Hậu Lộc: Chủ động khắc phục tình trạng nhiễm mặn, đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp
Những ngày cuối tháng 3 này trên các cánh đồng của huyện ven biển Hậu Lộc, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc 6.200 ha cây trồng vụ chiêm - xuân năm 2024 (trong đó có 4.490 ha lúa), nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Chi nhánh Thủy lợi Hậu Lộc vận hành Trạm bơm Thôn Hậu (xã Phú Lộc) tưới cho cây trồng vụ chiêm - xuân.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do thời điểm tháng 3/2024, mặn đã xâm nhập sâu vào vùng ven biển Hậu Lộc. Độ mặn đo tại trạm bơm Liên Lộc 2 lên 24 phần nghìn, cống Lộc Động độ mặn 8 phần nghìn,... Do nhiễm mặn và mực nước sông Lèn xuống thấp, nhiều thời điểm không lấy được nước cho các trạm bơm nội đồng hoạt động.
Để phục vụ đủ nước tưới cho nông dân trên địa bàn gieo cấy, chăm sóc cây trồng, phấn đấu vụ chiêm - xuân năm 2024 đạt tổng sản lượng lương thực 29.841 tấn, UBND huyện Hậu Lộc và Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Sông Mã đã chỉ đạo Chi nhánh Thủy lợi Hậu Lộc tranh thủ tận dụng tối đa nguồn nước, chủ động vận hành các trạm bơm đầu mối, thường trực tại cống Lộc Động kết hợp điều tiết nước từ trạm bơm Hoằng Khánh (Hoằng Hóa) qua cống Bệnh viện cũ xuống sông Trà Giang, đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho Nhân dân chăm sóc và tưới cho cây trồng.
Các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, chống khô hạn, xâm nhập mặn vụ chiêm - xuân năm 2024. UBND huyện Hậu Lộc đã tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước và kênh trữ nước cho các trạm bơm hoạt động; quản lý nguồn nước ngọt tưới tiết kiệm, hiệu quả; chuẩn bị máy bơm dầu để chống hạn cục bộ; rà soát chuyển đổi một số diện tích cây trồng vùng ven biển thường xuyên bị nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản.
Các tháng vừa qua, huyện Hậu Lộc đã phát động các xã, thị trấn ra quân làm thủy lợi mùa khô, đào đắp các tuyến kênh liên xã, kênh nội đồng với tổng khối lượng 33.680m3 bùn, đất (tăng 34% so với kế hoạch UBND tỉnh giao) và phát dọn 535.010m2 bèo, cỏ (tăng 7% so với kế hoạch UBND tỉnh giao) phục vụ dẫn nước thông thoáng từ đầu mối công trình đến mặt ruộng thuận lợi. Các xã vùng đông kênh De đã đào đắp các kênh tiêu nội đồng để chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp khi nguồn nước bơm bị thiếu do xâm nhập mặn.
Trạm bơm Châu Lộc (xã Triệu Lộc) bơm nước tưới cho 1.000 ha cây trồng vụ chiêm - xuân
Căn cứ lịch gieo trồng thời vụ của các địa phương, Chi nhánh Thủy lợi Hậu Lộc đã chủ động, sớm vận hành các trạm bơm dọc sông Lèn bơm trữ nước ngọt vào nội đồng. Chi nhánh đã chỉ đạo các tổ, cụm thủy nông phân công CBCNV thay ca thường trực 24/24 giờ tại các trạm bơm và cửa lấy nước dọc sông Lèn, 15 phút đo kiểm tra độ mặn tại các cửa cống lấy nước một lần, để khi có nguồn nước ngọt là tranh thủ vận hành hết công suất trạm bơm. Lắp đặt máy bơm dầu, máy bơm dã chiến bơm nước tưới cho cây trồng. Chủ động khắc phục tình trạng nguồn nước tại cống Lộc Động nhiễm mặn, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Sông Mã đã chỉ đạo Chi nhánh vận hành hết công suất trạm bơm Đại Lộc và trạm bơm Châu Lộc (tại xã Triệu Lộc) để bổ sung nước xuống sông Trà Giang tạo nguồn nước ngọt đảm bảo cho các trạm bơm nội đồng hoạt động.
Công nhân Chi nhánh Thủy lợi Hậu Lộc thường trực đo độ mặn tại cống Lộc Động (xã Phong Lộc).
Thực hiện phương án tưới tiêu vụ chiêm - xuân năm 2024 đã được phê duyệt, Chi nhánh Thuỷ lợi Hậu Lộc đã điều hành tưới tiêu theo đúng phương án một cách khoa học, phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước. Trước đó, chi nhánh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá khả năng phục vụ sản xuất của 27 trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn để sửa chữa hư hỏng, chuẩn bị vật tư thiết bị cần thiết, thay thế toàn bộ các loại máy bơm có công suất nhỏ lên loại máy bơm có công suất 1.400m3/ giờ, bảo đảm 100% các trạm bơm và hệ thống công trình vận hành tốt khi có yêu cầu. Phân công CBCNV kiểm tra, bám sát địa bàn, thay ca thường trực tại đầu mối công trình, nạo vét các kênh mương, bể hút, kênh dẫn các trạm bơm, cống dọc sông Lèn với khối lượng đã đào đắp gần 10.000m3 bùn, đất đảm bảo kênh dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng; đóng cửa cống vùng dễ tưới dành nước cho vùng cuối kênh, vùng cao, vùng nhiễm mặn đủ ngâm chân ruộng để hạn chế tình trạng đồng đất thiếu nước, gây chua, mặn, ảnh hưởng đến phát triển của cây trồng.
Nạo vét kênh mương phục vụ dẫn nước tưới tại xã Hòa Lộc (Hậu Lộc)
Theo dự báo của Chi nhánh Thủy lợi Hậu Lộc, thời điểm đầu tháng 4/2024, lúa trên địa bàn trỗ bông là thời điểm thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn, khoảng gần 700 ha lúa trên địa bàn huyện Hậu Lộc có khả năng thiếu nước.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phục vụ nước tưới, chủ động phòng, chống xâm nhập mặn của huyện Hậu Lộc, để tạo điều kiện cho các xã vùng ven biển Hậu Lộc chủ động khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng, trước mắt tỉnh đã đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Hậu Lộc một số công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Thùy Dương
{name} - {time}
-
2024-11-25 06:42:00
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như hình mẫu của chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
-
2024-11-25 06:29:00
Hôm nay, Thanh Hóa bắt đầu khởi động Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia
-
2024-03-19 08:25:00
Sẽ khởi công tuyến đường sắt kết nối cảng biển, cửa khẩu quốc tế trước năm 2030
Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm soát để bình ổn thị trường vàng
Nâng cao tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong các HTX nông nghiệp
Góp phần phát triển các sản phẩm OCOP
Vinamilk 28 năm liên tiếp giữ danh hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao
Mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường các dự án giao thông
Bản tin tài chính 18/3/2024: Giá vàng sẽ giảm mạnh, trong khi chờ đợi tín hiệu từ Mỹ
Tập huấn điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024
Huy động các nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao Liên Lộc
Trên những cánh đồng liên kết sản xuất