Tăng trưởng ấn tượng, tạo đà cán đích các mục tiêu phát triển năm 2024: (Bài 4) - Nông nghiệp tạo nền tảng cơ bản
Thêm một vụ đông xuân Thanh Hóa được mùa, được giá cao với hầu hết các nông sản, trong đó năng suất lúa trung bình lên tới 67,5 tạ/ha - là ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt đạt hơn 9.400 tỷ đồng, ngành chăn nuôi gần 5.590 tỷ đồng, ngành thủy sản gần 3.490 tỷ đồng... đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chế biến thịt gia cầm xuất khẩu tại Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS tại huyện Hoằng Hóa.
Từ vụ lúa được mùa nhất lịch sử
Vụ lúa xuân 2024 vừa khép lại, ghi nhận nhiều tín hiệu vui nói chung cho ngành trồng trọt tỉnh nhà. Ở hàng trăm xã trên địa bàn tỉnh xuất hiện những vùng lúa liên kết sản xuất, khi thu hoạch được các doanh nghiệp hay HTX thu mua lúa tươi ngay tại ruộng. Tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân), bà Mai Thị Huế ở thôn Thuần Hậu có niềm vui không nhỏ từ vụ lúa chiêm xuân vừa qua với 1,5ha ruộng liên kết trồng lúa. Đây là diện tích gia đình bà tự tích tụ bằng cách thuê thêm của những hộ thiếu lao động hoặc không mặn mà với ruộng đồng, rồi HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh thay mặt các hộ đứng ra ký kết để Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua toàn bộ lúa thương phẩm.
“Vụ vừa qua năng suất lúa đạt tới 70 tạ/ha, gia đình tôi thu hoạch hơn 10 tấn lúa. Vui hơn là năm nay Thai Binh Seed thu mua với giá 7.500 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 1.200 đồng/kg, đem về tổng thu 75 triệu đồng. Nếu trừ đi các khoản thuê cày bừa, máy cấy và vật tư, thì gia đình còn lợi nhuận hơn 50 triệu đồng chỉ sau gần 4 tháng canh tác”, bà Huế chia sẻ.
Thông tin từ Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh Đỗ Thị Hoa, vụ lúa xuân vừa qua toàn xã có 700 hộ gia đình được HTX đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng liên kết sản xuất - thu mua lúa. Lúa được HTX tích tụ thành những cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch nên nông dân rất ít phải lao động thủ công, có điều kiện nghỉ ngơi và làm thêm công việc khác.
Giám đốc Chi nhánh Bắc Trung bộ Thái Binh Seed Bùi Quang Tuấn cho rằng: “Xuân Minh với khoảng 50ha mỗi vụ, và chỉ là một trong hàng chục xã mà doanh nghiệp đang hợp tác liên kết sản xuất lúa gạo. Vụ đông xuân vừa qua công ty thu mua hàng trăm tấn lúa khô cho nông dân Thanh Hóa với giá 12,5 nghìn đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 2 nghìn đồng/kg. Vụ hè thu này, thông qua các HTX và doanh nghiệp trung gian, công ty cung ứng giống cho hàng chục nghìn ha lúa của Thanh Hóa, nhiều nhất là tại các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc"...
Tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa, vụ lúa đông xuân 2024, toàn tỉnh gieo cấy 113.588ha, năng suất đạt 67,5 tạ/ha, vượt 3,5 tạ/ha so với kế hoạch, đạt cao nhất từ trước đến nay. Với sản lượng lúa 766.720 tấn, góp phần đưa sản lượng lương thực toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt 893.717 tấn. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt cũng đạt 9.405 tỷ đồng, bằng 53,5% kế hoạch cả năm.
Đến thành công chung toàn ngành
Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi Thanh Hóa 6 tháng qua cũng ghi nhận “kỳ tích” ngăn ngừa dịch bệnh để cán những dấu mốc mới. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường, từ đầu năm đến nay 41 tỉnh, thành trên cả nước có dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại nặng nề. Trong đó, cả 4 tỉnh có vùng giáp ranh với Thanh Hóa có dịch, nhưng đàn lợn của tỉnh vẫn được an toàn là thành công rất lớn trong công tác phòng dịch.
