“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 1): “Pháo đài thép” kiên cường
Đã 60 năm, kể từ trận đầu Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025) đến nay, những câu chuyện một thời hào hùng ấy vẫn được những nhân chứng kể lại rành rõ. Trong đó là những tự hào xen lẫn không ít đau thương...
60 năm qua, Hàm Rồng luôn là biểu tượng của ý chí và trí tuệ Việt Nam. Ảnh: C.A
Ký ức những ngày khói lửa
60 năm trôi qua, người lính tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa giờ đây cũng đã gần 80 tuổi, vậy mà ký ức về những ngày khói lửa, bom rơi trong trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Ông là Lê Xuân Giang (1947), lính ra đa của Trung đoàn Pháo phòng không 228 và trực tiếp chiến đấu trên đồi C4.
10 năm trong quân ngũ (1965-1975) với biết bao kỷ niệm, ngày hôm nay, nhắc đến đồng đội, đến Hàm Rồng, đến bom đạn của chiến tranh, cựu chiến binh Lê Xuân Giang không khỏi bồi hồi, mắt rơm rớm. Ông nói: “Trận đầu ở Hàm Rồng trong hai ngày 3, 4/4/1965 đã có 47 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi. Đây là hai ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ. Tham vọng biến cầu Hàm Rồng thành “điểm tắc” của nước Mỹ lúc bấy giờ đã tan thành “mây khói”. Thế nhưng, chúng vẫn không từ bỏ dã tâm đánh phá cầu Hàm Rồng, tiếp tục mở những cuộc tấn công ác liệt hơn”.
Ông kể về từng trận đánh với những mất mát và thương vong. Đó là vào ngày 28/7/1965, Mỹ công kích vào trận địa bằng súng 20 ly. Khẩu đội 4 bị thương 4 người, trong đó đồng chí Nguyễn Văn Điền bị mảnh đạn 20 ly găm vào 11 chỗ nhưng đồng chí vẫn chiến đấu cho đến khi bị ngất, những người bị thương còn lại vẫn không rời vị trí. Sau ngày đó, khẩu hiệu “Bị thương nặng không kêu ca, bị thương nhẹ không rời vị trí” được các chiến sĩ khắc sâu trong tâm trí.
Rồi trận ngày 18/1/1967, Mỹ tiếp tục điên cuồng thả bom xuống cầu Hàm Rồng. Lần này không phải là bom bi mà là bom sát thương. Khẩu đội 4 trực tiếp chịu những trận dội bom của không quân Mỹ. Trận đánh này vô cùng ác liệt khiến cho khẩu đội có 6 pháo thủ thì 5 người hy sinh. Máu và bùn trộn lẫn, lúc ấy phải dùng quần áo, giày dép để phân biệt danh tính đồng đội.
Còn với nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, ông đã chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng từ năm 1965 đến ngày 27/1/1973. Ông cho biết: "Hàm Rồng, cả tuổi thanh xuân của tôi đã gửi gắm ở đó. Đồng đội tôi - những người anh, người bạn,... đã cưu mang giúp đỡ tôi biết chiến đấu, biết yêu thương và căm thù, biết vượt qua nỗi sợ sự “gào rống” của
máy bay siêu âm hiện đại nhất thế giới và bom đạn mà quân giặc ném xuống hủy diệt con người".
Trong nhiều lần trò chuyện, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh thường nói về các nữ dân quân và các bà mẹ Hàm Rồng. Trong đó có hình ảnh cô Lương Thị Thục tiếp đạn tải thương cho các đơn vị pháo Hàm Rồng trong ngày 3 và 4/4/1965. Nữ dân quân ấy vinh dự là người đầu tiên của xóm Đông Quang được nhận “Huy hiệu Bác Hồ” về thành tích chiến đấu. Và những người mẹ, dù chịu nhiều nỗi đau, nhưng không hề sợ bom đạn, không tiếc thân mình. Các mẹ không tiếc của,
tiếc công chăm sóc thương binh, vá cho chiến sĩ từng tấm áo, chặt từng tàu lá ngụy trang, chia cho các con từng chiếc mũ rơm, áo giáp...
