Giữa lòng văn hóa Thái
Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, bản Mạ - bản với 100% cư dân là đồng bào Thái (Thường Xuân) bước đầu ghi được dấu ấn trong lòng đông đảo du khách thập phương. Điều khiến du khách thích thú, ấn tượng nhất khi đến với điểm du lịch cộng đồng bản Mạ là cảm giác hoàn toàn được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, nhịp sống chậm rãi, thưởng thức món ăn ngon, mang đậm hương vị núi rừng và đắm chìm vào không gian văn hóa Thái.
Bản Mạ - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách.
Những ngày này, khí thu, sắc thu dường như càng điểm tô cho cảnh sắc thiên nhiên bản Mạ thêm thi vị, hấp dẫn. Nắng chan mặt hồ, sóng lóng lánh ánh bạc; nắng rải trên cây cầu treo nối đôi bờ sông Chu, cũng là con đường “độc đạo” dẫn vào bản Mạ. Chậm rãi bước đi trên cây cầu treo như dải lụa vắt mình qua sông, du khách thích thú nhìn về phía trước mặt, bản Mạ đẹp như bức tranh thủy mặc. Những gạch nối về lịch sử hình thành và phát triển của bản hiển hiện trong ý nghĩ...
Nếu như trước đây, cái đặc thù của vị trí địa lý được xem như “rào cản” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nơi này, thì những năm gần đây, chính sự biệt lập ấy đã và đang trở thành lợi thế, tạo nên sức hấp dẫn, sự khác biệt của du lịch cộng đồng bản Mạ với nhiều khu du lịch cộng đồng khác. Sự biệt lập ấy giúp bản Mạ nằm ngoài những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Cảnh quan thiên nhiên vẫn vẹn nguyên nét hoang sơ, mộc mạc, phóng khoáng vốn có. Một cộng đồng người Thái với gần 60 hộ dân sống bên nhau đoàn kết, nghĩa tình; một không gian văn hóa Thái đậm đặc, sắc nét được cộng đồng dân cư bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Những nếp nhà sàn thấp thoáng giữa màu xanh cây lá cất cao lời mời gọi du khách sải nhanh bước chân ghé đến chơi nhà, cùng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái, cùng thả hồn ngất ngây trong men say rượu cần, trong tình người nồng ấm... Với đồng bào dân tộc thiểu số, nhà sàn không chỉ là không gian vật chất mà còn có ý nghĩa lớn lao trong đời sống tinh thần. Người Thái có câu nói khái quát nhất khi giới thiệu về mình: “Người ở nhà sàn, bản cột/ Đi ăn cá, về ăn cơm/ Tối lại nằm đệm đắp chăn”. Dưới nếp nhà sàn, các thế hệ tiếp nối sinh ra và lớn lên, gắn kết với nhau bằng tình cảm gia đình thiêng liêng, trân quý. Như một chứng nhân lặng lẽ, nhà sàn gắn với vòng đời mỗi người dân bản Mạ; là tài sản trao truyền từ đời này qua đời khác. Người dân bản Mạ lưu giữ những nếp nhà sàn chính là lưu giữ giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người, đời người.
Giữa bối cảnh giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, điều quan trọng nhất là gìn giữ được nếp sinh hoạt truyền thống, các giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ gia đình, xã hội, phong tục, tập quán, lao động sản xuất đã bao đời. Khi nhiều nghề, làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một thì cư dân bản Mạ vẫn gìn giữ được một số nghề truyền thống như: dệt vải, nấu rượu, đan lát...
Chị Lương Thị Bình (38 tuổi) là con gái làng Đòn theo chồng về bản Mạ lập gia đình, sinh sống. Ngay từ khi còn nhỏ, chị Bình đã biết học theo các bà, các mẹ cách dệt vải. Ngồi bên khung dệt, chị Bình toát lên vẻ đẹp vừa giản dị, mộc mạc vừa nền nã, duyên dáng. Đôi bàn tay quần quật cuốc đất, làm ruộng giờ trở nên linh hoạt, khéo léo. Từng nét hoa văn dần định hình theo nhịp thoi đưa. Chị Bình cho biết: “Trước đây, chị vẫn duy trì nghề dệt nhưng không thường xuyên, chủ yếu làm để phục vụ gia đình. Kể từ khi bản Mạ làm du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn, đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ cho vay vốn để mua sắm dụng cụ, chị càng có thêm động lực gắn bó và phát triển nghề”. Chị Bình dệt đa dạng các sản phẩm, từ váy, áo, khăn, túi xách để phục vụ du khách đến bản. Ngoài ra, chị còn có sản phẩm mang bán ở chợ phiên, nhập cho nơi chuyên thu mua sản phẩm thủ công truyền thống... vừa góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống vừa có thể gìn giữ nghề truyền thống của làng, bản.
Sau khi đã thong dong tham quan một vòng quanh bản, đoàn chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ ngơi tại homestay ẩm thực Tính Tuyến - một trong những homestay đầu tiên của bản Mạ. Homestay không nặng về phần “trình bày”, sắp đặt nên cảm giác rất hài hòa, “đúng chất” du lịch cộng đồng. Khách vừa vào đến sân, một bà lão ăn vận trang phục truyền thống tươi cười cất lời: “Chào các cô, các cậu ghé thăm nhà”. Cả đoàn lễ phép đáp lời, cảm giác gần gũi, thân thương đến lạ thường. Cách người bản Mạ đón tiếp khách khiến những người xa lạ trở nên gần gũi, hảo cảm về nhau: “Khách đến buổi sáng, nhà dưới san canh/ Khách đến buổi chiều, nhà trên sẻ bữa”. Đây là lợi thế, là tố chất đặc biệt quan trọng cho phát triển du lịch cộng đồng.
