(Baothanhhoa.vn) - Bộ môn xe đạp Thanh Hóa từ “con số 0 tròn trĩnh” đã cho ra đời lứa vận động viên (VĐV) mới đầy triển vọng, cùng những thành tích xuất sắc ở nội dung địa hình những năm gần đây. Ít ai biết được đằng sau những thành công đó là câu chuyện khổ luyện “Leo đồi Quyết Thắng” của các VĐV.

Câu chuyện “Leo đồi Quyết Thắng” và mục tiêu lớn của xe đạp Thanh Hóa

Bộ môn xe đạp Thanh Hóa từ “con số 0 tròn trĩnh” đã cho ra đời lứa vận động viên (VĐV) mới đầy triển vọng, cùng những thành tích xuất sắc ở nội dung địa hình những năm gần đây. Ít ai biết được đằng sau những thành công đó là câu chuyện khổ luyện “Leo đồi Quyết Thắng” của các VĐV.

Câu chuyện “Leo đồi Quyết Thắng” và mục tiêu lớn của xe đạp Thanh HóaCác VĐV trẻ đầy triển vọng của bộ môn xe đạp Thanh Hóa vẫn ngày ngày miệt mài tập luyện tại khu vực đồi Quyết Thắng.

Bẵng đi khoảng thời gian khá lâu, Thanh Hóa đã gần như “biến mất” hoàn toàn khỏi bản đồ đua xe đạp của Việt Nam khi không có VĐV nào giành được thành tích tốt tại các giải đấu cấp quốc gia, thậm chí kể cả các giải khu vực, phong trào. Các VĐV xe đạp Thanh Hóa trước kia chủ yếu là tham gia các giải đua đường trường song thành tích không có gì đáng kể. Quyết tâm xây dựng lại bộ môn xe đạp, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã có sự thay đổi lớn khi quyết định đầu tư cho xe đạp địa hình – nội dung được đánh giá là phù hợp và có thể xây dựng thành thế mạnh cho thể thao tỉnh nhà. Bộ môn xe đạp được tái cơ cấu lại từ ban huấn luyện cho tới việc tuyển chọn lực lượng VĐV mới 100% cho cả ba tuyến.

Từ năm 2018 đến nay, bộ môn xe đạp phải thực hiện nhiệm vụ kép khi vừa phải xây dựng, củng cố các tuyến VĐV vừa phải thực hiện trọng trách tại các giải quốc gia hàng năm. Tuy vậy, do xe đạp địa hình là nội dung rất đặc thù, vậy nên vừa tuyển chọn VĐV cho các tuyến năng khiếu, trẻ và đội tuyển, các HLV bộ môn còn phải “đỏ mắt” tìm nơi tập luyện. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất của bộ môn xe đạp, bởi lẽ nơi tập luyện cho các VĐV phải bảo đảm các yếu tố như: không quá xa so với trung tâm, có các đường chạy bảo đảm địa hình, độ dốc, khoảng cách, có hệ thống đường nhựa hoặc bê tông để rèn thể lực, khởi động, tương tự như các đường đua chuẩn đã tổ chức các giải quốc gia, quốc tế (tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai...).

Trước yêu cầu đó, năm 2019, ban huấn luyện bộ môn xe đạp Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát tại khu vực núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn), thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) và đồi Quyết Thắng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Qua quá trình khảo sát, xin ý kiến lãnh đạo trung tâm, đồi Quyết Thắng là nơi lý tưởng nhất để các VĐV xe đạp địa hình Thanh Hóa luyện tập. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các đơn vị có liên quan, ban huấn luyện bộ môn cùng với các VĐV đã cùng nhau xây dựng các cung đường đua địa hình tại khu vực đồi Quyết Thắng, trong đó bao gồm việc vẽ ra cung đường cho các nội dung đổ đèo, băng đồng... với cự ly trên dưới 6 km. Hơn nữa, địa điểm tập luyện này có hệ thống đường nhựa rất tốt cho việc khởi động, rèn thể lực cho các VĐV. Đây cũng là địa điểm rất thuận lợi khi chỉ cách Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh không quá xa. Hàng ngày, các VĐV đi từ nơi ở tới nơi tập luyện cũng là cách để nâng cao thể lực trước khi bước vào các bài tập chuyên môn.

Đến nay, 22 VĐV của bộ môn xe đạp đã quen thuộc với địa điểm tập luyện tại khu vực đồi Quyết Thắng. Không kể nắng, mưa, các cua rơ trẻ xứ Thanh vẫn ngày ngày miệt mài tập luyện, với những bài tập leo dốc khá nặng hay lúc đổ đèo, xuống dốc với tốc độ cao, thử tài ở những khúc cua khó... Về cơ bản, đường đua tập luyện cho các VĐV là gần như tương đồng với các đường đua trong nước, từng tổ chức các giải đấu quốc gia, quốc tế, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn của công tác huấn luyện, tập luyện. VĐV trẻ Lê Thị Huyền chia sẻ: “Việc có được hệ thống đường tập luyện là điều kiện thuận lợi để em và các bạn trong đội phát huy hết khả năng của mình, với mục tiêu không ngừng cải thiện và nâng cao thành tích. Hơn nữa, em và các bạn cũng không bị bỡ ngỡ khi tham gia các giải đấu quốc gia. Việc được tập luyện tại địa danh lịch sử như đồi Quyết Thắng còn giúp thôi thúc, khích lệ tinh thần, nỗ lực vượt khó trong tập luyện, quyết tâm giành chiến thắng, giành thành tích cao cho thể thao tỉnh nhà”.

Nữ VĐV sinh năm 2006 này chính là VĐV xuất sắc nhất của Thanh Hóa, cũng như của nội dung xe đạp địa hình tại giải trẻ toàn quốc năm 2020 với thành tích 3 HCV, 1 HCB. Cua rơ trẻ quê xã Ái Thượng (Bá Thước) này đã khẳng định tài năng của mình dù phải thi đấu ở lứa tuổi 16 với các “đàn chị”. Cùng với Lê Thị Huyền, những VĐV triển vọng khác của Thanh Hóa như Trần Thị Mai, Bùi Ngọc Diễm, Nguyễn Hữu Sang, Nguyễn Văn Lãm, Phạm Minh Đạt, Phạm Hải Nam... cũng đã quá quen thuộc và nếm đủ những khó khăn, vất vả trong quá trình tập luyện tại khu vực đồi Quyết Thắng. Vất vả nhất là những ngày mưa gió, đường trơn trượt, nguy cơ bị ngã, tai nạn, hỏng xe là rất cao song các VĐV vẫn phải cố gắng luyện tập. Các HLV luôn là những người đồng hành, sát sao với các em trên mỗi cung đường tập luyện. Các thầy còn phải lo dọn đường sau mỗi trận mưa dông, kiêm luôn việc sửa chữa, thay thế phụ tùng khi xe đạp của các em bị hỏng hóc trước và sau khi tập luyện, thi đấu. Tất cả để bảo đảm an toàn cho các VĐV trong tập luyện cũng như thi đấu.

Đồi Quyết Thắng có thể nói là đường đua ổn định, đạt chuẩn, góp phần không nhỏ giúp cải thiện thành tích cá nhân của các VĐV trong tập luyện, hướng tới việc giành thành tích cao tại giải trẻ và giải vô địch quốc gia năm 2021. Đây sẽ là năm bản lề quan trọng để xe đạp địa hình Thanh Hóa có sự chuẩn bị tốt nhất cả về lực lượng và chuyên môn cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 với tinh thần quyết thắng.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]