đạt nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”.
Không chỉ các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới mà nhiều nhà văn, nhà báo Mỹ cũng đã đến Việt Nam để tận mắt chứng kiến sự vô nhân tính của cuộc chiến tranh cũng như sự kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, mà Hàm Rồng là một biểu tượng cao đẹp. Ông M.Đa-ga-ren, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Mỹ từng phát biểu: “Chúng tôi đã thấy cầu Hàm Rồng và đến thăm đơn vị bảo vệ cầu. Cầu Hàm Rồng là chiếc cầu đẹp nhất mà trước đây chúng ta chưa từng thấy, không phải vì nó rộng, nó dài, nó nguy nga hơn các cây cầu khác mà chính truyền thống anh hùng của các chiến sĩ và Nhân dân đã mang lại cho nó cái đẹp kỳ diệu”. Nhà báo Mỹ Richard Swanel cũng đã khẳng định: “Chiếc cầu của các bạn ở Hàm Rồng đã tượng trưng đầy đủ được lòng tha thiết yêu Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam, các bạn giành được sự ủng hộ rộng lớn của Nhân dân chúng tôi”.
Hàm Rồng mang trong mình tầm vóc lớn lao và đón nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp, trân trọng, yêu mến, khâm phục của bạn bè quốc tế, trong đó có cả những người dân yêu chuộng hòa bình của Mỹ. Chiến tranh đã lùi xa, khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày nay trở thành một “bảo tàng sống” khi mỗi ngọn núi, dòng sông, tấc đất, nhịp cầu... đều là chứng tích hào hùng của một thời tuyến lửa nóng bỏng. Sau 60 năm, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang nối đôi bờ sông Mã, cho những chuyến tàu ra Bắc vào Nam.
Bài và ảnh: Minh Khôi
“Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “90 năm Đảng bộ tỉnh - những dấu ấn và thành tựu nổi bật” và “Hàm Rồng - biểu tượng của người Thanh Hóa”, Từ Nguyên Tĩnh, NXB Thanh Hóa, 2021).
{name} - {time}
Nguyễn Bá Ngừng - 09:44 03/04/25
-
2025-04-03 21:43:00
Hàm Rồng Chiến thắng mãi là bản anh hùng ca bất tử, để lại những bài học quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau (*)
-
2025-04-03 21:20:00
Thanh Hóa tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng
-
2025-04-03 08:22:00
Sẵn sàng cho “cuộc đụng đầu lịch sử”
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 3/4/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ viếng đồng chí Khamtay Siphandone tại Lào
Điện chia buồn nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone từ trần
PODCAST 6AM:Điểm tin nổi bật sáng 3/4
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 3/4/2025
Lào: Đồng chí Khamtai Siphandone từ trần, hưởng thọ 102 tuổi
Chương trình nghệ thuật “60 năm - Bản hùng ca Hàm Rồng”
Tinh thần yêu nước là cội nguồn sức mạnh
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 2/4/2025