(Baothanhhoa.vn) - Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas ở thủ đô Tehran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng, đất nước “sẽ phải đối mặt với những ngày khó khăn” và Israel “sẵn sàng cho mọi kịch bản”. Vậy Iran có thể tấn công Israel như thế nào, và điều này có khơi mào một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông?

Thủ lĩnh chính trị Hamas bị ám sát đẩy Iran - Israel đến “miệng hố chiến tranh”

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas ở thủ đô Tehran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng, đất nước “sẽ phải đối mặt với những ngày khó khăn” và Israel “sẵn sàng cho mọi kịch bản”. Vậy Iran có thể tấn công Israel như thế nào, và điều này có khơi mào một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông?

Thủ lĩnh chính trị Hamas bị ám sát đẩy Iran - Israel đến “miệng hố chiến tranh”

Iran không thể không tấn công trả đũa

Theo nguồn tin của The New York Times, lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào cuộc tấn công này sẽ diễn ra.

Đại diện thường trực của Iran tại Liên hợp quốc - ông Amir Saeed Irwani cho biết Tehran “bảo lưu quyền tự vệ bất khả xâm phạm nhằm đáp trả dứt khoát hành động khủng bố và tội phạm này, phù hợp với luật pháp quốc tế, khi nước này thấy cần thiết và phù hợp”. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh Israel sẽ không bao giờ quyết định thực hiện bước đi như vậy nếu không có sự ủng hộ và chấp thuận của Washington.

Chuyên gia Rajab Safarov, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Iran đương đại có trụ sở tại Moscow nhận định, vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas tại thủ đô Tehran đặt Iran vào tình thế không thể không đáp trả. Rõ ràng, vụ tấn công vào ngay thủ đô Tehran như một hành động xúc phạm, khiến Iran chịu những tổn thất lớn về danh tiếng khi không thể bảo đảm an ninh cho những vị khách quốc tế đến thăm nước này. Ngoài ra, Israel đã phơi bày những yếu kém của hệ thống phòng không của Iran.

“Tên lửa được phóng bên ngoài lãnh thổ Iran và bay được một thời gian mà không bị lực lượng phòng không nước này phát hiện. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì mà cộng đồng quốc tế biết về Iran, với tư cách là một quốc gia hùng mạnh với hệ thống vũ khí hiện đại. Đây là một đòn đánh mạnh vào uy tín và hình ảnh của đất nước”, ông Rajab Safarov nói.

Trước đó, Iran đã tấn công không kích Israel để đáp trả vụ Israel tấn công lãnh sự quán nước này ở Damascus vào ngày 1/4. Tuy nhiên, Tehran đã phải mất 13 ngày để chuẩn bị cho cuộc tấn công. Kết quả, theo ước tính của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Iran đã bắn khoảng 170 máy bay không người lái và 120 tên lửa đạn đạo vào Israel trong đêm 14/4. IDF báo cáo rằng 99% trong số chúng đã bị bắn hạ. Mỹ, Anh, Pháp và Jordan cho biết họ cũng tham gia đẩy lùi cuộc tấn công của Iran.

Rõ ràng, cũng như xung đột Iran - Israel vào tháng 4, Tehran không thể thoát khỏi tình trạng hiện nay nếu không dùng đến “hành động trả đũa”. Theo chuyên gia Rajab Safarov, “Iran đã bị lôi vào cuộc và cần phải kết thúc với một kết quả hợp lý. Không có lý lẽ nào có thể thuyết phục Iran từ chối tấn công, vì vậy hành động đáp trả sẽ được thực hiện trong mọi trường hợp. Ngoài ra, còn một động lực khác là mệnh lệnh tấn công từ nhà lãnh đạo tinh thần Ayatollah Khamenei. Vấn đề là quy mô và thời điểm Iran triển khai các cuộc tấn công sẽ cần phải thảo luận chi tiết”.

Bên cạnh đó, giới phân tích chính trị - quân sự cho rằng, Iran sẽ không đơn độc trong các cuộc tấn công Israel. Theo Reuters, ngày 1/8, đại diện các đồng minh khu vực của Iran từ Lebanon, Iraq và Yemen đã tổ chức cuộc họp tại Tehran. Nhiều khả năng, chương trình nghị sự tại cuộc họp lần này là nhằm thảo luận các biện pháp tấn công trả đũa Israel. Nếu như lực lượng Houthi ở Yemen định kỳ tấn công vào lãnh thổ Israel và các tàu của nước này ở Vịnh Aden, thì các lực lượng thân Iran ở Iraq đã hơn một lần nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vào căn cứ quân sự Mỹ.

