Vai trò của LLVT Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Để bảo vệ và xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương vững mạnh cho cuộc kháng chiến chống Pháp, trên cơ sở quán triệt chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã luôn coi trọng công tác quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) vững mạnh để vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa dồn lực chi viện cho các chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với Đảng bộ và các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã có đóng góp rất lớn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ảnh tư liệu
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta đã giành được độc lập, hệ thống chính quyền cách mạng được thiết lập trên phạm vi cả nước. Nhưng, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã chính thức bùng nổ trên phạm vi cả nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa vừa là vùng tự do, vừa là hậu phương và có lúc là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu với các cuộc tấn công của quân Pháp. Trên cơ sở quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã luôn coi trọng công tác quân sự, xây dựng LLVT vững mạnh để vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa dồn lực chi viện cho chiến trường, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến.
Hình ảnh chiếc xe đạp thồ của dân công tham gia tải lương thực trong cuộc kháng chiến chống Pháp được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã quan tâm tổ chức LLVT. Chi đội mang tên Đinh Công Tráng gồm 1.500 chiến sĩ được thành lập trong những ngày tổng khởi nghĩa. Đây là một trong những đơn vị chủ lực cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, cũng là đơn vị nòng cốt để xây dựng các tổ chức vũ trang ở các huyện, thị trong tỉnh. Chính quyền các cấp cũng chú trọng xây dựng lực lượng dân quân du kích, tự vệ, bộ đội tập trung, các đơn vị công an nhân dân, các đội trinh sát, lực lượng an ninh bí mật, sẵn sàng phối hợp với đơn vị chủ lực và Nhân dân để đánh địch, bảo vệ địa phương.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy là một tỉnh làm nhiệm vụ chính là hậu phương, nhưng thực dân Pháp vẫn liên tục mở hàng loạt cuộc tấn công để phá hoại Thanh Hóa. Trước âm mưu và hành động của thực dân Pháp, Đảng bộ và chính quyền tỉnh phải thường xuyên chỉ đạo LLVT của tỉnh vừa chiến đấu ngăn chặn địch, vừa gây dựng, phát triển cơ sở kháng chiến, bảo vệ địa bàn. Ủy ban kháng chiến, hành chính tỉnh đã chủ động cử bộ đội chủ lực phối hợp cùng các đơn vị thuộc Liên khu 4, Liên khu 3, Liên khu 10 đánh địch ở Sầm Nưa (Lào).
Cũng từ vị trí chiến lược của miền Tây Thanh Hóa đối với sự an toàn của cả vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, sự ổn định và phát triển của hậu phương Thanh Hóa cũng như hỗ trợ hiệu quả cho cách mạng Lào, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban hành chính đặc biệt miền Thượng du Thanh Hóa. Đồng thời, Ủy ban lãnh đạo dân quân Thượng du cũng được thành lập tại huyện Ngọc Lặc. Các huyện miền Tây Thanh Hóa đã xây dựng được 2 đại đội du kích tập trung, lấy tên 2 vị chỉ huy nổi tiếng của địa phương là Cầm Bá Thước và Hà Văn Mao. Các đại đội độc lập của Trung đoàn 77 và 2 đại đội Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao phối hợp với dân quân các huyện miền núi tổ chức chiến đấu tiêu diệt quân địch, đập tan hành lang Đông Tây, xóa sổ các tổ chức phản động tay sai của giặc Pháp. Cùng với thắng lợi của quân dân phía Tây, quân dân các huyện ven biển đã đập tan các cuộc càn quét của địch, buộc chúng phải lên tàu rút chạy.
Đến đầu năm 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy Mặt trận Thanh Hóa. Địa bàn Thanh Hóa được chia thành 5 khu vực tác chiến, các LLVT tỉnh luôn sẵn sàng chiến đấu và đã tổ chức phối hợp chiến đấu với các đơn vị của Liên khu 3 đánh địch xâm nhập từ phía Bắc và từ phía biển vào, từ phía Tây sang, góp phần phá vỡ phòng tuyến Sông Mã của địch, tiêu diệt, bức rút, bức hàng nhiều đồn bốt, giải phóng hoàn toàn miền Tây Thanh Hóa.
Mùa hè năm 1953, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta bước sang năm thứ 8, cục diện chiến trường Việt Nam đã có những biến đổi quan trọng. Tại chiến trường Bắc bộ, Tây Bắc, quân và dân ta mở nhiều chiến dịch lớn. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Để huy động lực lượng dồn sức đáp ứng cho chiến dịch, Đảng bộ Thanh Hoá đã nhanh chóng củng cố nâng cao chất lượng LLVT, nhất là bộ đội địa phương.
Đoàn xe thồ Thanh Hóa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Ảnh tư liệu
Ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam và Độc Lập, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, tại Nga Sơn, LLVT Thanh Hóa đã cùng với Nhân dân đẩy mạnh tiến công quân sự để kìm chân địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Thất bại trên chiến trường chính Điện Biên Phủ, buộc địch phải rút khỏi Nga Sơn, bị tiêu diệt nặng trong các trận càn quét vào bờ biển phía Nam Thanh Hóa, âm mưu phá hậu phương Thanh Hóa bị thất bại hoàn toàn. Ngày 7/8/1954, thực dân Pháp phải rút khỏi đảo Hòn Mê, chấm dứt sự có mặt của quân Pháp ở Thanh Hóa.
Ngoài nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, LLVT Thanh Hóa đã góp phần chi viện rất lớn cho tiền tuyến, bổ sung nhiều tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương cho quân chủ lực, như: Tiểu đoàn 275 bộ đội địa phương tỉnh cho Trung đoàn 53, các đại đội 150, 160 cho Tiểu đoàn 541 phòng không, 2 trung đội trinh sát cho Đại đoàn 304.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 128 bộ đội huyện Bá Thước, 112 bộ đội huyện Tĩnh Gia, các đơn vị của Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương, Thạch Thành cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.
LLVT Thanh Hoá còn cùng với Nhân dân phục vụ các chiến dịch lớn, như: Quang Trung, Hoà Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Đặc biệt, trong chiến dịch Thượng Lào và Điện Biên Phủ, Thanh Hoá đã huy động tới mức cao nhất về người, phương tiện và lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của chiến dịch. Sự nỗ lực của quân và dân Thanh Hoá đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của quân, dân cả nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tiếp nối và phát huy những truyền thống vẻ vang đó, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, LLVT Thanh Hóa vẫn luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc để thực hiện tốt phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi Tổ quốc chưa bị lâm nguy./.
Ths. Lê Hải Yến
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
-------------------------
Tài liệu tham khảo:Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tập 1 (1930 - 1954), nghiên cứu biên soạn năm 1999 - 2000, trang 295.
- 2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
- 2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
- 2024-05-05 08:00:00
Trận A1 - Chìa khoá vàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 5/5/1954, các đại đoàn nhận nhiệm vụ tổng công kích
Công an Thanh Hóa triển khai phương án bảo đảm ANTT cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Các nhà thơ Thanh Hóa viết về Điện Biên Phủ
Khắc họa đậm nét Chiến thắng Điện Biên Phủ qua hoạt động tuyên truyền lưu động, biểu diễn văn nghệ
Thị xã Nghi Sơn: Nhiều hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 4/5/1954, địch bàn cách mở “con đường máu” tháo chạy
VTV8 công bố các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao tại Thanh Hóa
Bảo đảm Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra an toàn, thành công
Phụ nữ Thanh Hóa thầm lặng, kiên cường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