Ngày hôm nay, hầu hết các mẹ đã về với tổ tiên. Nhưng, với người lính Hàm Rồng năm xưa, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh hôm nay chưa bao giờ quên những công lao vĩ đại của những mẹ - Người mẹ chiến sĩ Đông Sơn - Hàm Rồng.
Và những cái chết hóa thành bất tử
Cũng bởi bất tử nên dẫu thời gian đi qua 60 năm mà họ vẫn được gọi bằng đại từ nhân xưng “anh”, “chị”... Hình ảnh “mãi mãi tuổi 20” đã “găm” trong lòng đồng đội, “tạc” vào trong từng trang lịch sử.
Sinh năm 1947, 18 tuổi, chàng trai Ngô Thọ Sáu đã trở thành chiến sĩ Đại đội dân quân Nam Ngạn. Nhắc đến “anh”, những đồng đội còn sống không thể quên cái ngày 26/5/1965. Sáng ấy, một chiếc tàu hải quân của ta bị máy bay địch tấn công từ ngoài biển chạy ngược lên sông Mã phía cầu Hàm Rồng. Trên tàu, nhiều chiến sĩ bị thương và hy sinh. Thiếu pháo thủ nên một chiến sĩ trong đại đội được lệnh ở lại cùng với chiến sĩ hải quân trên tàu chiến. Thật vô tình khi cả 4 anh em ruột là Ngô Thọ Sắp, Ngô Thọ Xếp, Ngô Thọ Đặt, Ngô Thọ Sáu cùng có mặt trên boong tàu vì cả 4 người đều đã được đào tạo qua huấn luyện. Trên boong tàu hải quân, anh Sắp sử dụng khẩu 37mm, Xếp tiếp đạn, Đặt và Sáu sử dụng khẩu 17,5mm. Mọi người vừa vào vị trí thì máy bay địch lao tới, bổ nhào xuống khu vực cầu Hàm Rồng để cắt bom. Trưởng tàu ra lệnh bắn, cả 4 anh em và các chiến sĩ trên tàu đồng loạt nhả đạn, 1 chiếc máy bay xì khói đen ngòm, 1 chiếc khác loạng choạng lao ra biển. Cả tàu cùng reo hò: “Cháy rồi... cháy rồi”, nhưng ngay lập tức một tốp máy bay khác quay lại và bổ nhào cắt bom đánh phá ác liệt. Ngô Thọ Sáu bị thương nhẹ ở chân phải, các anh em buộc tạm vết thương cho anh rồi tiếp tục chiến đấu. Nhưng ngay sau đó, Ngô Thọ Sáu lại bị thương, lần này là ở vùng đầu. Các anh Sắp, Xếp và Đặt đều ngã gục xuống khẩu pháo, máu chảy thành vũng và mọi người ngất lịm. Anh Xếp mảnh bom xuyên qua đùi, nhiều mảnh bom găm vào bụng và chân, một phần ruột lòi ra nhưng miệng vẫn kêu: “Em Sáu, em Sáu”. Lúc này, dù máu vẫn chảy nhưng hai dòng nước mắt còn chảy nhiều hơn, Ngô Thọ Sáu nghiến chặt răng, tay ghì vào khẩu pháo bắn vào máy bay địch vì chỉ còn mình anh làm pháo thủ. Loạt cuối cùng, Ngô Thọ Sáu tiếp tục bị thương lần 3, mảnh đạn vào đầu lần thứ 2 và anh hy sinh, cánh tay vẫn bám chặt khẩu pháo.
Sau khi anh Sáu hy sinh, Thị ủy Thanh Hóa và tiểu khu Nam Ngạn (sau là phường Nam Ngạn) đã quyết định kết nạp Đảng cho anh đúng ngày 26/5/1965 và phủ quốc kỳ lên người anh.
...Càng về sau, đế quốc Mỹ càng leo thang, chiến đấu ác liệt với nhiều vũ khí tối tân hơn. Năm 1972, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Mỹ vẫn điên cuồng trút xuống cầu Hàm Rồng và khu vực xung quanh hàng trăm nghìn tấn bom đạn. Chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, bệnh viện, trường học,... đều trở thành mục tiêu của chúng.
Cho đến nay, những người con của Hàm Rồng vẫn còn nhớ như in vụ tàn sát đẫm máu của giặc Mỹ ở đê Nam Ngạn buổi sáng ngày 14/6/1972.
