Thúc đẩy chuyển đổi số
Để nắm bắt tốt cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phát triển toàn diện, nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về CĐS; cùng các đại biểu tham quan, trải nghiệm các sản phẩm, giải pháp, mô hình CĐS trong sự kiện Ngày CĐS quốc gia tại Thanh Hóa.
Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số (CĐS) của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022, do UBND tỉnh công bố vào tháng 6/2023, huyện miền núi Như Thanh đứng thứ 2/27 huyện, thị, thành phố (xếp sau TP Thanh Hóa) về mức độ CĐS với tổng điểm 813,52 điểm trên thang điểm 1.000. Kết quả nổi bật trên lĩnh vực CĐS đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đưa Như Thanh trở thành huyện có nhiều chỉ số trong nhóm dẫn đầu tỉnh; 23/29 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch...
Có dịp về thăm thôn Đồng Hải - thôn được lựa chọn xây dựng thôn NTM thông minh của xã Hải Long (Như Thanh), chúng tôi vui mừng trước sự “thay da đổi thịt” của thôn. Thôn đã được “trang bị” hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ 4.0, hệ thống điện chiếu sáng thông minh, wifi miễn phí; đồng thời, nhà văn hóa thôn còn niêm yết bảng mã QR Code để người dân giải quyết thủ tục hành chính; nhóm zalo thôn để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh kiến nghị của người dân.
Ông Trương Sỹ Long, bí thư chi bộ thôn Đồng Hải, cho biết: Trước đây, khi phát sinh “việc làng, việc nước”, trưởng thôn phải thông báo trên loa truyền thanh hoặc tìm đến tận hộ dân để báo tin. Từ khi thành lập nhóm zalo, với sự tham gia của đại diện tất cả các hộ dân, mọi thông tin được tuyên truyền, phổ biến đến người dân nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi. Không dừng lại ở đó, việc triển khai xây dựng thôn thông minh còn góp phần không nhỏ vào đổi thay ở nhiều mặt đời sống của người dân trên địa bàn thôn và góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cũng nhờ đó mà thôn Đồng Hải hiện có thu nhập bình quân 71 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ ở Như Thanh, thời gian qua, hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang ngày càng đi vào thực chất, có trọng tâm, trọng điểm. Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ CĐS (DTI) năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố cuối tháng 7/2023, Thanh Hóa nằm trong nhóm cao về xếp hạng CĐS cấp tỉnh, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về CĐS; xếp thứ 16 về mức độ xây dựng chính quyền số; xếp thứ 14 về kinh tế số và thứ 13 cả nước về các hoạt động xã hội số.
Hạ tầng số được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu CĐS trong các ngành, lĩnh vực, phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân. Tổng số trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên toàn tỉnh là 9.399 trạm. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư xây dựng mới gần 800 km cáp mạng ngoại vi; cải tạo chỉnh trang gần 150 km cáp. Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.400.000 thuê bao, đạt mật độ 65,4 thuê bao/100 dân. 100% số thôn/bản trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng thông tin di dộng 3G/4G.
Việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung và kết nối dữ liệu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp làm cơ sở thúc đẩy hoạt động CĐS được tỉnh triển khai mạnh mẽ. Điển hình là Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://opendata. thanhhoa.gov.vn) được đưa vào triển khai, sử dụng với 195 cơ sở dữ liệu mở của 15 lĩnh vực nhằm chia sẻ, công khai dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khai thác sử dụng từ ngày 20/2/2023 giúp người dân không phải khai báo lại thông tin cá nhân và giảm thời gian thực hiện các dịch vụ công...
Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 2.939.433 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98,5%. Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã (https://dichvucong.thanhhoa. gov.vn) hiện tại có hơn 85.000 tài khoản người dân, doanh nghiệp với hơn 27.662.427 lượt truy cập. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.710 dịch vụ ...
Kinh tế số đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 8,28%. Để CĐS nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực hướng tới chuyển đổi kép “số và xanh”. Đây được coi là động lực, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-11-21 08:54:00
Sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách thuận lợi cho người bệnh BHYT
-
2024-11-21 06:10:00
Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025
-
2023-12-27 11:33:00
Tuổi trẻ Đông Sơn xung kích, tình nguyện vì cộng đồng
Dấu ấn chuyển đổi số ở Như Thanh
Đẩy mạnh cài đặt chữ ký số cho người dân
Khẳng định vai trò dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Dấu ấn ở Quảng Thắng
Thúc đẩy chuyển đổi số để trở thành đô thị thông minh
Đoàn thanh niên tham gia chuyển đổi số
Yên Định: Nhiều mô hình chuyển đổi số đi vào thực tiễn
Ngành hải quan nỗ lực chuyển đổi số
Ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý khám, chữa bệnh