(Baothanhhoa.vn) - Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng, dầu cho cả nước, đóng góp nguồn thu vào thuế xuất nhập khẩu để đưa Thanh Hóa từng gia nhập nhóm tỉnh, thành có số thu ngân sách 50.000 tỷ đồng/năm.

Trách nhiệm xã hội của dự án tỷ đô

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng, dầu cho cả nước, đóng góp nguồn thu vào thuế xuất nhập khẩu để đưa Thanh Hóa từng gia nhập nhóm tỉnh, thành có số thu ngân sách 50.000 tỷ đồng/năm.

Trách nhiệm xã hội của dự án tỷ đôNSRP trao quà tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Có được nhà máy lọc hóa dầu tầm cỡ khu vực hiện diện trên mảnh đất xứ Thanh hôm nay, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, là sự hy sinh không nhỏ của hàng ngàn người dân đã nhường nơi “chôn rau cắt rốn” và đất sản xuất cho công trình thế kỷ. Đáp lại ân tình ấy, ngay từ khi đặt chân xây dựng và trong quá trình vận hành, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) luôn chú trọng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và tri ân tới Nhân dân vùng dự án.

Để có mặt bằng thực hiện Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trên 500 ha đất bao gồm cả đất nông nghiệp và đất thổ cư thuộc 4 xã, phường: Hải Yến, Mai Lâm, Nguyên Bình, Tĩnh Hải tại thị xã Nghi Sơn đã được thu hồi. Trong đó, xã Hải Yến, các phường Tĩnh Hải và Mai Lâm có đất thu hồi phục vụ xây dựng mặt bằng nhà máy và phường Nguyên Bình có đất nông nghiệp thu hồi để xây dựng khu tái định cư cho khoảng 1.500 hộ dân cần phải di dời từ xã Hải Yến.

Với mục đích hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng nói chung và người dân phải tái định cư nói riêng, từ năm 2014 đến nay NSRP đã dành khoảng 300 tỷ đồng để thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng nhằm giúp phục hồi, phát triển sinh kế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững và đạt được nhiều kết quả thực tế như chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kết nối việc làm cho khoảng 2.000 lượt người được đào tạo nghề (xây dựng, hàn, giàn giáo, lắp đặt đường ống, làm vườn, nhà hàng, khách sạn...). Cùng với đó, công ty cũng tích cực triển khai hỗ trợ kỹ năng tìm việc và giới thiệu việc làm, kết nối việc làm.

Theo đại diện NSRP, hướng tới nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của Nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án, công ty đặc biệt chú trọng tạo sinh kế cho người dân. Do đó, chương trình hỗ trợ kết nối việc làm được công ty triển khai bài bản. Chương trình đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về người tìm việc địa phương, cung cấp thông tin việc làm, tư vấn cho người tìm việc để tăng cơ hội việc làm và kết nối họ với các đơn vị tuyển dụng trong khuôn khổ Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Theo đó, có khoảng 4.000 lượt người đã được giới thiệu cơ hội việc làm, trong đó khoảng 1.000 người đã được kết nối việc làm thành công.

Cùng với đó, chương trình đào tạo nghề bởi NSRP đã tổ chức nhiều lớp đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với tình hình phát triển của Khu Kinh tế Nghi Sơn cho người dân. Khoảng 2.000 lượt người đã được đào tạo nghề nấu ăn, làm vườn, lễ tân, buồng phòng... để có thể làm việc tại các nhà hàng, khách sạn như Khách sạn Anh Phát, Khách sạn Nghi Sơn... Nhiều người khác được hỗ trợ đào tạo nghề về xây dựng, hàn, giàn giáo, lắp đặt đường ống... để có thể làm việc tại các công ty như Lilama 10, Lilama 18, PTSC Thanh Hóa...

