Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
Sinh ra ở đất Thọ Lộc nay thuộc thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư được biết đến là vị tướng tài dưới thời Lê Trung hưng. Ông còn được sử sách và người đời nhắc nhớ bởi sự thanh liêm, chính trực và tấm lòng hiếu nghĩa.
Đền thờ Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư được tôn tạo khang trang. Ảnh: Khánh Lộc
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư xuất thân trong một gia đình có dòng dõi làm quan. Theo các tài liệu lưu giữ và truyền ngôn dân gian, ông vốn quê gốc người miền ngoài, gia tộc có nghề làm vải nổi tiếng. Đến thời Hậu Lê, người họ Cao đã đỗ đạt và làm quan. Tuy nhiên, khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê, vì không theo nhà Mạc nên viên quan họ Cao buộc phải lui về ẩn cư. Nghe nói ở xứ Thanh có vùng đất Thọ Lộc (Bút Sơn ngày nay) phong cảnh đẹp, thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống nên người họ Cao đã dời nhà về đây mang theo cả nghề dệt vải truyền thống của gia tộc.
Cao Tư sinh vào cuối thế kỷ XVI, sống vào nửa đầu thế kỷ XVII. Do biến động xã hội, gia cảnh họ Cao lúc này cũng có nhiều sa sút. Tuy nhiên, với sức khỏe phi thường, lại chăm chỉ luyện tập nên lớn lên Cao Tư đã trở thành chàng trai có võ nghệ cao cường, nổi tiếng khắp vùng.
Truyền ngôn dân gian đến nay còn kể, dưới thời vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh cho mở khoa thi võ tuyển chọn người tài ra phò vua, giúp nước. Trường thi tổ chức ba môn thi là đấu voi, đấu hổ và xách tạ, Cao Tư đã đăng ký tham gia. Là người có sức khỏe lại mưu trí, khi thi đấu voi, nhằm lúc ruồi đậu vào mắt voi ông đã dùng gậy đập thật mạnh vào vòi voi khiến voi giật mình tháo chạy; đến khi đấu hổ, nhằm lúc hổ mới được thả từ chuồng ra, ông đã dùng sức đập luôn nhiều gậy “phủ đầu” khiến hổ hoảng sợ trốn vào chuồng; còn với thử thách xách tạ, ông một tay xách tạ đi xa hàng trăm thước khiến người có mặt đều thán phục. Nhờ tài năng nổi bật ở khoa thi võ, Cao Tư được tuyển vào đội quân túc vệ của triều đình, từ đây tài năng võ nghệ của ông bắt đầu có đất dụng.
Cũng nhờ sự tháo vát và tài năng võ nghệ, nỗ lực cống hiến hết mình, chỉ vài năm sau đó, Cao Tư đã thăng tiến, giữ đến chức Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ chỉ huy sứ, tước Thọ Quận công.
Bấy giờ ở Đàng Trong các chúa Nguyễn với sự lớn mạnh đã trở thành mối đe dọa lớn với triều đình vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Vì muốn giảm bớt quyền uy của chúa Nguyễn, chúa Trịnh đã cho sứ giả mang sắc phong của vua Lê vào Đàng Trong cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Vì chúa Nguyễn Phúc Nguyên “không nhận sắc” nên đích thân Thanh Đô vương Trịnh Tráng đã hộ giá vua Lê vào Đàng Trong đánh chúa Nguyễn. Trong lần vào Đàng Trong “hỏi tội” chúa Nguyễn này, có tướng quân Cao Tư.
“... Đến tháng 11 năm 1633, quân Trịnh lại tiến đánh quân Nguyễn tại Nhật Lệ. Trong những trận đánh ác liệt ở đây, Cao Tư là một vị tướng tài năng đầy mưu lược và dũng cảm, xông pha nơi hiểm nguy lập được nhiều chiến công. Ông được phong từ chức Khâm sai Đô đốc lên Tả Đô đốc năm 1634. Năm 1635 ông được phong tước Thái bảo” (sách Danh nhân Thanh Hóa, tập 6).
Là võ tướng nổi tiếng, sinh thời Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư còn được sử sách ghi chép là một viên quan thanh liêm, chính trực, được lòng dân mến mộ.
