Hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng (Bài 1): Những trăn trở từ thực tiễn
“Mở rộng đường làng, “đất vàng” cũng hiến" có lẽ là câu nói được nhiều người dân ở các làng quê xứ Thanh nhắc đến trong công cuộc XDNTM. Từ việc lan tỏa phong trào này, hàng nghìn hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, công trình để đầu tư xây dựng đường giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Song, “hậu” hiến đất là việc thực hiện các thủ tục đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là GCNQSDĐ) cho người dân vẫn còn nhiều điều trăn trở.
Đường giao thông xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) được đầu tư khang trang, sạch, đẹp.
Băn khoăn khi chưa được cấp lại GCNQSDĐ
Thực hiện phong trào XDNTM, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Như Xuân đã không ngần ngại hiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn m2 đất để thực hiện các dự án đường giao thông qua địa bàn. Chỉ tính riêng đối với hai dự án đường giao thông từ thị trấn Yên Cát đi xã Cát Vân; đường từ xã Hóa Quỳ đi xã Cát Vân với tổng chiều dài khoảng 18km, đã có hàng trăm hộ dân thuộc các xã: Hóa Quỳ, Cát Vân, Cát Tân và thị trấn Yên Cát hiến đất để có mặt bằng thực hiện dự án. Theo tính toán của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân, việc vận động Nhân dân hiến đất để giải phóng mặt bằng thực hiện hai dự án trên đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 20 tỷ đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở khu phố Xuân Chính, thị trấn Yên Cát là một trong các hộ dân hiến hơn 50m2 đất và công trình phụ để làm vỉa hè tuyến đường giao thông qua địa bàn. Ông Thành đã tự bỏ kinh phí hơn 60 triệu đồng để xây dựng lại công trình phụ, tường rào, cổng ngõ.
Chia sẻ với phóng viên về việc hiến đất, ông Thành vừa phấn khởi, vừa băn khoăn: “Đường, vỉa hè làm xong, bộ mặt khu phố đẹp lên rất nhiều. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là thửa đất này tôi mua lại của gia đình chị gái từ trước năm 2000 nhưng đến nay chưa sang tên. GCNQSDĐ trước đây mới chỉ là sổ đỏ, đứng tên người anh rể. Trên sổ đỏ cũng chỉ thể hiện diện tích hơn 300m2 đất ở, chưa cập nhật diện tích đất vườn vào sổ. Sau khi hiến đất, gia đình mong cơ quan chức năng sớm tạo điều kiện, hướng dẫn cụ thể về thủ tục để chúng tôi sang tên, cấp lại GCNQSDĐ theo đúng hiện trạng đang sử dụng để thuận tiện cho quá trình sử dụng, tránh rắc rối về sau này”.
Trong hành trình đưa xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) trở thành xã NTM kiểu mẫu có sự đóng góp không nhỏ của người dân hiến đất mở rộng đường giao thông, từ các trục đường chính trong xã đến tuyến giao thông trong khu dân cư. Đa số người dân đều đồng thuận rằng hiến đất mở rộng đường là việc nên làm bởi đường sau khi được mở rộng, giao thương, đi lại sẽ thuận tiện hơn, cuộc sống văn minh hơn, người dân cũng được thụ hưởng đầu tiên. Tuy nhiên, một điều mà các hộ dân vẫn còn trăn trở là diện tích đất thực tế đang sử dụng chênh lệch giảm so với GCNQSDĐ đã được cấp.
Ông Nguyễn Văn Nhật - một trong những hộ hiến nhiều đất ở thôn 5, xã Hoằng Thái, cho biết: Gia đình ông có 2 lần hiến đất để mở rộng các trục đường giao thông ở xã Hoằng Thái. Không chỉ hiến 65,5m2 trong tổng số 680m2 đất thổ cư của gia đình ở thôn 5, gia đình con trai ông cũng đã hiến 17m2 trong tổng số hơn 200m2 đất ở để mở rộng trục đường chính của xã. Diện tích các thửa đất thực tế hiện nay thay đổi so với GCNQSDĐ được cấp nên gia đình ông chỉ lo ngại khi phải nộp thêm chi phí khi muốn được cấp lại GCNQSDĐ, đấy là chưa kể đến những rắc rối có thể phát sinh trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục.
Khu dân cư thuộc xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hoá).
Trăn trở của ông Nhật cũng là điều băn khoăn của 45 hộ gia đình đã thực hiện hiến đất ở thôn 5, xã Hoằng Thái. Bà Lê Thị Toàn, bí thư chi bộ thôn 5, xã Hoằng Thái, cho biết: "Sau khi vận động các hộ dân hiến đất, những hộ hiến ít thì không có ý kiến, những hộ hiến nhiều, diện tích thay đổi nhiều đều đề xuất nguyện vọng được cấp lại GCNQSDĐ theo đúng diện tích thực tế họ đang sử dụng. Tôi đã từng nêu ý kiến này trong buổi tiếp xúc cử tri để các ban, ngành quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của người dân".
