(Baothanhhoa.vn) - Tọa lạc trên phố Kiều Đại, trải qua 220 năm lịch sử với biết bao “vật đổi sao dời”, Thái miếu nhà Hậu Lê vẫn đinh ninh nét trầm mặc, cổ kính, linh thiêng. Lịch sử hình thành và phát triển của Thái miếu nhà Hậu Lê bắt đầu từ dấu mốc năm 1805, vua Gia Long cho dời Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ. Thái miếu được xây dựng trên nền điện “Chiêu hòa” cũ - vốn là điện thờ Tuyên Từ Nhân ý, Chiêu túc Hoàng Thái hậu, vợ của vua Lê Thái tông. Nơi đây thờ các vị hoàng đế, hoàng thái hậu cùng các công thần triều Hậu Lê.

Không gian văn hóa - tâm linh Thái miếu nhà Hậu Lê

Tọa lạc trên phố Kiều Đại, trải qua 220 năm lịch sử với biết bao “vật đổi sao dời”, Thái miếu nhà Hậu Lê vẫn đinh ninh nét trầm mặc, cổ kính, linh thiêng. Lịch sử hình thành và phát triển của Thái miếu nhà Hậu Lê bắt đầu từ dấu mốc năm 1805, vua Gia Long cho dời Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ. Thái miếu được xây dựng trên nền điện “Chiêu hòa” cũ - vốn là điện thờ Tuyên Từ Nhân ý, Chiêu túc Hoàng Thái hậu, vợ của vua Lê Thái tông. Nơi đây thờ các vị hoàng đế, hoàng thái hậu cùng các công thần triều Hậu Lê.

Không gian văn hóa - tâm linh Thái miếu nhà Hậu LêNhững ngày cuối năm, nhiều bạn trẻ đến Thái miếu nhà Hậu Lê dâng hương lễ tạ và chụp ảnh lưu niệm.

Thái miếu được khởi dựng với quy mô khá rộng lớn, nhiều lớp điện thờ gồm những tòa ngang dãy dọc, bố cục cân xứng, hài hòa theo kết cấu truyền thống, tạo nên một không gian thờ phụng trang nghiêm, bề thế. Mang nét đặc trưng của kiến trúc thời Lê - Nguyễn, Thái miếu có các hạng mục:

nghinh môn, bình phong, sân điện, nhà hữu vu, nhà tả vu, điện thờ... với thiết kế theo lối chữ “Nhị”. Nhà tiền điện 7 gian, hậu điện 7 gian; nghi môn thiết kế ba hàng cột, tạo hiên rộng thoáng đãng. Tiền điện có nhiều hương án thờ theo quy tắc “tả chiêu, hữu mục”; gian giữa thờ vua Lê Thái tổ có long ngai, bài vị đặt trên hương án tam sơn chạm trổ hình rồng sơn son thếp vàng rực rỡ, tiếp đến là các ban thờ vua và hoàng hậu nhà Lê. Bức đại tự sơn son thếp vàng được treo ở gian giữa của nhà tiền điện chạm khắc 6 chữ: “Nam quốc sơn hà tự thử”...

Dưới thời nhà Nguyễn, Thái miếu nhà Hậu Lê được coi là “Quốc miếu”, được nhận nhiều ân điển: “Thanh Hóa là đất phát tích của nhà Lê, là quê hương của các chúa Trịnh mà thế lực và ảnh hưởng của họ còn rất quan trọng trong hoạt động chính trị cũng như đời sống Nhân dân. Do đó, trong quá trình quản lý đất nước, nhà Nguyễn đã dành cho Thanh Hóa những đặc ân, vừa khôn khéo vừa mềm dẻo. Ngay từ khi mới lên ngôi, Gia Long đã cho lục dựng các chi phái nhà Hậu Lê và họ Trịnh, chọn người họ Lê làm “Diên tự công” để trông coi việc thờ phụng các tôn lăng, miếu điện của nhà Lê,... cho dựng Thái miếu nhà Lê tại làng Bố Vệ từ hai kiến trúc tại Thăng Long và Lam Kinh chuyển về với tâm niệm “giữ việc thờ cúng nhà Lê là trọng điểm của triều đình". Giao cho Phan Phu Tiên tri phủ Thiệu Thiên trông coi công việc, lấy 100 người xã Bố Vệ làm miếu phu và cho Diên tự công Lê Duy Viện thu hoa lợi 12 xã trích ra, góp phần thờ cúng Thái miếu”... (Lịch sử Thanh Hóa, tập IV (1802 - 1930), Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa).

Hằng năm, tại Thái miếu nhà Hậu Lê diễn ra hai kỳ lễ hội, đó là: Lễ hội xuân bắt đầu từ mùng 9 đến rằm tháng Giêng, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an và lễ hội chính (từ ngày 20 - 22/8 âm lịch) là dịp tưởng nhớ Hoàng đế Lê Thái Tổ - Anh hùng giải phóng dân tộc, người khai sáng triều Hậu Lê và hào quang tỏa rạng từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Xuân Ất Tỵ 2025 đang đến rất gần. Từ không gian thờ tự, khuôn viên Thái miếu cho đến các khu vực cận kề di tích đã được vệ sinh sạch sẽ, trang trí đẹp mắt, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ du khách, Nhân dân đến tham quan, dâng hương. Chỉ đợi khi khí xuân, sắc xuân ngập tràn, Thái miếu nhà Hậu Lê lại tưng bừng lễ hội với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa - văn nghệ, trò chơi dân gian độc đáo.

Được biết, từ ngày 29/1 (tức ngày 1 tháng Giêng âm lịch) đến 2/2 (ngày 5 tháng Giêng âm lịch), Thái miếu nhà Hậu Lê sẽ diễn ra các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025, chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) như: Tế lễ miếu hưởng khai xuân; trưng bày và bán sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương; viết thư pháp; cờ thẻ; vật cù; trò chơi kéo chữ (Thiên - Hạ - Thái - Bình; Đồng - Xuân - Thưởng - Lạc)... Chị Lê Minh Hà (TP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi và gia đình, bạn bè vẫn thường đến Thái miếu nhà Hậu Lê dâng hương, gửi gắm mong cầu bình an, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào vào những dịp lễ, tết. Với cư dân thành phố, Thái miếu nhà Hậu Lê là biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa - tâm linh...".

Giữa bức tranh phố sắp sửa vào xuân đa thanh, đa sắc, Thái miếu nhà Hậu Lê tựa hồ như một nét thủy mặc tinh tế, ấn tượng... Từng mái ngói rêu phong, từng nét chạm trổ tinh xảo, những hiện vật cổ đều lưu lại dấu ấn đậm sâu về vương triều Hậu Lê, vương triều Nguyễn, sức sống vững bền của di sản trong lòng phố, trong đời sống tinh thần của các thế hệ người dân nơi đây. Mỗi lần về với Thái miếu, thắp nén tâm nhang dâng lên các bậc tiền nhân, lòng mỗi người dân xứ Thanh lại trào dâng niềm vinh dự, tự hào về cái danh giá của mảnh đất quê hương, về những “nhân kiệt” đã làm rạng rỡ thêm cho “quê cha đất tổ”.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]