(Baothanhhoa.vn) - Tác động của suy thoái kinh tế thế giới, thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu xây dựng sụt giảm... khiến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng đang là giải pháp được các doanh nghiệp triển khai thực hiện nhằm ổn định sản xuất và duy trì tăng trưởng.

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tăng cường tìm kiếm đơn hàng

Tác động của suy thoái kinh tế thế giới, thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu xây dựng sụt giảm... khiến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng đang là giải pháp được các doanh nghiệp triển khai thực hiện nhằm ổn định sản xuất và duy trì tăng trưởng.

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tăng cường tìm kiếm đơn hàngChế biến đá tại Công ty TNHH Châu Quý, xã Hà Tân (Hà Trung).

Thanh Hóa hiện có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD được phân thành 12 nhóm ngành như: xi măng, gạch ốp lát, gạch không nung, khai thác, chế biến đá... Dù hoạt động trong nhóm ngành nào, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp cũng rất khó khăn, hàng tồn đọng nhiều. Để “chống đỡ”, các doanh nghiêp buộc phải giảm công suất, cắt giảm lao động... Vì vậy, giá trị sản xuất của ngành VLXD trong năm 2023, giảm từ 8 đến 40% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhiều nhóm lĩnh vực giảm sâu như đá xây dựng giảm khoảng 30 đến 40%, gạch xây giảm 25 đến 30%, xi măng giảm 8 đến 38%...

Hiệp hội gạch ngói Thanh Hóa có 28 doanh nghiệp thành viên, mỗi năm sản xuất, cung ứng ra thị trường 4 tỷ viên. Năm 2023, lượng gạch sản xuất giảm còn 1,6 tỷ viên, nhưng vẫn tồn đọng khoảng 200 triệu viên. Về thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp gạch ngói Thanh Hóa Lưu Ngọc Luân cho biết: Năm 2023 là năm cực kỳ khó khăn đối với ngành sản xuất VLXD nói chung và gạch ngói nói riêng. Ngoài khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao (than tăng từ 150 đến 200%), thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do nhu cầu xây dựng giảm mạnh, gạch ở một số tỉnh, thành trong nước tràn về, chiếm một phần thị trường tiêu thụ trong tỉnh...

Để khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí hoạt động, linh hoạt kế hoạch bán hàng và đồng bộ các giải pháp tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, quan tâm đến việc tìm kiếm, ký kết hợp đồng với các nhà thầu xây dựng lớn và các công trình xây dựng dân sinh để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thực hiện giảm giá bán từ 20 đến 30% so với giá bán những năm trước đó. Bằng cách làm này, đến nay lượng hàng tồn kho đang từng bước giải quyết và các doanh nghiệp sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán đã bắt đầu thực hiện sản xuất. Tuy nhiên, để tạo cú hích giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, ông Luân mong muốn tỉnh quan tâm, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực, chủ đầu tư công trình xây dựng ưu tiên sử dụng VLXD sản xuất trong tỉnh. Đồng thời, trong quá trình xây dựng các công trình thuộc vốn ngân sách Nhà nước nên ưu tiên sử dụng tỷ lệ gạch tuynel (lâu nay chỉ sử dụng gạch không nung). Bên cạnh đó, xem xét tháo gỡ khó khăn về nguồn đất sét sản xuất gạch theo hướng không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đất sét sản xuất gạch nung. Mặt khác, giảm tiền thuê đất và các loại thuế phí trong năm 2023 và 2024.

Hiệp hội Doanh nghiệp đá Thanh Hóa có 150 doanh nghiệp tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội, mỗi năm sản xuất, cung ứng ra thị trường đem lại giá trị khoảng 50 triệu USD (đối với đá xuất khẩu) và 2.000 tỷ đồng (đối với đá nội địa). Chủ tịch Hiệp hội đá Thanh Hóa Nguyễn Văn Thọ cho biết: Do thị trường tiêu thụ đá trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá VLXD giảm khoảng 30 - 35% so cùng kỳ năm 2022 (đối với đá nội địa) và giảm 60% (đối với đá xuất khẩu sang thị trường châu Âu). Đây là mức suy giảm chưa từng có trong lịch sử ngành đá.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, hiệp hội sẽ tiếp tục động viên các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ như mở rộng thị trường tiêu thụ đến nhiều tỉnh, thành trong nước (đối với đá nội địa). Đối với đá xuất khẩu, ngoài thị trường truyền thống là châu Âu, năm 2024 không nên phụ thuộc nhiều vào thị trường này, mà nỗ lực tìm kiếm thị trường mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần cấu trúc lại việc sản xuất, tập trung nguồn lực cân đối nguồn tài chính, trên cơ sở đó duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động.

Ông Thọ cho biết, sau nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá bắt đầu trở lại guồng quay và đã có nhiều khách hàng tìm đến mua sản phẩm. Vì vậy, dự kiến đến hết quý I/2024 giá trị đá xuất khẩu của các doanh nghiệp đá ước sẽ đạt 10 triệu USD. Ông Thọ cũng mong muốn, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo chủ đầu tư dự án khi xây dựng các công trình dự án, hoặc chỉnh trang đô thị có sử dụng sản phẩm đá VLXD nên ưu tiên sử dụng sản phẩm đá Thanh Hóa.

Tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp sản xuất VLXD ổn định, duy trì, phát triển sản xuất, các sở, ngành liên quan, đặc biệt là UBND tỉnh mới đây đã có công văn gửi đến Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực và các ngân hàng thương mại cổ phần cùng quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD, trong đó có nội dung sử dụng các sản phẩm khi xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách...

Với sự quan tâm, tháo gỡ kịp thời của tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các doanh nghiệp, hy vọng thị trường tiêu thụ sản phẩm VLXD trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ sáng sủa hơn.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]