Trong công tác hỗ trợ về y tế và an toàn, công ty đã triển khai cho khoảng 13.000 lượt người dân, học sinh được khám sàng lọc; 45.000 lượt người dân được nâng cao kiến thức về vệ sinh, dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật; 18.000 lượt người được truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông; 9.000 lượt người được hỗ trợ nâng cao khả năng sơ cấp cứu, ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Với hoạt động hỗ trợ giáo dục và học bổng, có trên 1.500 suất học bổng với tổng giá trị trên 7 tỷ đồng đã được trao; khoảng 200 giáo viên và hàng vạn lượt học sinh được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh, kỹ năng sống và tin học; đào tạo kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước cho hơn 1.000 học sinh.

Công ty còn hỗ trợ phát triển kinh doanh cấp độ vi mô cho khoảng 2.000 người được nâng cao năng lực kinh doanh cấp độ vi mô - nhỏ và các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình; hỗ trợ 900 hộ gia đình nâng cao kỹ năng sản xuất nông nghiệp, hưởng lợi từ các sáng kiến nông nghiệp và hàng trăm ha đất bỏ hoang được cải tạo, đưa vào khai thác giúp người dân cải thiện thu nhập. Với chương trình này, NSRP đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo để nâng cao năng lực kinh doanh cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đang có hoạt động kinh doanh hoặc mong muốn khởi sự kinh doanh. Đồng thời, chương trình cũng tiến hành nhiều hoạt động tư vấn, cố vấn trực tiếp cho từng hộ và kết nối thị trường cho các hộ này.

Đơn vị cũng thực hiện hỗ trợ cơ sở hạ tầng với việc tham gia hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhiều công trình phục vụ cộng đồng như nhà văn hóa, trường học...; hỗ trợ kết nối, lắp đặt đường ống nước sạch với tổng độ dài khoảng 74km tới khoảng 3.000 hộ dân thuộc phường Mai Lâm, Tĩnh Hải và thôn Bắc Yến (xã Hải Yến).

Đặc biệt, NSRP hiện là doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình hỗ trợ thành lập, phát triển các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Đây là mô hình hỗ trợ phát triển cộng đồng một cách nhân văn, bền vững và hiệu quả thông qua nâng cao nhận thức cho thành viên trong câu lạc bộ; chăm sóc sức khỏe; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao; hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn...

Đến nay, NSRP đã hỗ trợ thành lập 25 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại 4 xã, phường bị ảnh hưởng là Mai Lâm, Hải Yến, Nguyên Bình, Tĩnh Hải, trong đó khu vực tái định cư của xã Hải Yến có 5 câu lạc bộ. Các câu lạc bộ đầu tiên được thành lập từ năm 2016, hỗ trợ vận hành ổn định và được bàn giao cho hội người cao tuổi và chính quyền địa phương vào năm 2019. Hiện tại, 25 câu lạc bộ vẫn hoạt động ổn định, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất, an ninh, sức khỏe cho người dân tại các cộng đồng này, được người dân và chính quyền đánh giá cao.

Chủ tịch UBND xã Hải Yến Trần Văn Hùng chia sẻ: "Là xã có nhiều nhất số hộ dân đã nhường đất xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đến nay cuộc sống của Nhân dân nơi tái định cư mới đã ổn định và đang “thay da đổi thịt” mỗi ngày. Các hoạt động đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm được doanh nghiệp kết nối thành công nên đến nay có tới 2.000/5.000 lao động trên địa bàn xã được làm việc cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cảng Nghi Sơn, Nhà máy Giày Annora... Số lao động còn lại thì được đào tạo kinh doanh, buôn bán nhỏ. Lao động trong xã phần lớn đều có việc làm, có thu nhập, chất lượng cuộc sống Nhân dân ngày càng được nâng cao và bà con rất phấn khởi với cuộc sống hiện tại”.

Đại diện NSRP cho biết, trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cho xã hội và cộng đồng, nhất là duy trì việc tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó vào dịp lễ, tết, tăng cường gắn kết doanh nghiệp và Nhân dân. NSRP cho rằng, người dân tại vùng dự án chính là một phần làm nên thành công của DN và vẫn tiếp tục thụ hưởng từ các hoạt động xã hội và cộng đồng của NSRP.

Bài và ảnh: Bách Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]