(Baothanhhoa.vn) - Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế. Không chỉ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, những thủ đoạn tinh vi trong sản xuất, kinh doanh hàng giả còn làm ảnh hưởng tới uy tín của các thương hiệu trên thương trường. Ngăn hàng giả, “tiếp sức" hàng thật sẽ là giải pháp kép để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) chân chính.

Giải pháp kép bảo vệ thương hiệu Việt

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế. Không chỉ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, những thủ đoạn tinh vi trong sản xuất, kinh doanh hàng giả còn làm ảnh hưởng tới uy tín của các thương hiệu trên thương trường. Ngăn hàng giả, “tiếp sức" hàng thật sẽ là giải pháp kép để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) chân chính.

Giải pháp kép bảo vệ thương hiệu Việt

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 9, Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Hàng giả len lỏi, đe dọa thị trường chân chính

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025 lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 10.000 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng giả không chỉ xuất hiện trong các nhóm hàng tiêu dùng truyền thống như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm mà còn xâm nhập sâu sang các ngành có giá trị cao như linh kiện điện tử, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị y tế.

Tại Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm ghi nhận 1.144 vụ vi phạm, trong đó có 67 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Các lực lượng chức năng đã khởi tố 7 vụ, xử lý vi phạm hành chính 161 vụ, phạt tiền gần 1 tỷ đồng. Tang vật vi phạm gồm hơn 2.400 đôi giày dép, gần 850 hộp mỹ phẩm, 628 kính mắt, 30.000 hộp thuốc, thực phẩm chức năng giả và hàng nghìn linh phụ kiện điện thoại.

Đáng lo ngại hơn là phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hàng giả được trà trộn vào các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để lách kiểm tra. Những vụ việc điển hình như Công ty CP Công nghệ cao Sao Đỏ sản xuất phân bón giả, bị xử phạt tổng cộng 376 triệu đồng và buộc tiêu hủy hơn 3.300 bao bì giả mạo nhãn hiệu “Việt Xô” và “Rồng Mỹ”; vụ sản xuất, buôn bán số lượng lớn mỹ phẩm giả trên địa bàn huyện Triệu Sơn (cũ) do Nguyễn Thị Dung làm chủ; hay chuyên án triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả liên quan nhiều tỉnh, thành phố với số lượng hàng giả trị giá hàng tỷ đồng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự manh động của các đối tượng vi phạm.

Hàng giả không chỉ làm mất niềm tin của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, lợi nhuận và uy tín của các DN làm ăn chân chính. Nhiều thương hiệu Việt mất thị phần ngay trên sân nhà vì sự xâm nhập của các sản phẩm kém chất lượng, làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của DN trong bối cảnh hội nhập.

"Tiếp sức" hàng thật: Cần giải pháp từ nhiều phía

Để bảo vệ thương hiệu Việt, song hành cùng nỗ lực ngăn chặn hàng giả, việc “tiếp sức” cho hàng thật vươn lên, chiếm lĩnh thị trường là hết sức quan trọng.

Giải pháp kép bảo vệ thương hiệu Việt

Lực lượng chức năng tuyên truyền hộ kinh doanh trên địa bàn phường Sầm Sơn tuân thủ quy định pháp luật khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Từ phía DN, nhiều nhãn hàng đã chủ động đầu tư vào công nghệ chống giả như tem điện tử, QR code truy xuất nguồn gốc, ứng dụng blockchain để đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm. Ông Trịnh Mạnh Tuyên, cố vấn cấp cao về công nghệ của Công ty CP Công nghệ chống hàng giả Việt Nam, nhận định: “Công nghệ chống giả hiện nay không chỉ là tem nhãn truyền thống mà đã bước sang thế hệ mới với blockchain, QR code, chip NFC. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã là biết ngay nguồn gốc sản phẩm, giúp loại bỏ nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng”.

Ông Tuyên nhấn mạnh, giải pháp này cần được đồng bộ từ DN tới cơ quan quản lý để hình thành hệ sinh thái minh bạch: “Chúng ta phải coi tem chống giả không đơn thuần là một con tem, mà là công cụ quản lý thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nâng tầm thương hiệu Việt. Đồng thời, việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và đẩy mạnh truyền thông về giá trị thương hiệu cũng giúp hàng Việt tạo được dấu ấn riêng, sức cạnh tranh riêng”.

Các chương trình như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng trở thành bệ đỡ để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Tại Thanh Hóa, hơn 1.900 DN và hộ kinh doanh đã ký cam kết “nói không với hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc”. Đây cũng là bước đi thể hiện trách nhiệm xã hội và khẳng định uy tín của cộng đồng DN.

Từ phía cơ quan chức năng, nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ đã được triển khai. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thực hiện nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các lực lượng công an, quản lý thị trường, hải quan đã phối hợp chặt chẽ, kiểm soát các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển - những “điểm nóng” của buôn lậu, hàng giả.

Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, để việc ngăn chặn hàng giả đạt hiệu quả bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề trong bảo vệ quyền lợi DN.

“Đặc biệt, người tiêu dùng cần phát huy vai trò là “người gác cửa”. Khi người dân chủ động nói không với hàng giả, ưu tiên mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, sẽ hình thành “rào cản” tự nhiên đối với sự tồn tại của các sản phẩm kém chất lượng”, đại diện Chi cục Quản lý thị tỉnh trường nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]