Chú trọng phát triển nguyên liệu phục vụ chế biến
Thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã quan tâm, khuyến khích người dân phát triển các loại cây trồng theo hướng hàng hóa, phục vụ chế biến như sắn, dứa, chè... Từ đó, góp phần hình thành và phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.
Diện tích chanh leo tại xã Trí Nang (Lang Chánh) được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị.
Tại các huyện phía Tây xứ Thanh cây sắn không còn xa lạ, bởi đây là cây trồng góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Hiện nay, sản lượng sắn trên địa bàn tỉnh chủ yếu cung cấp cho 5 nhà máy và cơ sở chế biến tinh bột sắn như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước, Nhà máy chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh... Những năm gần đây, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Thanh Hóa đều đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng và hướng tới xuất khẩu. Vì vậy, các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước... đã khuyến khích người dân ổn định vùng nguyên liệu cũng như thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sắn để cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Là một trong những vùng nguyên liệu sắn lớn, niên vụ 2023-2024 huyện Như Xuân có khoảng 2.112 ha cây trồng. Tuy có diện tích sản xuất lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, dẫn đến thực trạng diện tích trồng có xu hướng giảm. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân Lê Tiến Đạt cho biết: Với năng suất bình quân hiện nay là 18,2 tấn/ha, người trồng sắn chưa phát huy tiềm năng do diện tích canh tác sắn chủ yếu có độ dốc cao, qua nhiều năm đất bị xói mòn dẫn đến đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng. Ngoài ra, do canh tác lâu năm, cây sắn đã bị nhiễm nhiều loại bệnh, nhất là bệnh khảm lá, làm cho năng suất giảm, nhiều hộ dân đã chuyển một phần diện tích đất canh tác sắn sang trồng các loại cây khác ít sâu bệnh, ổn định năng suất hơn.
Trước thực tế đó, để phát triển bền vững diện tích sắn nguyên liệu, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến, huyện đã khuyến khích người dân trồng xen canh với một số cây trồng phù hợp khác; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thâm canh mới cho người dân; đưa giống sắn mới chống chịu sâu bệnh tốt, hàm lượng tinh bột cao vào sản xuất. Hiện nay, hầu hết diện tích trồng sắn trên địa bàn đều được doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Các xã có diện tích trồng lớn là Xuân Hòa, Thượng Ninh, thị trấn Yên Cát...
Được biết, trên địa bàn huyện Như Xuân còn chú trọng phát triển các loại cây trồng nguyên liệu như 167 ha chè, 10 ha gai xanh, 53 ha xoài keo, chanh leo... Hầu hết diện tích các loại cây trồng nguyên liệu hiện đang phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp. Bên cạnh mở rộng diện tích, huyện còn khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng cao.
Nhằm phát triển các nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ hoạt động chế biến, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục hình thành, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn như vùng lúa chất lượng cao, ngô ngọt, rau an toàn, cây ăn quả, chè, dược liệu, nuôi trồng thủy sản... Đồng thời, không ngừng phát triển diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Từ đó, hình thành và phát triển vùng sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh, sâu; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín.
Hiện nay, đã có nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị thành công như: Công ty Xuất khẩu nông sản T9 liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xoài keo, chanh leo; các nhà máy chế biến dứa liên kết thu mua sản phẩm cho các vùng dứa nguyên liệu... và 7 nhà máy chế biến lúa gạo, các nhà máy chế biến lâm sản và cơ sở chế biến rau, quả, thực phẩm. Cùng với đó, các HTX, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào khâu chế biến để đa dạng hóa nông sản.
Không chỉ đạt hiệu quả cao về kinh tế, tháo gỡ được nút thắt “được mùa mất giá”, trước yêu cầu của doanh nghiệp, diện tích trồng cây phục vụ chế biến hầu hết được gieo trồng tập trung, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp gắn với chế biến của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới các địa phương cần khuyến khích người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, trồng các loại cây đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thu mua, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để bảo đảm năng suất, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2025-01-11 18:14:00
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân
-
2025-01-11 14:31:00
Từ 20/1, chủ mã số vùng trồng không trực tiếp xuất khẩu phải khai báo
-
2024-03-09 14:30:00
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tăng cường tìm kiếm đơn hàng
Sản xuất công nghiệp nỗ lực duy trì đà tăng trưởng
Bản tin tài chính 9/3/2024: Vàng tiếp tục đà tăng, chờ kỷ lục mới
Nỗ lực giải phóng mặt bằng để Dự án 500kV mạch 3 về đích
Gần 1.800 học sinh huyện Cẩm Thủy được truyền thông giáo dục tài chính
Ông Phạm Nhật Vượng vào Top 50 nhân vật ảnh hưởng nhất ngành ô tô toàn cầu, đứng trên Elon Musk
Sức hút từ khối doanh nghiệp FDI
Nữ giám đốc HTX tạo việc làm cho hàng trăm lao động
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024: Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn
Thanh Hóa tham gia trưng bày hơn 30 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu tại tỉnh Thái Nguyên