Đất Mường Xia và Tướng quân Tư Mã Hai Đào
Về Mường Xia (nay là xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn), chúng ta được nghe những câu chuyện dẹp giặc, yên dân của Tướng quân Tư Mã Hai Đào được truyền lại và trở thành nguồn sức mạnh tinh thần trong lòng bao thế hệ ở vùng biên giới xứ Thanh.
Đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong vùng. Ảnh: Khắc Công
Truyền thuyết kể rằng, Hai Đào là con thứ hai trong một gia đình ở Mường Đào, nay thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước. Hai Đào mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ, nên phải đi ở chăn trâu cho nhà quan lang. Vốn khí chất thông minh, nhanh nhẹn, công việc chủ yếu là đi chăn trâu, cắt cỏ, nhưng Hai Đào lại có sở thích chơi các trò chơi bắn cung, bắn nỏ, đánh cù, luyện kiếm, bày trò trận giả, luyện võ thi tài với các bạn.
Sống trong tình yêu thương của bà con dân bản, cậu bé Hai Đào ngày nào giờ trở thành chàng trai có dáng người cao lớn, mắt sắc rực lửa, râu hùm, mày nón, tướng mạo phi phàm, tay dài như tay vượn, võ luyện tinh tài. Khi hay tin triều đình mở hội thi võ, tuyển chọn nhân tài giúp nước đánh giặc, Hai Đào được quan lang cho đến kinh để thi thố võ nghệ.
Vốn là người có năng khiếu và được rèn luyện từ nhỏ, nên Hai Đào đã khẳng định được khí phách của mình trên võ đài và liên tiếp thắng trận. Với tài năng hơn người, Hai Đào đã lọt vào mắt xanh công chúa. Khi biết tin, nhà vua lập tức cho triệu Hai Đào vào yết kiến. Thấy tướng mạo phi phàm, xứng danh bậc anh tài của Hai Đào, nhà vua liền đồng ý tác thành cho đôi lứa rồi truyền thầy dạy văn, võ cho ông. Cuộc đấu võ năm ấy đã tạo ra bước ngoặt của Hai Đào. Từ một kẻ nghèo hèn, Hai Đào trở thành phò mã và sau đó được vua phong tướng quân của triều đình. Đặc biệt, ông trở thành danh tướng văn võ song toàn.
Vùng biên ải miền Tây xứ Thanh thời điểm ấy vô cùng hiểm trở, đứng trước muôn vàn gian nan, nhiều biến cố có thể xảy ra, đặc biệt là sự đe dọa của bọn thổ phỉ đạo tặc, cướp bóc, đánh chiếm khiến dân tình đói khổ, ai oán. Trước tình hình ấy, Hai Đào đã xin nhà vua được cầm quân đi đánh giặc, giữ yên vùng biên giới. Nhà vua đồng ý và phong cho ông làm tướng, cấp lương thực, vũ khí đủ cho cả đoàn quân. Với khí phách của người anh hùng văn võ song toàn, lại được 2 anh em ruột là tướng Ót Đanh và Ót Dọ phò tá, quân của Hai Đào tiến đánh quân giặc dọc theo biên giới kéo dài cả trăm km từ Tén Tằn huyện Mường Lát qua huyện Quan Hóa đến đất Mường Xia huyện Quan Sơn. Đoàn quân của Tướng quân Tư Mã Hai Đào tiến đánh đến đâu, quân giặc bỏ chạy đến đó. Chỉ trong thời gian ngắn, vùng biên cương rộng dài phía Tây xứ Thanh không còn bóng giặc, cư dân các Mường lại được sống trong yên bình, mọi người đều trở về thôn bản làm ăn.
Sau khi dẹp yên vùng biên cương, Tướng quân Tư Mã Hai Đào quyết định chọn đất Mường Xia để xây dựng thủ phủ và sống trọn đời với vùng biên cương mà ông cùng với các chiến binh Mường đã từng nhiều năm chống giặc ngoại xâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ông trở thành vị tướng cai quản 3 vùng: mường Chu Sàn, mường Chu Gia, mường Chu Sang. Từ khi ông về đây, nhiều người dân đã bỏ Mường đi trước đây lần lượt trở về xây dựng đất Mường Xia tươi đẹp, phồn thịnh.
Ghi nhớ công lao của ông, khi ông mất, dân Mường Xia đã an táng ông tại một trong những hang động đẹp ở núi Pha Dùa và lập đền thờ tại ngay nền nhà cũ của ông để hương khói, thờ cúng. Hằng năm, vào ngày 9 và 10/2 âm lịch, người dân trong vùng tổ chức lễ hội Mường Xia để tri ân, tưởng nhớ công ơn của Tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lao to lớn tiến quân lên vùng biên viễn, diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương, mang lại cho người dân dọc biên giới phía Tây Thanh Hóa có cuộc sống yên lành, no ấm, hạnh phúc.
Trải qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, cùng với sự tác động của gió núi, mưa rừng, đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào đã bị xuống cấp. Năm 2009, huyện Quan Sơn đã đầu tư tôn tạo và phục dựng đền thờ trên nền đất cũ, bằng gạch ngói, bê tông có kết cấu hai tầng mái, tọa lạc trên khu đất cao, lưng tựa vào núi. Trước đền có khuôn viên rộng rãi, thuận lợi cho tổ chức lễ hội và hoạt động vui chơi, giải trí của bản Mường.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn ấy, năm 2022 lễ hội Mường Xia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khắc Công
{name} - {time}
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2024-11-29 09:59:00
Nguyễn Thượng Hiền: Từ trí thức Nho học đến chí sĩ yêu nước
-
2024-11-07 16:15:00
Pù Luông - Mùa đông ngủ yên trên triền núi