Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 1): Một dải gấm hoa...
Địa danh Hàm Rồng - sông Mã, nơi sơn thủy hữu tình, khí thiêng hội tụ. Trong lồng lộng đất trời quê Thanh, đứng trên cây cầu Hàm Rồng hay ngọn đồi C4, hướng tầm mắt ra tứ bề sông núi mà như bỗng thấy yêu hơn cảnh sắc quê hương và xiết bao tự hào về vùng đất có bề dày lịch sử, lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm...
Cầu Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) soi bóng trên dòng Mã giang. Ảnh: H.T
Nơi hội sơn tụ thủy...
Dòng sông Mã từ trên những ngọn núi cao vẽ nên hải trình xuôi về biển lớn với những đoạn cao trào vượt dốc, đá cho đến khúc tự tình bên phố. Đến Hàm Rồng, sông Mã chia thành 2 nhánh, trong đó 1 nhánh chảy qua địa phận phường Tào Xuyên về cửa Lạch Trường, 1 nhánh qua Hàm Rồng xuôi về cửa Hới. Trên hành trình ấy, sông Mã cùng đồi, núi, ruộng đồng, làng mạc kiến tạo nên bức tranh thiên nhiên phong thủy hữu tình, hằn sâu giá trị lịch sử - văn hóa từ thuở “bình minh loài người”.
Dãy núi Rồng là tên gọi của dãy núi gồm 99 ngọn kéo dài từ ngã ba Giàng đến làng Đông Sơn như rồng thiêng nhấp nhô, uốn lượn theo dọc bờ sông Mã. Ngọn núi cuối cùng có hình như đầu con rồng đang vươn lên nên được gọi là núi Hàm Rồng (còn gọi là Long Hạm). Còn ngọn núi nằm riêng lẻ đối điện với núi Rồng là núi Ngọc (thường được dân gian gọi là núi Nít). Cảnh sắc kỳ vỹ ấy được lưu lại trong câu ca xưa: “Chín mươi chín ngọn núi Đông/ Còn ngọn núi Nít qua sông chưa về”. Từ những ngọn núi trên đã tạo nên nhiều hang động kỳ thú, tô điểm thêm cho vùng thắng cảnh Hàm Rồng thêm phần sinh động, hấp dẫn: hang Mắt Rồng (động Long Quang), hang Tún, động Tiên Sơn...
Nếu những ngọn núi, hang động của vùng Hàm Rồng - sông Mã gợi lên bao điều kỳ thú thì ngôi làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) là nơi lưu giữ hồn quê Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Nơi đây được bình chọn là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam; cũng chính là nơi đầu tiên phát hiện ra những dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.
Những hiện vật thu thập được từ các cuộc điều tra, thám sát, khai quật hàng loạt các di chỉ đã khẳng định tầm vóc và vị thế của văn hóa Đông Sơn trên đất xứ Thanh nói riêng, Việt Nam nói chung và cả khu vực Đông Nam Á. Trong rất nhiều hiện vật thu thập được, hình ảnh trống đồng đã trở thành biểu tượng. Từng đường nét, hoa văn chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ, trống đồng Đông Sơn mô tả khá phong phú các sinh hoạt văn hóa của cư dân lúc bấy giờ. Âm thanh trống đồng vang trong những đêm hội tưng bừng; hào hùng thúc giục, hiệu triệu lòng quân sẵn sàng xông pha trận mạc với lòng yêu nước nồng nàn... Cho đến ngày hôm nay và có lẽ mãi muôn đời sau, âm vang ấy vẫn vang vọng như hồn thiêng sông núi, lưu truyền trong tâm thức các thế hệ “con Lạc, cháu Hồng” qua sức sống bền bỉ của nghề và làng nghề đúc đồng truyền thống, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng...
Trong thẳm sâu lịch sử
Hàm Rồng - sông Mã, đâu chỉ có cảnh sắc thiên nhiên vừa mang nét hùng vĩ vừa thơ mộng, trữ tình, mỗi ngọn núi, dòng sông hay làng mạc, di tích nơi đây đều thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng. Nhiều anh hùng hào kiệt sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đã lưu danh trong trang sử vàng buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nhớ chuyện lão tướng Đô Lương, người làng Giàng tập hợp nghĩa quân kéo ra Mê Linh tụ nghĩa, quyết chiến với quân Đông Hán. Cảm phục biết bao chuyện hào trưởng Dương Đình Nghệ đã ra sức chiêu mộ nhân tài, tích lũy lương thực, và ngày đêm luyện tập võ nghệ, công khai nuôi 3.000 “nghĩa tử” chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống lại chính quyền đô hộ ở Giao Châu. Ngôi đền thờ Đức Thánh Cả Lê Uy - Trần Khát Chân gợi nhớ về 2 nhân vật lịch sử - 2 vị tướng tài đã có công phò vua giúp nước, đánh đuổi quân giặc, bảo vệ bờ cõi, mang lại cuộc sống yên bình cho Nhân dân...
