Đưa sản phẩm OCOP vào kênh bán lẻ hiện đại
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 508 sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất được công nhận OCOP cấp tỉnh. Đã có nhiều sản phẩm thành công trong việc tiếp cận khách hàng và được chứng nhận chất lượng đưa vào các kênh bán lẻ hiện đại để quảng bá, giới thiệu. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua các kênh bán lẻ mới chiếm tỷ lệ thấp và cũng có không ít sản phẩm vẫn còn gặp khó qua kênh bán lẻ.
Các sản phẩm OCOP của thương hiệu mắm tép Lê Gia (Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia) được bày bán tại Siêu thị GO! Thanh Hóa.
Qua khảo sát của phóng viên, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn trên địa bàn tỉnh đã và đang bày bán khá nhiều các mặt hàng Việt Nam, trong đó có Siêu thị GO! Thanh Hóa đã trưng bày riêng quầy hàng các sản phẩm OCOP, đặc trưng của các vùng miền trên khắp cả nước. Trong đó có bánh đậu xanh (Hải Dương), bánh nhãn (Nam Định), kẹo dừa (Bến Tre), chè xanh (Thái Nguyên), bánh thốt nốt (An Giang), mì chũ (Bắc Ninh), nước mắm Lê Gia (Thanh Hóa)... Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh lại chỉ lác đác một vài sản phẩm tiêu biểu, không đa dạng khiến người tiêu dùng muốn mua các sản phẩm OCOP khác chỉ còn cách liên hệ trực tiếp với chủ thể sản xuất.
Là cơ sở sản xuất có tiếng tại vùng đất Hà Trung, kẹo lạc Khánh Linh, xã Yến Sơn đã chứng minh được chất lượng khi đạt chứng nhận OCOP vào năm 2023. Hiện nay, sản phẩm kẹo lạc Khánh Linh đã được phân phối đến nhiều địa phương của Việt Nam như: Kon Tum, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai... Nhưng tại tỉnh nhà, sản phẩm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đưa vào các kênh bán lẻ hiện đại. Theo ông Lê Bá Trình, chủ cơ sở sản xuất kẹo lạc Khánh Linh chia sẻ: “Dù sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, đạt chuẩn về quy định chất lượng và an toàn thực phẩm nhưng để đưa được sản phẩm vào các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cần rất nhiều yếu tố như: các loại hóa đơn, chứng từ, hợp đồng giao dịch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Sau khi vào được siêu thị, việc để sản phẩm được tiêu thụ nhanh chóng thì thương hiệu cũng cần đồng hành với các chương trình khuyến mại, kích cầu mà hệ thống siêu thị đưa ra. Chưa kể, các chủ thể OCOP còn phải đáp ứng với yêu cầu công nợ dài ngày, chiết khấu cao của các siêu thị có quy mô lớn như GO! Thanh Hóa, Winmart, Co.op Mart... Đây là sự hạn chế của các chủ thể vì nguồn vốn vẫn còn hạn hẹp, khó đáp ứng các yêu cầu trên. Do đó, thời gian tới, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm, kết nối với bộ phận nhập nguồn hàng của các siêu thị lớn nhỏ trong tỉnh để đẩy mạnh hợp tác, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường”.
Bà Phạm Thị Dung, Giám đốc Siêu thị GO! Thanh Hóa, cho biết: “Trước khi đưa bất kì sản phẩm OCOP nào vào hệ thống siêu thị, chúng tôi đều nghiên cứu và sàng lọc rất kỹ càng từ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đến năng lực của các chủ thể khi đồng hành với nhà bán lẻ trong các chính sách quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện, phần lớn các thương hiệu OCOP đều đã làm rất tốt thì phải tìm cách làm sao để đưa được sản phẩm của mình vào siêu thị. Chúng tôi đã tạo điều kiện tối đa cho các sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của tỉnh; đồng thời hướng dẫn các chủ thể sản xuất theo đúng quy trình an toàn, hoàn thiện mọi thủ tục cần thiết để nhanh chóng đưa hàng vào siêu thị”.
Thực tế cho thấy, số lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận đã gia tăng theo từng năm; tính hoàn thiện từ chất lượng, mẫu mã, giá cả đều đã được các chủ thể sản xuất cải tiến tích cực. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ hiện đại của tỉnh đang phát triển vô cùng sôi động với 2 trung tâm thương mại, 27 siêu thị và gần 150 cửa hàng tiện lợi, được người tiêu dùng ưa chuộng mỗi khi đi mua sắm. Đây là cơ hội lớn để các sản phẩm OCOP của tỉnh “bứt phá”, không chỉ giúp doanh nghiệp, HTX mở rộng đầu ra, chủ động được kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần nâng cao vị thế cho sản phẩm OCOP của mình nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Là thương hiệu sản xuất các sản phẩm từ mắm, Lê Gia hiện rất thành công trong việc đưa sản phẩm đạt OCOP vào nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước như AEON mall, Bibo mart, Go! Thanh Hóa, Co.op Mart, Winmart, Level food... và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada... Nói về “quả ngọt” này, ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, cho biết: “Với kinh nghiệm của Lê Gia, để đưa được hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp, HTX cần đổi mới tư duy, tập trung vào việc ổn định sản phẩm cả về lượng và chất. Ngoài ra, cần phải nhạy bén, chủ động hơn trong việc kết nối, hợp tác và đàm phán với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch... để liên kết với nhau, tạo thành chuỗi giá trị lớn, mang lại hiệu quả cho cả đôi bên”.
Hiện các ngành chức năng của tỉnh cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất, đưa nông sản vào kênh tiêu thụ hiện đại. Ngành công thương sẽ rà soát, hỗ trợ một số siêu thị trên địa bàn tỉnh xây dựng “điểm bán hàng Việt”, chú trọng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các kênh bán lẻ hiện đại...
Bài và ảnh: Chi Phạm
{name} - {time}
-
2024-12-14 14:20:00
Còn nhiều dư địa cải cách môi trường đầu tư kinh doanh từ cấp cơ sở
-
2024-12-13 15:47:00
Tiếp tục định hướng phát triển năng lượng tái tạo
-
2024-09-01 21:29:00
Thủy điện Trung Sơn bảo đảm an toàn, môi trường trong sản xuất, kinh doanh
Hoạt động khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Công ty Cổ phần xây lắp Điện lực Thanh Hóa trao quà khuyến học
Tín hiệu tích cực trong phát triển doanh nghiệp mới
Truy xuất nguồn gốc và ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng số
Hội thảo đầu tư sản xuất tại Việt Nam 2024 sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia
“Chìa Khóa Vàng” tiết kiệm chi phí điện mỗi tháng từ Manfusi Solar
Đa dạng hoạt động kết nối, mở rộng thị trường
Top 20 công ty dịch thuật tại TPHCM giá rẻ, uy tín chuyên nghiệp
Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX thương mại, dịch vụ