(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu năm 2022, mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, nhưng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, không khí lao động tại các doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra khẩn trương. Các DN đang huy động tối đa nhân lực để kịp đáp ứng những đơn hàng đã được ký kết cho những tháng đầu năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sản xuất công nghiệp với kỳ vọng mới

Những ngày đầu năm 2022, mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, nhưng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, không khí lao động tại các doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra khẩn trương. Các DN đang huy động tối đa nhân lực để kịp đáp ứng những đơn hàng đã được ký kết cho những tháng đầu năm.

Sản xuất công nghiệp với kỳ vọng mới

Sản xuất nước dinh dưỡng tế bào mía Mitaji tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Ảnh: Minh Hằng

Công ty CP Gạch Tuynel Trường Lâm, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã đi vào hoạt động ổn định 3 năm. Với dây chuyền công suất 3 triệu viên quy chuẩn/tháng, thời điểm này đơn vị đang huy động 80 công nhân để phát huy tối đa công suất nhà máy. Ông Lê Thế Túy, tổ trưởng tổ sản xuất chế biến tạo hình của công ty, cho biết: Năm 2021 vừa qua, tình hình tiêu thụ khá ổn định nên tất cả các tổ sản xuất đều được huy động làm việc đều đặn. Hiện nay, để chuẩn bị cho những đơn hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công ty đang huy động công nhân nỗ lực sản xuất, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng dịch để không bị gián đoạn ở bất cứ khâu nào. Dự kiến, phân xưởng lò nung của công ty cũng sẽ hoạt động xuyên tết để kịp tiến độ giao hàng đề ra.

Năm qua, các sản phẩm giày da, may mặc đã vượt kế hoạch năm. Trong đó, ngành may mặc đạt mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 50,3% so với cùng kỳ, giày thể thao tăng 44,3%. Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội DN dệt may, cho biết: Sự tăng trưởng của ngành may mặc trong năm qua nhờ thị trường đầu ra mở rộng. Đơn hàng xuất khẩu tăng vì chuyển dịch từ các địa phương khác, đặc biệt là từ các tỉnh phía Nam bị tắc nghẽn sản xuất do dịch. Hiện nay, nhiều DN trong hiệp hội đã có những đơn hàng đến hết quý I, một số đơn vị đã có khách hàng đặt hàng cho quý II-2022. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường và khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, các DN trong hiệp hội đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng, nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường.

Năm 2021, sự tăng trưởng của các sản phẩm công nghiệp chủ lực đã trở thành động lực chính đưa chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 16,93% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Đáng kể để tạo nên sự tăng trưởng đột phá là các nhóm sản phẩm: lọc hóa dầu như xăng, dầu diesel, benzen, lưu huỳnh rắn... cơ bản sản xuất ổn định, đạt kế hoạch sản lượng năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp chung của toàn tỉnh; các sản phẩm phục vụ xây dựng tiếp tục có nhiều khởi sắc nhờ việc sản xuất ổn định, các dự án mới đã có sản phẩm, hoạt động đầu tư xây dựng trong nước tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, một số sản phẩm tăng trưởng vượt bậc so với năm 2020, như: sắt thép các loại 1,96 triệu tấn, tăng 130,9%; gạch xây 2,18 tỷ viên, tăng 51,5%; clinker 3,92 triệu tấn, tăng 54,8%... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm tiếp tục được đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, có mức tăng trưởng ấn tượng, như: dầu đậu nành tăng 121,5%; giấy bìa các loại tăng 41,9%; thức ăn gia súc tăng 23,3%...

Năm 2022, nhiều dự báo tiếp tục tạo tín hiệu tăng trưởng cho ngành công nghiệp. Đó là các DN sản xuất mới sắp hoàn thành đi vào vận hành, khởi công, xây dựng các dự án mới. Trong năm 2021 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2022-2026. Đồng thời, đang nghiên cứu ban hành Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất một số sản phẩm công nghiệp truyền thống có thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025; quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp thay thế quy chế phối hợp tại Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND ngày 22-8-2018. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp, nhất là những lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của tỉnh.

Sản xuất công nghiệp với kỳ vọng mới

Xếp dỡ sản phẩm tại Công ty CP Gạch Tuynel Trường Lâm, Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Trong thời gian vừa qua, để giúp DN đứng vững trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, như: hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan; gia hạn nợ thuế, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất; miễn giảm tiền lãi, cơ cấu lại các khoản nợ vay; giảm tiền điện, nước, viễn thông. Lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cũng đã đồng hành, hướng dẫn DN chủ động khắc phục tác động tiêu cực của dịch, với việc áp dụng giờ làm linh hoạt, đáp ứng thời hạn đơn hàng, chủ động cắt giảm chi phí sản xuất... Trong thời điểm dịch có diễn biến phức tạp, một số đơn vị thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến” hiệu quả để ổn định sản xuất.

Ông Hoàng Tất Thành, Trưởng Phòng DN, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, cho biết: Nhiều thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch, tình hình sản xuất của các DN vẫn duy trì ổn định, thể hiện ở sự tăng trưởng các chỉ số kinh tế chủ yếu của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có mức tăng trưởng ổn định so với năm trước, như: giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động. Qua 2 năm thích ứng, các DN sản xuất đã thể hiện được bản lĩnh chủ động, tinh thần vượt khó, linh hoạt trong bối cảnh khắc nghiệt. Hiện nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nếu có dịch xảy ra, sẽ thực hiện khoanh vùng quy mô hẹp nhất, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất ổn định trong DN.

Năm 2022, cùng với triển vọng lạc quan từ các dự án công nghiệp mới sắp đi vào hoạt động, ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 16,9%. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (VACN) tăng 10,8% trở lên. Ngành công thương đang tập trung lãnh đạo hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra an toàn, liên tục, nguyên vật liệu sản xuất cung ứng kịp thời, sản phẩm đầu ra sớm tiếp cận thị trường và đến người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Minh Hằng


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]