Để bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường miền Nam và phòng, chống lũ lụt, ngay trong thời điểm máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, chính quyền tỉnh Thanh Hóa huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã xung yếu từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng.
Lực lượng tham gia đắp đê lúc đó có hơn 2.000 người, trong đó riêng huyện Đông Sơn có 1.000 người, còn lại là giáo viên, sinh viên, học sinh của các trường ở thị xã Thanh Hóa như Trường y sĩ, Trường sư phạm 7+3 Thanh Hóa, giáo viên các cấp ở thị xã lúc bấy giờ và dân công của một số huyện lân cận.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Duy Bé và bà Dương Thị Hòa ở phường Hàm Rồng. Ông Bé là một trong những nhân chứng đầu tiên có mặt để cứu thương cho các nạn nhân, còn bà Hòa khi đó là giáo viên trường cấp 2 Hàm Rồng. Bà Hòa, vì đổi vị trí đắp đê cho thầy hiệu trưởng của mình mà may mắn thoát chết, trong khi người thầy đã hy sinh.
Từ năm 1965 đến năm 1973, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái, góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn. Những huyền thoại ấy đến nay, vẫn mãi vang vọng những khúc ca bất hủ trong bản hùng ca có tên Thanh Hóa. |
Không giấu được sự xúc động khi kể về ký ức đau đớn ấy, ông Bé cho biết: “Đứng trên đê nhìn xuống, tôi thấy trước mắt ngổn ngang, la liệt người và máu. Không thể tưởng tượng được khung cảnh đó kinh khủng đến mức nào. Người mất chân, mất tay, người mất đi cả nửa cơ thể. Lúc đó, tôi chỉ biết xé chiếc áo đang mặc rồi ra sức chạy xuống bế từng người một lên đê”.
Cũng là người tham gia cứu thương trong trận thảm sát tại Nam Ngạn, cựu chiến binh Lê Xuân Giang nói: "Chỉ trong chớp mắt, gần trăm người bị chết oan uổng. Cả trăm người khác mang trên mình thương tật suốt đời".
Theo thống kê trận bom thảm sát của không quân Mỹ dưới chân đê Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày 14/6/1972 đã khiến 64 giáo viên, học sinh Trường Y sĩ, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa và dân công Đông Sơn mãi mãi nằm xuống. Có gần 300 người bị thương và 8 người mất tích. Phần lớn người ngã xuống còn rất trẻ.
Người dân Thanh Hóa sau đó lấy ngày mùng 4/5 âm lịch hàng năm là ngày giỗ chung cho các liệt sĩ hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã mùa hè năm 1972. Một tấm bia ghi danh những người nằm xuống và một tượng đài mới được dựng lên ngay tại vị trí cũ để thân nhân và người
dân địa phương tưởng nhớ các anh hùng năm xưa.
Ngày đó, Hàm Rồng đã được lịch sử lựa chọn là nơi đối đầu quyết liệt nhất của không lực Hoa Kỳ với lực lượng phòng không của quân và dân ta. Nhiều hơn bất kỳ địa danh nào trên trái đất này, hàng vạn tấn bom đã trút xuống nhưng không thể khuất phục ý chí của quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn anh hùng. Hàng trăm con người đã anh dũng hy sinh, mãi mãi tuổi 20.
Bảo Anh
{name} - {time}
-
2025-04-21 15:13:00
Huyền thoại Hàm Rồng
-
2025-04-21 11:17:00
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 2): Những mối tình nơi tuyến lửa
-
2025-04-20 09:01:00
“Thời tôi sống” - chuyện không chỉ của 50 năm trước
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 3): Để du lịch lễ hội “đẻ trứng vàng”
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 2): Gạn đục, khơi trong
Tháng Thanh niên 2025 - tháng của nhiệt huyết, tình nguyện
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình: “Giá trị quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc mà là những bài học kinh nghiệm, nhận diện dư địa cải cách”
Triệu Sơn - “đất lành” cho các dự án đầu tư phát triển
Dấu ấn Bà Triệu trên dãy Ngàn Nưa
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 1): Miền “cộng cảm” xứ Thanh
Những vỉa tầng lịch sử - văn hóa núi Trường Lệ
Trao gửi ánh sáng cho đời, cho người...