Nét xưa - làng cổ Đông Sơn. Ảnh: H.T
Hôm nay và mãi về sau, các thế hệ cháu con vùng Hàm Rồng - sông Mã vẫn lưu truyền câu chuyện lịch sử về thành hoàng làng Chu Văn Lương - người đã có mặt tại Hội nghị Diên Hồng do nhà Trần tổ chức với mục đích hỏi ý kiến các bô lão ở khắp cả nước về chủ trương nên đánh hay hòa với quân địch. Hay câu chuyện về Đề đốc Trần Xuân Soạn vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Thọ Hạc phải tòng quân thay cho con một phú hào trong làng để lấy tiền nuôi gia đình. Trong quân ngũ, vì có sức khỏe và mưu trí dũng cảm, ông đã lập được nhiều chiến công xuất sắc nên được thăng chức và được tin dùng, rồi được điều động vào làm Vệ úy chỉ huy quân ở kinh thành Huế. Ông là một trong những nhân tố đóng vai trò lớn trong phái chủ chiến và hưởng ứng phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược dưới ngọn cờ Cần Vương...
Tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng ấy tiếp tục vun đắp, nối dài với nhiều chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong đó, cây cầu Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào lớn lao của quân và dân ta.
Mảnh đất xứ Thanh có nhiều cây cầu soi bóng. Nhưng cây cầu Hàm Rồng từ lúc “sinh ra” đã mang “số phận” đặc biệt. 3 lần được xây dựng, cây cầu nhỏ như chứng nhân đi qua 3 giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc.
Cầu Hàm Rồng được thực dân Pháp khởi công xây dựng lần đầu tiên vào năm 1901. Năm 1904, cầu mái vòm được xây xong rộng 9m. Ngày 17/3/1905, cây cầu được khánh thành và cho thông xe. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cây cầu đã bị phá hủy để chặn đường giao thông của địch. Khi miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã khởi công xây dựng chiếc cầu thứ hai ở vị trí cầu cũ nhưng thiết kế, thi công theo phương pháp mới. Quá trình xây dựng cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác – “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, mỗi công nhân xây cầu lúc bấy giờ luôn nêu cao tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Vì lẽ đó, chiếc cầu thứ hai được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 74 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1964). Cầu có chiều dài là 150m, có 1 trụ, 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Từ đây, cây cầu còn có tên gọi khác là cầu 19/5. Lần thứ 3, sau thời gian tập trung thi công, cầu Hàm Rồng được khánh thành vào ngày 19/3/1975.
“Cây cầu sắt nhỏ bắc qua sông Mã” một thời oằn mình gánh mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ. Và cũng chính tại nơi đây, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, hiệp đồng tác chiến, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh viết nên bản anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh - Hàm Rồng chiến thắng.
Thùy – Hương
{name} - {time}
-
2025-04-21 15:13:00
Huyền thoại Hàm Rồng
-
2025-04-21 11:17:00
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 2): Những mối tình nơi tuyến lửa
-
2025-04-20 11:15:00
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 1): “Pháo đài thép” kiên cường
“Thời tôi sống” - chuyện không chỉ của 50 năm trước
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 3): Để du lịch lễ hội “đẻ trứng vàng”
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 2): Gạn đục, khơi trong
Tháng Thanh niên 2025 - tháng của nhiệt huyết, tình nguyện
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình: “Giá trị quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc mà là những bài học kinh nghiệm, nhận diện dư địa cải cách”
Triệu Sơn - “đất lành” cho các dự án đầu tư phát triển
Dấu ấn Bà Triệu trên dãy Ngàn Nưa
Trong dòng chảy lễ hội đầu năm (Bài 1): Miền “cộng cảm” xứ Thanh
Những vỉa tầng lịch sử - văn hóa núi Trường Lệ