(Baothanhhoa.vn) - Nhằm từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Những năm qua, huyện Hậu Lộc đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và tăng giá trị trên đơn vị diện tích được tích tụ.

Huyện Hậu Lộc: Tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Những năm qua, huyện Hậu Lộc đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và tăng giá trị trên đơn vị diện tích được tích tụ.

Huyện Hậu Lộc: Tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ caoVùng chuyên canh sản xuất rau, màu theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc).

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2020, toàn huyện Hậu Lộc có 20/22 xã thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ từ năm 2019 đến hết năm 2020 đạt 513 ha (năm 2019 đạt 233,4 ha; năm 2020 đạt 273,7 ha), tập trung ở các xã: Thành Lộc, Phong Lộc, Tiến Lộc, Liên Lộc, Quang Lộc, Hoa Lộc, Phú Lộc, Hòa Lộc, thị Trấn Hậu Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc, Tuy Lộc, Hải Lộc...

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, hình thức cho thuê đất công ích, chuyển nhượng quyền sử dụng và thuê đất của các hộ gia đình và góp đất sản xuất, diễn ra phổ biến ở hầu hết các xã, với diện tích đất công ích (đất dự phòng, đất 5%, đất manh mún, xen kẹp, đất do các hộ dân không còn nhu cầu sử dụng trả lại cho UBND xã quản lý...) do UBND quản lý đã cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại thuê thầu để xây dựng các trang trại trồng trọt hoặc các trang trại tổng hợp; thời gian thuê không quá 5 năm, khi hết thời hạn, người thuê đất có nhu cầu sẽ tiếp tục được thuê lại. Khi các hộ gia đình có đất được Nhà nước giao không còn nhu cầu sử dụng đất đã thực hiện chuyển nhượng hoặc cho các hộ gia đình cá nhân có nhu cầu sản xuất thuê lại trong một thời hạn nhất định thông qua hợp đồng chuyển nhượng đất hoặc cho thuê đất của các hộ gia đình vẫn giữ nguyên quyền sử dụng đất; giá thuê đất theo thỏa thuận, thực tế dao động từ 2,6 đến 3 triệu đồng/ha/năm. Còn hình thức góp đất sản xuất, được hình thành chủ yếu do bố, mẹ, anh em trong gia đình, trong dòng họ được Nhà nước giao quyền sử dụng đất song không còn nhu cầu sản xuất, thống nhất dồn đổi ruộng đất, quy hoạch thành vùng và nhường lại cho một người sản xuất để xây dựng các trang trại hoặc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất cây trồng hàng hóa; hình thức góp đất sản xuất đã tạo nên mô hình sản xuất lớn linh hoạt và hiệu quả, tập trung ở các xã: Phú Lộc, Hoa Lộc và thị trấn Hậu Lộc... Thông qua các hình thức nêu trên, một số tập thể, cá nhân đã áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình hộ ông Cao Văn Nghiêm, thôn Phú Đa, xã Phú Lộc tích tụ 1 ha; HTX nông nghiệp Quang Lộc tích tụ 0,5 ha để sản xuất mô hình trồng rau an toàn, dưa Kim Cô nương, dưa trong nhà lưới, nhà màng ứng dụng công nghệ cao; 6 hộ tại xã Tiến Lộc và các xã đã thuê đất của các hộ dân không còn nhu cầu sản xuất, tích tụ được 105 ha tập trung sản xuất lúa thuần dùng cho chế biến và lúa chất lượng cao, bình quân mỗi hộ tích tụ được 17,5 ha; hộ ông Mai Văn An, thôn Bái Trung, xã Hòa Lộc tích tụ 3,5 ha; hộ ông Cao Văn Nghiêm, thôn Phú Đa, xã Phú Lộc tích tụ 1 ha đều thực hiện sản xuất mô hình trồng rau an toàn, dưa lưới, dưa Kim Cô nương trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi được các hộ dân, người có đất chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất để phát triển các trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty CiPi, Goldand, JaPan. Điển hình trong số trang trại theo hình thức chuyển nhượng đất là Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do ông Đỗ Minh Gắng, thôn Cầu Thôn, xã Cầu Lộc làm giám đốc, với diện tích chuyển nhượng 1,13 ha công ty đã xây dựng khu trang trại chăn nuôi lợn ngoại với quy mô 50 nái với 600 lợn thịt, doanh thu năm 2020 đạt trên 4 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt gần 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động trong xã với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là trang trại chăn nuôi theo hình thức liên kết với Công ty TNHH MNS MIS Hà Nam. Bên cạnh đó, nhiều chủ trang trại đã thuê đất (hoặc đấu thầu) để tích tụ đất đai trong chăn nuôi, chủ yếu xây dựng các trang trại chăn nuôi hoặc trang trại tổng hợp thông qua hợp đồng với UBND xã hoặc thuê, mượn của hộ gia đình cá nhân, tổng diện tích thuê đất để phát triển chăn nuôi, tập trung ở các xã: Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Phú Lộc. Ngoài ra, huyện Hậu Lộc còn tiến hành các hình thức như dồn điền, đổi thửa, góp đất để xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung ở các xã Minh Lộc, Đa Lộc.

Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, việc tích tụ, tập trung diện tích đất trong nuôi trồng thủy sản diễn ra với một số hình thức như: Thuê đất của UBND huyện, đất công ích của xã, đổi điền, dồn thửa, thuê đất của các hộ dân, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... Kết quả đã hình thành một số vùng nuôi tập trung, chuyên canh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có diện tích đất để tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, diện tích tích tụ tập trung, quy mô lớn để sản xuất nuôi trồng thủy sản ở hình thức này vẫn còn ít, nguyên nhân chủ yếu là do giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ không còn nhu cầu sản xuất cao, giá chuyển nhượng từ 1 - 12 tỷ đồng/ha. Điền hình của hình thức này có hộ ông Lê Văn Minh, Lê Văn Hải, xã Hòa Lộc; hộ ông Trần Văn Tuấn, xã Đa Lộc thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dân để thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao nuôi trong nhà bạt có mái che...

Nhờ tích tụ, tập trung được ruộng đất, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như, việc tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa thuần và lúa thương phẩm chất lượng cao tại các xã Thành Lộc, Tuy Lộc... đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất lúa thông thường; mô hình thuê ruộng đất sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tại xã Tiến Lộc, đã thuê lại đất của các hộ không có nhu cầu sản xuất để tập trung sản xuất, bình quân mỗi hộ sản xuất trên 10 ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được từ 10 - 12 triệu đồng/ha; khu trang trại chăn nuôi có quy mô vừa và lớn theo công nghệ cao và hướng công nghệ cao tại các xã Minh Lộc, Hưng Lộc, Phú Lộc... Tích tụ được đất đai giúp các hộ nông dân yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời giảm chi phí đầu tư, giảm lao động trên một đơn vị diện tích nuôi so với cơ sở nhỏ, có đủ diện tích để bố trí hệ thống nuôi theo quy trình an toàn sinh học đem lại năng suất cao hạn chế dịch bệnh, có nhiều lợi thế khi liên kết với các dịch vụ cung cấp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Nhằm đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, huyện Hậu Lộc tiếp tục tổ chức tuyên truyền, triển khai đầy đủ, nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết 13-NQ/TU đến từng cán bộ và Nhân dân; phân tích rõ và xác định việc tích tụ, tập trung ruộng đất là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, đạt năng suất, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn. Từ đó tạo sự đồng thuận, tự giác, tự nguyện của mọi tầng lớp Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Huy động nguồn lực đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Công khai các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có ưu thế, ưu tiên phát triển. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung giải quyết nhanh các vấn đề vướng mắc, các thủ tục hành chính có liên quan đến tích tụ ruộng đất và phát triển sản xuất quy mô lớn. Phát triển các hình thức hợp tác liên kết phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, kêu gọi của các nhà đầu tư vào liên kết sản xuất, đồng thời huy động sử dụng nguồn vốn tự có của thành viên. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]