Non nước Cửa Bạng
Lạch Bạng (Cửa Bạng) thuộc phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn). Nơi đây có sông Bạng đổ ra biển, núi cao Do Xuyên (Du Xuyên) “nhoài” ra sóng nước tạo nên một vùng danh thắng kỳ tú. Lại có hệ thống đền, chùa, lễ hội mang nét đẹp văn hóa - tín ngưỡng lâu đời của người dân vùng sông nước... Danh thắng - di tích - lễ hội quyện hòa đã tạo nên một không gian văn hóa Cửa Bạng đặc sắc.
Người dân Lạch Bạng quần cư sinh sống bên sông.
Từ TP Thanh Hóa, xuôi theo Quốc lộ 1A đến ngã tư Còng - trung tâm thị xã Nghi Sơn, rẽ trái thêm khoảng 5km sẽ đến Lạch Bạng. Đặt chân đến vùng đất này, du khách dễ dàng cảm nhận “hương biển” mặn mòi len lỏi trong không gian.
Sông Lạch Bạng từ vùng rừng núi xuôi dòng, đến khu vực giáp ranh (Hải Thanh, Hải Bình, Bình Minh) gặp sông Kênh Than đã hòa dòng, rồi từ đây theo Cửa Bạng đổ ra biển. Nơi cửa Lạch Bạng, một bên là núi cao Do Xuyên (còn gọi là núi Liên Phong) - bên kia là sông dài uốn lượn, biển mênh mông, sóng bạc lấp lánh. Nếu lên núi Do Xuyên nhìn xuống, thu vào tầm mắt là muôn trùng sông nước mênh mang. Cảnh sắc ấy, khiến lòng người như thênh thang, rộng mở, dễ quên đi những muộn phiền.
Nơi Cửa Bạng, nhìn xa xa là quần đảo Hòn Mê với “thập bát mã sơn” - 18 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Hòn Mê có diện tích lớn nhất, hơn 4km2. “Ở khu vực Hòn Mê có nhiều vụng biển như Khe Khế, mỏm Chồng Mong... kín gió vừa là nơi neo đậu an toàn của tàu thuyền khi gặp bão gió trên biển, vừa có bãi cát mịn màng, nước trong nhìn thấy rõ cả những rặng san hô”. Đặc biệt, “Hòn Đót nằm trong cụm Mê có nhiều chim yến, xưa kia những ngư dân trong vùng hàng năm phải triều cống yến sào cho triều đình, đến thời Tây Sơn, nhà vua mới hạ chiếu miễn nộp loại sản vật quý hiếm này. Những năm tháng đất nước chống ngoại xâm, đảo Mê là pháo đài thép... Những dấu tích và kỷ vật của một thời oanh liệt ấy hãy còn hiện hữu trên hòn đảo nhỏ anh hùng, khiến mọi người và du khách thêm quý, thêm yêu những con người kiên trung đã anh dũng ngã xuống cho đảo Mê xanh mãi màu xanh, tràn đầy sức sống” (sách Về miền du lịch xứ Thanh, tác giả Hoàng Minh Tường).
Cũng theo tác giả Hoàng Minh Tường, “Từ Cửa Bạng chếch một chút về hướng Nam sẽ bắt gặp đảo Nghi Sơn, nhìn xa tựa như chuỗi ngọc mà thượng đế bỏ quên bên bờ biển sóng. Vụng biển Nghi Sơn được thương nhân, hàng hải Trung Hoa và thuyền buôn nước ngoài chọn làm điểm buông neo và tránh gió bão lý tưởng trong cuộc hành trình từ Tây sang Đông và ngược lại”.
Với địa thế thuận lợi cho tàu thuyền giao thương, buôn bán, người dân Lạch Bạng tin rằng, vùng đất này thuở xa xưa đã có con người đến đây lập nghiệp, tạo nên sự phồn thịnh của cư dân Cửa Bạng. Và cùng với nỗ lực mưu sinh, phát triển kinh tế, những thế hệ người dân Lạch Bạng còn cùng nhau vun đắp, dựng xây các công trình kiến trúc - tâm linh, gửi gắm niềm tin tín ngưỡng.
Đó là đền Lạch Bạng, tương truyền có lịch sử khởi dựng cách ngày nay trên 700 năm. Ngôi đền thiêng của người dân vùng biển là nơi thờ Tứ vị Thánh nương; Thái úy Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành... Đền Lạch Bạng không bề thế mà uy nghiêm, vững chãi trước sóng nước biển khơi. Ngôi đền mang nét đẹp kiến trúc thời Lê - Nguyễn với các mảng chạm khắc gỗ mềm mại, tinh tế, đề tài Long, Ly, Quy, Phượng và hoa lá cách điệu.
Tại đền Lạch Bạng hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá. Trong đó, ngoài chuông đồng đúc thời vua Tự Đức thì tại di tích còn lưu giữ tới 32 đạo sắc phong thời Lê - Nguyễn, trong đó có 17 đạo sắc được giữ gìn nguyên vẹn. Đặc biệt, dưới chân đền Lạch Bạng - ngay mép nước biển còn có cây bàng hàng trăm năm tuổi. Theo lời kể của người dân trong vùng, cây bàng cổ thụ đã “chứng kiến” đời nối đời những thế hệ cư dân Cửa Bạng sinh ra, lớn lên...