Trời đã quá trưa, những “chiếc bụng đói” đang háo hức chờ đợi được thưởng thức ẩm thực. Các món ăn được bày biện gọn gàng, đẹp mắt trong một chiếc mẹt to lót lá chuối. Trên mẹt phần lớn là món nướng như gà nướng, cá nướng, thịt lợn cỏ nướng... Ngoài ra còn có tôm đồ, canh lá đắng, xôi ngũ sắc, một số loại rau, quả, lá cây rừng ăn kèm. Món ăn càng thêm đậm đà, hấp dẫn khi được ăn cùng với các loại chẻo – gia vị không thể thiếu, làm nên đặc trưng của ẩm thực núi rừng. Món ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon, tẩm ướp tỉ mỉ với các loại mắc khén, hạt dổi... theo công thức riêng của đồng bào. Chị chủ homestay nói với chúng tôi: “Các cô chú cứ yên tâm dùng bữa. Gà chị thả ngay ngoài kia, tôm và cá được bà con đánh bắt dưới lòng sông Chu, phải đặt mua từ sáng sớm”. Những thông tin “truy xuất nguồn gốc” ấy khiến đoàn chúng tôi hài lòng, hăng say thưởng thức món ăn thơm ngon mà chẳng mảy may chút lo ngại. Bản Mạ níu lòng du khách bởi những trải nghiệm dễ thương như thế!
Từ một bản biệt lập với đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, đến nay, bản Mạ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn đông đảo du khách, điểm sáng trên hành trình phát triển du lịch của huyện Thường Xuân. Kết quả ấy phản ánh sinh động nỗ lực, tâm huyết, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ông Vi Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, chia sẻ: “Những năm qua công tác phát triển du lịch trên địa bàn huyện nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.
Huyện đã huy động hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực nhằm khuyến khích đầu tư phát triển du lịch. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được nâng cao; đa dạng các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tiến hành các hoạt động khảo sát điểm đến, tour, tuyến; xây dựng chương trình tour và ký kết hợp tác với doanh nghiệp lữ hành; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển du lịch... Trong các định hướng phát triển du lịch cộng đồng, huyện Thường Xuân luôn quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xem đó như yếu tố then chốt. “Nhận thức sâu sắc rằng, du lịch cộng đồng là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, hay nói cách khác đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch và cũng là đối tượng thụ hưởng. Do đó, huyện Thường Xuân chủ trương ưu tiên, khuyến khích, có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân địa phương đầu tư phát triển du lịch cộng đồng trong lòng bản Mạ. Đối với các nhà đầu tư không phải là người dân địa phương, huyện đã quy hoạch vị trí đẹp, thuận lợi ngay sát bản Mạ để cùng chung tay góp sức xây dựng, phát triển du lịch nơi đây”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Vi Ngọc Tuấn cho biết. Việc làm đó thể hiện tầm nhìn, quyết liệt, táo bạo của lãnh đạo huyện đối với việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Vì vướng bận công việc, chuyến tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Mạ của chúng tôi phải kết thúc sớm. Ai nấy đều luyến tiếc vì không thể ở lại để khám phá nét đẹp bản Mạ về đêm, chưa được nghe hát khặp, khua luống, nhảy sạp, múa xòe bên ánh lửa... Hay “lỡ hẹn” chính là cái cớ cho những lần gặp gỡ sau đó thêm rộn ràng, hứng khởi. “Dịp lễ hội đua thuyền và lễ mừng cơm mới sắp tới, các bạn sắp xếp công việc về với bản Mạ, về với quê hương quế ngọc châu Thường lâu hơn nhé!”. Lời hẹn ấy khiến chúng tôi chưa xa bản Mạ đã thấy nhớ, vấn vương...
Thảo Linh
{name} - {time}
-
2024-12-09 11:10:00
Top 4 khu vui chơi nước ngoài ấn tượng không thể bỏ lỡ
-
2024-12-09 09:53:00
Tour 550 khách của DANAGO “chinh phục” CEO Detech Motor
-
2024-10-20 07:53:00
Ngân nga... điệu chèo
Tạo “sân chơi” âm nhạc cho thế hệ trẻ
[Podcast] Truyện ngắn: Nhành thạch thảo cuối cùng
Câu lạc bộ nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh - kết nối nghĩa tình, khơi nguồn sáng tạo
Vi vu miền Bắc mùa thu đông “không lo về giá” với hệ sinh thái du lịch giải trí của Sun Group
[E-Magazine] – Tự tình tháng mười...
Đến năm 2030, Thanh Hoá là 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam
Cú hattrick của Phú Quốc: 3 năm liên tiếp lọt top đảo tuyệt vời nhất thế giới!
Xây dựng đời sống văn hóa mới ở Vĩnh Lộc
[Podcast] - Tản văn: Heo may thêu nỗi nhớ mùa