Đó chính là kết quả của công tác phòng, chống dịch bệnh được tỉnh và ngành nông nghiệp chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn kịp thời, kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hệ thống cán bộ thú y cơ sở cùng các lực lượng của tỉnh vẫn đang căng mình chống dịch, lập chốt chặn kiểm dịch động vật ở các vùng giáp ranh. Cũng trong thời gian qua, công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 toàn tỉnh đạt 104,3% kế hoạch. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
Những nỗ lực đã góp phần vào sự phát triển ổn định của ngành chăn nuôi nửa năm qua với sản lượng thịt hơi các loại đạt 151.268 tấn, đạt 50,4% kế hoạch, tăng 1,5%; sản lượng trứng gia cầm 145,45 triệu quả, tăng 9%; sản lượng sữa tươi đạt 21.240 tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. 6 tháng qua cũng là thời điểm giá thịt lợn hơi tăng cao, đạt từ 68 đến 70 nghìn đồng/kg. Tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 5.586 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng từ điều kiện thời tiết khá thuận lợi, cùng sự nỗ lực toàn ngành và người dân, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 6 tháng qua đạt 106.892 tấn. Đáng nói, trong nuôi trồng, vùng nuôi tập trung 4.200ha tôm và 1.000ha nuôi ngao hầu như an toàn dịch bệnh, cho năng suất cao, trong đó có 220ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, theo hướng công nghệ cao đạt giá trị cả tỷ đồng/ha. Kết quả ấy đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành thủy sản tỉnh nhà lên 3.487 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Phân tích những thắng lợi của nông nghiệp tỉnh nhà, Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường cho rằng: “Do không xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài, các loại hình thiên tai có xuất hiện nhưng gây thiệt hại không lớn. Trong khi đó, diện tích các loại cây trồng chủ lực của tỉnh đều tăng so với kế hoạch, trong đó lúa tăng 1.258ha, mía tăng 1.400ha, sắn tăng 1.200ha. Ngoài năng suất lúa chiêm xuân cao nhất từ trước đến nay, thì nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh có giá khá cao như: Giá lúa tươi tại ruộng 7.500 đồng/kg, cao hơn năm trước 1.000 đồng; mía được thu mua 1,28 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng/tấn, tăng 200 nghìn đồng so với giá vụ trước; giá sắn củ đạt 2,8 triệu đồng/tấn, tăng tới 600 nghìn đồng so với các vụ trước. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm với nhiều thành công ngoài mong đợi, duy trì phát triển ổn định và đảm bảo tốc độ tăng trưởng 3,4%”.
Tuy giá trị sản xuất không cao như ngành công nghiệp, vai trò tạo đột phá chưa được đánh giá cao như thương mại- dịch vụ, song nhiệm vụ “dĩ nông vi bản” - lấy nông nghiệp làm gốc rễ cho sự phát triển vẫn được khẳng định. Sự thành công của nông nghiệp các tháng đầu năm tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội ở hầu khắp các vùng, miền trong tỉnh.
Bài và ảnh: Linh Trường
Bài cuối: Chìa khóa thành công!
{name} - {time}
-
2024-12-14 21:04:00
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài cuối): Đô thị thông minh - động lực cho phát triển bền vững
-
2024-12-14 16:56:00
Chuyên gia quốc tế hiến kế cho Cát Bà quy hoạch không gian biển để phát triển bền vững
-
2024-07-16 15:44:00
TikTok trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á
Những doanh nghiệp mang đến nguồn thu nghìn tỷ cho ngân sách
Bảo đảm an toàn cho hạ du mùa lũ năm 2024
Nga Sơn mở rộng diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng
Đưa sản phẩm làng nghề vươn xa
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng tốc những tháng cuối năm
Bản tin Tài chính 16/7: Có nên mua vàng trong thời gian tới?
Tăng trưởng ấn tượng, tạo đà cán đích các mục tiêu phát triển năm 2024: (Bài 3) - Du lịch là điểm sáng
VinFast chính thức động thổ nhà máy lắp ráp xe điện tại Indonesia
6 tháng đầu năm sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng 12,28% so với cùng kỳ năm 2023