Đền Lạch Bạng là không gian thiêng - gắn liền với tín ngưỡng của người dân vùng biển. Theo người dân trong vùng, khi xưa dù là tàu thuyền của thương nhân mỗi lần qua Cửa Bạng hay thuyền của ngư dân trước khi vươn khơi bám biển đều vào đền dâng hương, cầu mong sự phù trợ của các vị thần để chuyến đi được bình an, thuận lợi, thuyền về đầy tôm cá... Và tại đền Lạch Bạng xưa kia mỗi năm diễn ra nhiều kỳ lễ hội lớn nhỏ. Tuy nhiên đến nay, lễ hội Cầu Ngư tại đền Lạch Bạng diễn ra vào đầu tháng 4 (âm lịch) được tổ chức trọng thể, quy mô hơn cả.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - thủ nhang đền Lạch Bạng: Lễ hội Cầu Ngư là một lễ hội lớn với nhiều nghi lễ, như lễ Xuống mùa; lễ Tải mã và lễ Tiên hiền. Mỗi nghi lễ chứa đựng ý nghĩa riêng. Trong đó lễ Tải mã là nghi lễ của những người đi buôn. Khi xưa, khi giao thông đường thủy vẫn giữ vai trò trọng yếu, nghề buôn bán ở làng Du Xuyên - Ba Làng rất phát triển, tạo nên những đoàn thuyền buôn hùng mạnh. Vào tháng 11 âm lịch, đoàn thuyền buôn sẽ sắm sửa lễ vật vào đền dâng cúng, cầu mong sự tốt lành. Sau đó, họ sẽ chọn ra những người có uy tín, gia đình hòa thuận, không tang cớ... để rước “Thánh” xuống thuyền cùng với các thuyền buôn vươn khơi, đưa hàng hóa đi muôn phương. Sau những ngày dài buôn bán, vào dịp tết các thuyền buôn sẽ trở về, họ không quên sắm sửa lễ vật, đồ mã để tạ ơn thần linh đã phù trợ; khác với lễ Tải mã, lễ Tiên hiền lại là nghi lễ tưởng nhớ những người đi biển không may gặp nạn.
Và theo kinh nghiệm của người dân biển vùng Cửa Bạng, từ tháng giêng đến tháng ba (âm lịch), nước biển trong xanh là mùa sinh sản của tôm cá, việc đi biển đánh bắt vì thế cũng hạn chế - đây cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi của ngư dân. Vì thế, trong dân gian vẫn thường có câu: “Tháng Ba xanh nước em ơi/ Tiền riêng giấu mẹ mà nuôi anh cùng”. Sang đến tháng Tư, cũng là thời điểm chuẩn bị cho một mùa đi biển mới, đây cũng là lúc ngư dân làm lễ Cầu ngư - Xuống mùa, gửi gắm niềm tin, ước vọng, mong cầu các vị thánh, thần chở che, phù trợ.
Sau lễ hội Cầu ngư - Xuống mùa, ngư dân lại “Thui thuyền, nhuộm lưới ra thăm rảo ngoài/ Ra thăm con cá đốm ngoai/ Hỏi thăm con cá đốm dài ngoài khơi/ Được thua thì cũng nhờ trời/ Con mực, con mỡ ngoài khơi cũng nhiều...”.
Cách đền Lạch Bạng chỉ một quãng ngắn là đền thờ vua Quang Trung được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Ngôi đền thờ vị vua triều Tây Sơn dựa lưng vào núi, hướng nhìn xuống dòng sông Lạch Bạng. Vào dịp đầu xuân hằng năm, tại đền thờ vua Quang Trung diễn ra lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ người “anh hùng áo vải”. Đặc biệt, Lễ hội Đền thờ Quang Trung ở Lạch Bạng (phường Hải Thanh) và Cù Lao Biện (Biện Sơn, xã Nghi Sơn) thị xã Nghi Sơn đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, cũng là động lực để người dân trong vùng giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội.
Nằm trong không gian văn hóa bên sông Lạch Bạng còn có chùa Đót Tiên và đền Thanh Xuyên.
Về với non nước Cửa Bạng, về với những di tích, lễ hội đậm màu sắc văn hóa dân gian, giữa nhịp sống tưởng chừng như vội vã, ta vẫn thấy ở đây, nét văn hóa vùng biển, đặc sắc và đậm nét.
Thu Trang
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-05-19 09:20:00
Bác Hồ sống mãi
“Tình Bác như ngàn hoa tỏa ngát”
Sầm Sơn “...sẽ thu được nhiều của cải từ đây”
Làm theo lời Bác, Thanh Hóa phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu
Về những nơi in dấu chân Người
Tháng 5 về thăm quê Bác
Nhớ Bác, nguyện cùng Người vươn tới mãi
Ký ức thời hoa lửa
Đại thắng mùa xuân 1975 - Khát vọng thống nhất đất nước
“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”