Theo đó, năm 1630 (niên hiệu Đức Long) vua Lê sai quan triều đình đi duyệt tuyển đội ngũ quan lại. “Bấy giờ bọn khâm sai võ tướng phần nhiều cậy thế thân cận có công, không theo chiếu lệnh, lấy lạm của dân, công nhiên hối lộ, thải người già, miễn bắt lính, điên đảo bất công, nhiều lần bị chất vấn, quở trách, mà quan duyệt tuyển ở Thanh Hóa như bọn Thái Bá Kỳ càng quá lắm. Duy chỉ có bọn Cao Tư, Nguyễn Quang Minh... là thận trọng giữ phép, không phạm pháp, được lòng dân nhiều, dân đều ca ngợi” (sách Đại Việt sử ký toàn thư).
Với nhiều công trạng trong quan nghiệp, khi già trở về quê hương bản quán, Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư được vua Lê - chúa Trịnh ban cho nhiều ruộng đất: “Thượng tự Nội Tý, hạ chí Bái Ninh” - có nghĩa là đất từ làng Nội Tý (nay thuộc xã Hoằng Đức) đến làng Bái Ninh (nay thuộc xã Hoằng Đạt). Tuy nhiên, từ điền sản vua ban ông không tham lam giữ cho riêng mình mà đem chia cho người dân trong vùng. Ông còn bỏ tiền riêng giúp dân tu sửa văn chỉ, võ chỉ, xây dựng đền miếu trong làng, giúp người nghèo khốn khó...
Không chỉ là quan thanh liêm, đức độ, Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư còn được người đời nhắc nhớ là người con hiếu nghĩa. Tương truyền, trong những ngày niên thiếu, gia cảnh sa sút, khốn khó, hai mẹ con Cao Tư sống bằng nghề bán nước. Khách qua đường dù có tiền hay không cũng được mẹ con ông giúp đỡ. Cũng vì nhà quá nghèo chỉ có một chiếc giường nhỏ, Cao Tư đã nhường cho mẹ, còn ông nằm ổ rơm.
Sau khi Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư qua đời (tài liệu lưu truyền tại địa phương và gia phả dòng họ cho biết ông mất ngày mùng 2 tháng 10 (âm lịch) không rõ năm), thương tiếc vị tướng tài, triều đình đã cử quan lại về lo việc tế lễ. Vua Lê ban sắc phong ghi nhận công trạng, đóng góp và nhân cách làm người của vị quan tài năng: “... Là công thần, thuở thiếu thời đã tòng quân chinh phạt, nhiều lần lập được công lao. Từ lúc khôi phục cơ đồ đến nay vẫn được tin tưởng giao phó cho đảm nhiệm công việc, giữ đạo thuần hậu hiếu nghĩa, lo việc yên ổn lăng mộ tổ tiên, cùng các việc công sai thủy binh nhị kỳ, tiên phong giáp chiến, không dám trái lệnh, giữ đạo toàn nghĩa trước sau, công lao nổi rõ triều thần...” (sách Danh nhân Thanh Hóa, tập 6).
Cùng với việc ban sắc, triều đình phong kiến còn ban ruộng đất cho 8 xã thuộc tổng Bút Sơn xưa canh tác để lấy lộc điền lo việc hương hỏa, thờ cúng Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư. Ban mỹ tự Tuấn Lương tôn thần, người dân làng Thọ Lộc lập đền thờ phụng.
"Năm 2018 đền thờ Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư được tôn tạo khang trang, là một trong những địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, tham quan, dâng hương của người dân và du khách xa gần. Hằng năm, vào ngày mất của ông (mùng 2 tháng 10) người dân trong vùng lại tập trung về đền thờ tổ chức lễ hội tưởng nhớ tiền nhân", bà Hoàng Thị Hà, thủ nhang đền thờ Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư cho biết.
Khánh Lộc
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa; Danh nhân Thanh Hóa, tập 6; và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).
{name} - {time}
-
2025-01-10 14:43:00
Thôn Rộc Răm tự hào có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy
-
2025-01-03 10:12:00
Về đất cổ Kẻ Rủn
-
2024-11-29 09:59:00
Nguyễn Thượng Hiền: Từ trí thức Nho học đến chí sĩ yêu nước