Xã Đông Văn (Đông Sơn) là xã NTM kiểu mẫu từ năm 2020, đây là xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành XDNTM kiểu mẫu. Đến giai đoạn hiện nay, trên địa bàn xã hiện đang thực hiện 3 dự án mở rộng, nâng cấp đường giao thông qua thôn Văn Bắc, Văn Nam và Văn Thắng, ảnh hưởng đến diện tích đất của 34 hộ dân. Dự án được thực hiện trên tinh thần Nhà nước đầu tư về hạ tầng, Nhân dân thực hiện hiến đất để mở rộng đường. Địa phương đang tuyên truyền, vận động các hộ dân liên quan hiến đất để có mặt bằng thi công các dự án. Trong quá trình vận động, các hộ dân đều bày tỏ nguyện vọng duy nhất là được cấp đổi lại GCNQSDĐ sau khi hiến đất.
Ông Lê Văn Hưng, Chủ tịch MTTQ xã Hóa Quỳ (Như Xuân), cũng nêu quan điểm: “Giữa thời điểm “tấc đất, tấc vàng”, các hộ dân hiến đất mở rộng đường giao thông, nhiều hộ còn phải phá dỡ tường rào, cổng ngõ, công trình phụ và tự bỏ tiền xây dựng lại. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và xứng đáng được ghi nhận. Vì vậy, nên tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ kinh phí để người dân được cấp lại GCNQSDĐ. Việc “có đi, có lại” như thế để động viên Nhân dân tham gia các công việc chung, vì sự phát triển của mỗi địa phương”.
Chưa chỉnh lý, cập nhật kịp thời
Trong những năm qua, số lượng các hộ dân tham gia vào phong trào hiến đất tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1.500.000m2 đất (trong đó, đất ở hơn 600.000m2, đất khác gần 900.000m2). Con số này trong năm 2024 vẫn tiếp tục được nhân lên với rất nhiều công trình, dự án đã và đang được mở rộng đường giao thông nông thôn. Lượng hóa những con số để thấy một điều, hiến đất được xem là “cuộc cách mạng”, đem lại sự thay đổi rõ nét về diện mạo làng quê.
Một góc xã Thiệu Trung (Thiệu Hoá).
Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là số diện tích hiến đất càng tăng, số hộ dân liên quan càng nhiều, thì khối lượng công việc chỉnh lý hồ sơ đất đai càng lớn và phải được quan tâm giải quyết kịp thời. Nhiều ý kiến của người trong cuộc đều cho rằng các hộ dân đã vì cộng đồng mà hiến đất thì cơ quan chức năng cũng cần có phương án hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện để người dân hoàn thiện các giấy tờ về đất đai một cách thuận tiện nhất. Trên thực tế, công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp lại GCNQSDĐ cho người dân hiến đất tại một số nơi vẫn còn chậm, chưa được quan tâm đúng mức.
Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) huyện Triệu Sơn, Lê Ngọc Quý cho biết: Các trường hợp hộ dân sau hiến đất đến đăng ký biến động, đề nghị cấp lại GCNQSDĐ chưa nhiều. Các trường hợp đến làm thủ tục đăng ký biến động tại các chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ chủ yếu là kết hợp thực hiện luôn các thủ tục chia tách thửa cho con cái, chuyển nhượng mua bán, phân chia thừa kế...
Ông Quý cũng chỉ ra một số vướng mắc, như: việc đo đạc trong quá trình vận động hiến đất giữa chính quyền cơ sở với người dân chủ yếu thực hiện bằng tay, khi trích đo thực tế bằng máy bắn tọa độ sẽ dẫn đến một số sai số; việc chưa chỉnh lý, cập nhật kịp thời diện tích hiến đất của các hộ dân cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai. Một số giao dịch chuyển nhượng dân sự trong trường hợp đất đã có GCNQSDĐ, không phải thông qua UBND cấp xã nên sẽ không nắm bắt được hiện trạng sử dụng đất, diện tích đất đã hiến của các hộ dân, dễ nảy sinh tranh chấp về sau này...
“Cần phải thực hiện đồng thời việc hiến đất ngoài thực địa và việc đo đạc, chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính và cấp lại GCNQSDĐ cho các hộ hiến đất. Trong đó, UBND cấp xã cần chủ động hướng dẫn người dân thực hiện việc đăng ký biến động giảm diện tích sử dụng để bảo đảm dữ liệu đất đai được thống nhất trong quá trình quản lý”, ông Quý cho biết thêm.
Bài và ảnh: Việt Hương
Bài 2: Luật mới, quy định mới theo hướng thuận lợi cho người hiến đất
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:28:00
Chàng trai 9X biến đất hoang thành “mỏ vàng”
-
2024-11-24 15:24:00
Chăm sóc đào, quất chuẩn bị cho thị trường tết
-
2024-11-24 13:46:00
Người dân bản Na Tao thấp thỏm lo bờ suối Poong sạt lở
Tinh thần hiến tặng
Đại hội Đại biểu cộng đồng Bùi tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029
Ghi âm trong tư vấn bảo hiểm: Thêm quy trình nhưng tăng niềm tin cho khách hàng
Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Trao tặng 30 suất quà cho trẻ em khó khăn xã Hà Vinh (Hà Trung)
Thiệu Hóa phát động cao điểm 60 ngày đêm chỉnh trang cảnh quan xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Xuất hiện băng trên đỉnh Fansipan ở Lào Cai
Khai mạc “Triển lãm tranh ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa năm 2024”
N293-P31 với hoạt động nghĩa tình đồng đội