Tờ Izvestia dẫn nhận định của nhà khoa học chính trị Roland Bijamov, Iran và các đồng minh hiểu rõ về cán cân quyền lực ở Trung Đông hiện nay. Tuy nhiên, các cuộc tấn công liên tiếp thời gian gần đây của Israel, bao gồm vụ không kích vào Beirut ngày 30/7 và tấn công vào Tehran ngày 31/7, đã tạo “cái cớ” phù hợp để Iran và các lực lượng đồng minh có thể thực hiện các vụ tấn công đáp trả. Thời gian tới, không loại trừ khả năng đồng loạt các mũi tấn công từ Iran, phong trào Hamas ở Dải Gaza, lực lượng Houthi tại Yemen, lực lượng Hezbollah tại Lebanon, lực lượng thân Iran ở Iraq, nhằm “làm kiệt sức” Israel và các đồng minh của nước này ở Syria, Iraq.

Mỹ tiếp tục “bảo vệ” Israel?

Ngày 1/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, đất nước “đang phải đối mặt với những khó khăn” và Israel “sẵn sàng cho mọi kịch bản”. Vậy điều gì cho phép Israel tự tin và sẵn sàng cho một bước leo thang mới của cuộc xung đột với Iran và các lực lượng thân Iran tại khu vực?

Theo RBC, ông Andrei Kortunov, Giám đốc khoa học của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) cho rằng, các cuộc tấn công của Israel diễn ra trong bối cảnh Iran vừa tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống và chiến thắng thuộc về Masoud Pezeshkian, ứng cử viên ôn hòa nhất, người ủng hộ việc khôi phục quan hệ với phương Tây và đối thoại với các nước láng giềng Ả Rập. Và mặc dù chính trị gia này chưa nói điều gì tốt đẹp về Israel, nhưng thực tế việc ông đắc cử dường như đã tạo cơ hội để bắt đầu một cuộc đối thoại. Tuy nhiên, có vẻ như Israel không muốn kịch bản này xảy ra vì lo sợ sẽ mất đi giá trị trong mắt Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Một lời giải thích khác là sự leo thang của Israel chủ yếu nhằm theo đuổi các mục tiêu chiến lược. Israel sẵn sàng chấp nhận rủi ro quân sự gia tăng để đưa vấn đề Iran trở thành trung tâm của chương trình nghị sự Trung Đông, đẩy vấn đề Palestine, vốn cực kỳ bất lợi đối với Israel, đi vào quên lãng. Bằng cách chứng minh cho các đối tác của mình trong thế giới Ả Rập rằng chính Iran chứ không phải Israel mới là vấn đề chính của an ninh khu vực, ông Netanyahu đang tạo động lực mới cho “Hiệp định Abraham” vốn có phần bị đình trệ, mà ngay từ đầu hiệp định này được thúc đẩy với biểu ngữ “mối đe dọa Iran”.

Cách giải thích thứ ba là giới lãnh đạo Israel đang cố tình leo thang đối đầu với Iran, dự định trong những tháng tới không chỉ tiêu diệt phong trào Hamas ở Dải Gaza mà còn chấm dứt cuộc chiến chống lại Hezbollah ở miền nam Lebanon. Kế hoạch như vậy khó có cơ hội thành công nếu không có sự can thiệp tích cực của Mỹ.

Theo tờ Washington Post, trong bối cảnh leo thang căng thẳng, Hải quân Mỹ hiện tập trung 12 tàu chiến trong khu vực, trong số đó có tàu sân bay Theodore Roosevelt đang có mặt ở Vịnh Ba Tư cùng 6 tàu khu trục khác. Ngoài ra còn có 5 tàu ​​đóng quân ở Đông Địa Trung Hải.

“Nếu Iran tấn công không kích Israel thì Israel, Mỹ và các đồng minh sẽ cùng vào cuộc. Thực tế, điều này đã xảy ra trong cuộc tấn công của Iran vào tháng 4/2024”, nhà khoa học chính trị Roland Bijamov nói với tờ Izvestia. Chuyên gia này tin rằng, bất chấp kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới như thế nào, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò “người bảo vệ” Israel. Ông Netanyahu tự tin về sự hỗ trợ như vậy, bằng chứng là sự chào đón nồng nhiệt mà ông nhận được trong chuyến đi gần đây tới Washington.

Rõ ràng, bất kể động cơ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu là gì, giới lãnh đạo Israel đang chơi một trò chơi nguy hiểm, đầy rủi ro. Sự kiên nhẫn của lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei có giới hạn và không ai có thể đánh giá chính xác toan tính của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian, cũng như ban lãnh đạo của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Israel và Iran chắc chắn sẽ dẫn đến một thảm họa, và sự ảnh hưởng của nó có thể vượt xa biên giới khu vực Trung Đông.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]